Trước đây, hàng ngày mỗi học sinh THCS và THPT tại ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) phải tốn 20 nghìn tiền đò để đến được trường học. Từ năm mới 2024 này, các em đã được miễn phí tiền đò theo nghị quyết của HĐND thành phố. Chính sách mới này đã mang đến niềm vui to lớn cho học sinh cũng như người dân nơi xã đảo xa xôi.
Vững tin cất bước đến trường
Tháng 12/2023, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông xã đảo Thạnh An năm học 2023 - 2024. Trong đó, ngoài hỗ trợ học phí, tiền học 2 buổi/ngày thì học sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng còn được chu cấp tiền ăn trưa, tiền đò khi theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập gồm tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TPHCM (ngoại trừ các cơ sở giáo dục tại địa bàn ấp). Mức hỗ trợ tiền đò cho mỗi học sinh là 440.000 đồng/tháng, còn tiền ăn trưa là 550.000 đồng/học sinh/tháng. Chính sách này bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Từ hơn 4 giờ sáng, ánh đèn ở các gia đình trên ấp đảo Thiềng Liềng bắt đầu xuất hiện. Đây chính là lúc các em học sinh lớp 6 - 12 tỉnh giấc, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị tập sách để rời ấp đảo đến trường.
Đều đặn 2 năm nay, gần 5 giờ sáng hằng ngày, em Trần Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 8/1, Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ), sẽ di chuyển đến bến đò của ấp, rồi gửi xe và xuống đò tìm một chỗ ngồi thuận tiện. Lúc này các bạn học cùng trường cũng bắt đầu di chuyển lên đò. Đến 5 giờ 30 phút đò bắt đầu di chuyển và lênh đênh trên biển, phải hơn 6 giờ mới cập bến xã đảo Thạnh An.
Lúc này Hải và các bạn men theo đường chợ chừng 15 phút mới đến được trường. “Sau một ngày học tập, đến 18 giờ chiều, em và các bạn lại lên đò trở lại ấp. Con đường đến trường của em có phần khó khăn, nhưng thời của ba mẹ em đã vì cái nghèo mà không thể đi học, giờ phải vất vả mưu sinh nên em luôn cố gắng học”, Hải chia sẻ.
Tương tự, em Nguyễn Ngọc Hân từ khi bước vào lớp 6/1 Trường THCS-THPT Thạnh An, việc phải dậy sớm để lên đò đến trường là chuyện thường ngày. Ba mẹ Ngọc Hân sống bằng nghề làm muối, ngoài em còn có anh đang học lớp 10. Mấy năm mưa bão nhiều, ba mẹ chỉ kiếm được hơn 20 triệu đồng là tổng thu nhập của một năm để lo cho cả nhà.
“Vì phải dậy từ sớm nên có hôm xuống đò, em ngủ gà, ngủ gật. Nhưng khi bước vào lớp, cơn buồn ngủ của em liền tan biến. Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ học mà càng phải cố gắng nhiều hơn. Bởi em biết, nếu không có con chữ, sẽ khó có tương lai.
Bước sang lớp 6 phải thay đổi địa điểm học tới một nơi xa hơn, nhưng em không sợ đi xa mà chỉ sợ gia đình không có đủ tiền cho em đi học. Trước đây, mỗi ngày bố mẹ phải tốn 20.000 đồng tiền đò và cả tiền ăn sáng cho em. Năm mới 2024 này được hỗ trợ tiền đò, tiền ăn, em và bố mẹ mừng lắm. Em sẽ cố gắng học thật tốt để chăm lo cho ba mẹ sau này”, Ngọc Hân chia sẻ.
Học sinh ấp đảo Thiềng Liềng trên đò đến trường. |
Niềm vui lớn, hy vọng mới
Xã đảo Thạnh An cách trung tâm huyện Cần Giờ chừng 7km. Địa phương này còn nhiều khó khăn, công việc của người dân chưa ổn định, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Toàn xã có 3 ấp gồm Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng, chỉ tính riêng thì ấp Thiềng Liềng có hơn 200 hộ dân.
Người dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm muối và đánh bắt thủy hải sản, nuôi hàu. Địa bàn này nằm riêng biệt giữa rừng ngập mặn cách trung tâm xã đảo khoảng 8 km. Để vào trung tâm xã, người dân phải mất hơn 45 phút đi đò. Vì thế, việc đến trường của học sinh ở đây rất khó khăn, vất vả.
Trước đây ở xã đảo Thạnh An chỉ có trường cấp II, muốn học lên cấp III học sinh phải vượt biển qua đất liền, bởi vậy, hầu như học sinh học hết cấp II là các em bỏ học. Từ năm 2018, Trường THCS-THPT Thạnh An được xây mới, có cả cấp III nên số lượng học sinh xã đảo học lên THPT ngày càng nhiều, nhất là các em ở ấp đảo Thiềng Liềng.
Bên cạnh đó, qua thời gian, người dân ở đây cũng ý thức hơn về tầm quan trọng của giáo dục, muốn cho con học lên cao, để vượt nghèo, vượt ra khỏi xã đảo, có công việc ổn định và cơ hội “đổi đời”. Nhờ đó mà tỉ lệ học sinh bỏ học cũng giảm dần qua từng năm.
Những ngày đầu năm 2024 này, những chuyến đò từ đảo Thạnh An về đảo Thiềng Liềng rôm rả hẳn. Câu chuyện được nhận hỗ trợ tiền đò, tiền ăn trưa cứ thế truyền từ học sinh này sang học sinh khác, mang về ấp đảo xa xôi niềm vui lớn, niềm hy vọng mới. Bởi, so với các em ở đất liền, học sinh tại ấp đảo Thiềng Liềng khó khăn và thiệt thòi hơn rất nhiều.
Nhiều năm nay, vì trên đảo chỉ có trường tiểu học nên muốn học tiếp cấp II - III, các em phải vào đảo Thạnh An. Bên cạnh đó, Trường THCS-THPT Thạnh An lại không tổ chức bán trú nên những học sinh không có nhà người thân trên đảo rất khó tìm được nơi nghỉ trưa, ăn uống. Vì vậy việc được hỗ trợ tiền đò, tiền ăn thực sự là niềm vui rất lớn đối với học sinh và người dân địa phương.
Đại úy Bùi Đức Sang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thạnh An, đơn vị phụ trách địa bàn xã đảo này cho biết, do trường học cách xa, cùng với việc đi lại khó khăn nên học sinh trung học ở ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) thường được bố mẹ chuẩn bị cơm trưa để mang đi học. Vì vậy hơn 2 năm nay đơn vị đã phối hợp với UBND xã Thạnh An, Trường THCS-THPT Thạnh An triển khai, hỗ trợ cơm trưa và bố trí nghỉ buổi trưa cho học sinh của ấp có hoàn cảnh khó khăn ở điểm sinh hoạt văn hóa của đơn vị.
“Năm học 2023 - 2024 này có 15 học sinh được hỗ trợ ăn nghỉ vào buổi trưa mỗi ngày. Một số gia đình trước đó muốn cho con nghỉ học vì lo lắng chỗ ăn, ngủ của con nay đã tiếp tục cho con đến trường. Những chính sách mà HĐND TPHCM vừa thông qua với học sinh xã đảo thực sự là niềm vui lớn, không chỉ cho các gia đình mà còn với toàn thể người dân sinh sống tại địa bàn”, Đại úy Bùi Đức Sang xúc động cho hay.
Thầy Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An chia sẻ: “Ngay khi biết tin HĐND TPHCM thông qua nghị quyết hỗ trợ học sinh, thầy trò cả trường đều vui. Đây là chủ trương đúng đắn để tiếp bước cho học sinh, giúp các em và gia đình bớt gánh nặng. Toàn trường hiện có 42 học sinh cư trú tại ấp đảo Thiềng Liềng. Kinh tế của ấp đảo khó khăn vì phụ thuộc thiên nhiên, tuy nhiên thời gian qua các em đều nỗ lực vượt khó đến trường. Nhiều em đã bước vào giảng đường đại học”.