Không chỉ đối diện với khó khăn vì không được học tập trực tiếp, nhiều học sinh, sinh viên còn nặng gánh lo toan vì vấn đề học phí. Dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên diện rộng đã làm ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh của hàng triệu gia đình và theo đó đường đến trường của học trò thêm gian nan…
Chỉ tính riêng tỉnh nhỏ của khu vực phía Nam như Vĩnh Long, con số học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã không nhỏ. Tại Hội nghị tổng kết năm học mới đây, lãnh đạo tỉnh này cho biết năm học 2021 - 2022, tỉnh có 200 nghìn học sinh đến trường, trong đó đối tượng hoàn cảnh khó khăn là 14 nghìn em. Đặc biệt, toàn tỉnh có tới gần 700 học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Khó khăn về kinh tế có nguy cơ làm gia tăng sự bất bình đẳng và có thể đẩy lùi tiến bộ trong việc mở rộng tiếp cận giáo dục và cải thiện chất lượng học tập, nhất là những học sinh, sinh viên con em các gia đình yếu thế.
Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì khó khăn, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ xem xét các phương án miễn, giảm học phí cho học sinh mầm non, phổ thông trong năm học 2021 - 2022. Cho đến nay, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã thực hiện chính sách này. Hà Nội đang xem xét, rà soát để có chính sách miễn, giảm học phí phù hợp. Còn tại TPHCM, Sở GD&ĐT TP cũng đề xuất miễn học phí học kỳ I và được biết, UBND TP đã đồng ý với chủ trương này.
Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 27/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Nghị định có điểm mới đề cập đến việc cho phép các tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh. Quy định mới này sẽ tạo hành lang pháp lý để tới đây, có thêm nhiều tỉnh, thành miễn, giảm học phí cho học sinh khó khăn do Covid-19.
Ở khối ĐH, CĐ, mặc dù là những cơ sở giáo dục tự chủ nhưng để chia sẻ khó khăn với sinh viên, đã có hàng trăm trường đại học thông báo không tăng học phí trong năm học mới. Nhiều trường thông báo giảm, với các gói hỗ trợ từ 30 - 100% học phí cho người học có gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM quyết định giảm trực tiếp 5% học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 cho sinh viên khóa cũ. Đồng thời, thay vì tăng học phí 5% theo lộ trình vào năm 2021, nhà trường giảm 5% học phí cho những sinh viên nhập học khóa mới tuyển sinh năm 2021.
Trường Đại học Kinh tế TPHCM triển khai gói hỗ trợ người học ở các bậc, hệ đào tạo trị giá 25 tỷ đồng. Trong đó, trường thực hiện giảm 5% học phí học kỳ giữa, học kỳ cuối 2021 cho người học, trao 1.000 suất học bổng hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Với chương trình “Nhập học 0 đồng, hỗ trợ sinh viên vượt qua Covid-19”, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng triển khai gói hỗ trợ toàn bộ sinh viên trong hệ thống trường đại học thuộc Tập đoàn được hỗ trợ trả học phí bằng thẻ ngân hàng, trả góp 12 tháng lãi suất 0% để đóng học phí cho năm học 2021 - 2022…
Miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay lãi suất 0 đồng để nhập học… những việc làm này của các địa phương, cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đã và đang góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính đối với học sinh, sinh viên con em các gia đình có thu nhập thấp, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, những chính sách hỗ trợ đầy nhân văn này còn tạo động lực cho học sinh, sinh viên khởi đầu năm học mới nhiều niềm tin, tạo tâm lý ổn định cho người dân, góp phần giữ chân người tài, tạo công bằng xã hội trong giáo dục, an sinh xã hội.