Khát vọng của trẻ ấp đảo Thiềng Liềng

GD&TĐ - Nhiều người vẫn thường nói, giảng đường trường đại học, cao đẳng không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công.

Kim Xuyến và những người bạn trên con đường xuyên ấp đảo Thiềng Liềng. Ảnh: Bùi Vân
Kim Xuyến và những người bạn trên con đường xuyên ấp đảo Thiềng Liềng. Ảnh: Bùi Vân

Nhưng với những đứa trẻ lớn lên ở ấp đảo Thiềng Liềng, đó là giấc mơ, là khát khao để thoát khỏi cảnh “bán mặt cho… muối, bán lưng cho trời”.

Giấc mơ từ hạt muối

Những ngày giữa tháng 7, khi học sinh của Trường THCS - THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) quay về với gia đình sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Ngọc Kim Xuyến lại ngược về trung tâm thành phố, chuẩn bị cho buổi thi năng khiếu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM.

Dù đây không phải là lần đầu lên phố nhưng sự hào hứng của Xuyến với vùng đất xa lạ này vẫn thế. “Ở Thiềng Liềng xe ô tô còn không có nữa, trên đây nhộn nhịp quá. Nhìn xe nườm nượp mà em thấy sợ, không biết mai mốt học trên này, em đi lại kiểu gì nữa”, em hồn nhiên nói.

Để ước mơ giáo viên mầm non thành hiện thực, ngoài việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Xuyến cần vượt qua bài thi năng khiếu với 3 môn: Hát, múa, đọc diễn cảm. Dù đã luyện tập kỹ từ 3 ngày trước đó, nhưng khi đến trước cổng trường, em có chút chần chừ, không bước vào ngay.

Nét căng thẳng dần hiện rõ trên khuôn mặt. “Đây là cơ hội cuối cùng của em rồi. Điểm thi vừa rồi chắc không đủ để đậu đại học nhưng em thực sự rất muốn làm giáo viên mầm non như các cô ở ấp đảo quê em”, Xuyến giãi bày rồi lặng lẽ bước vào trường.

Những bước chân của Xuyến khá nặng nề, không chỉ vì nỗi lo giấc mơ bị dang dở, mà còn đến từ sự kỳ vọng rất lớn của cha mẹ ở quê nhà. Hòa mình vào dòng người đông đúc, với nước da đen nhẻm đặc trưng của những đứa trẻ lớn lên từ ruộng muối, người ta dễ dàng nhận ra Xuyến không phải là “dân Sài Gòn”.

Kết thúc buổi thi năng khiếu, áp lực được giải tỏa đôi chút nên Xuyến cũng mở lòng hơn. Xuyến chọn sư phạm không chỉ vì bài toán học phí, mà còn bởi em không biết ngành nào khác có thể kiếm được việc ở quê. “Ở Thiềng Liềng, ngoài làm muối, em tiếp xúc nhiều với các thầy cô, đâm ra có cảm tình với nghề giáo. Chứ các ngành như kinh tế hay ngân hàng, thấy xa lạ quá nên không dám chọn”, Xuyến giải thích.

Đoạn, em thú thật về ước mơ sâu thẳm của mình: “Em từng muốn trở thành diễn viên. Thích lắm nhưng không dám. Vì gia đình cũng đâu khá giả gì nên vẫn phải chọn nghề nào thực tế một chút để đỡ đần cha mẹ”.

Kim Xuyến sau giờ thi năng khiếu ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM. Ảnh: Bùi Vân

Kim Xuyến sau giờ thi năng khiếu ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM. Ảnh: Bùi Vân

Nhắc đến gia đình, giọng của Xuyến chợt chùng xuống. Nhà có 4 anh em, 2 người anh lớn đã lập gia đình, còn đứa em gái nhỏ hơn 1 tuổi cũng sắp sửa vào lớp 12. Cha mẹ em cũng như đa số người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng, lấy nghề muối làm kế sinh nhai. Quá nửa đời người gắn bó với thứ “vàng trắng” này, ông Nguyễn Văn Sơn, ba của Xuyến, không khỏi băn khoăn về giấc mơ đại học của con.

Người đàn ông tuổi ngoài trung niên dùng đôi bàn tay lấm tấm đốm nám và vài nốt chai sần quệt dòng mồ hôi rồi ngậm ngùi: “Nghề này chỉ làm được trong 6 tháng nắng, thời gian còn lại thì ai thuê gì làm nấy, bốc hàng bên cảng hay phụ hồ cho người ta. Chắt bóp lắm mới đủ tiền ăn, tiền uống. Học ở lớp nhỏ thì cha mẹ còn lo được chứ lên đại học bao nhiêu chi phí. Rầu lắm!”.

Sống ở nơi được cho là nghèo nhất TPHCM, không ít lần chứng kiến trẻ trong ấp phải bỏ học rồi kiếm sống bằng nghề mò hàu, làm thuê cuốc mướn nhưng ông Sơn chưa bao giờ có ý nghĩ cho con thôi học. “Đời ông bà, cha mẹ đã gắn bó với nghề bấp bênh này, cũng đủ hiểu nó cực cỡ nào. Làm gì làm, có vay tiền cũng ráng mà lo cho con học tới nơi tới chốn để nó không phải khổ như mình”, ông Sơn nói với giọng chắc nịch.

Với khách thập phương, miền muối trắng trải dọc theo con đường độc đạo trên ấp đảo Thiềng Liềng đơn thuần là một phong cảnh đẹp. Nhưng với những đứa trẻ đã quen với vị mặn như Xuyến, bao nhiêu giọt mồ hôi của cha mẹ đã đổ trên cánh đồng trắng là bấy nhiêu khao khát được thoát khỏi cảnh “bán mặt cho… muối, bán lưng cho trời”.

“Mỗi lần nghĩ tới cha mẹ, em lại nhớ tới hình ảnh giữa trưa nắng gắt, cha cào muối, mẹ hốt muối rồi đẩy vào chòi. Mồ hôi tuôn không ngớt. Bởi vậy em không bao giờ dám nghĩ tới chuyện bỏ học. Phải học mới đổi đời được”, nữ sinh quả quyết.

Nguyễn Trần Thiện Nhân ôn thi tốt nghiệp THPT tại nhà trên ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Bùi Vân

Nguyễn Trần Thiện Nhân ôn thi tốt nghiệp THPT tại nhà trên ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Bùi Vân

Gian nan tìm con chữ

Thạnh An được công nhận là xã đảo từ đầu năm 2021. Xã được chia thành 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Bình, Thiềng Liềng. Trong đó, Thạnh Hòa và Thạnh Bình nằm trên cùng một hòn đảo nhỏ, là trung tâm xã. Thiềng Liềng nằm trên một hòn đảo khác, tách biệt hoàn toàn, cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về phía Đông Nam. Ấp đảo hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống.

Để dẫn chứng cho sự xa xôi cách trở của nơi mình sinh ra, Xuyến nửa đùa nửa thật mà nói rằng: “Dù ấp thuộc xã Thạnh An nhưng nhiều người ở xã vẫn chưng hửng khi nghe về cái tên Thiềng Liềng. Họ vẫn tưởng đó là một nơi nào đó xa xôi lắm”.

Chỉ khi thực sự đặt chân đến Thiềng Liềng, người ta mới thực sự hiểu thấu sự nhiêu khê của chặng đường tiếp cận “đảo trong đảo”. Muốn đi đến ấp đảo này, người ta phải di chuyển bằng xe máy trên con đường độc đạo xuyên rừng, qua phà Bình Khánh, đi đò vượt biển rồi thuê vỏ lãi băng qua con sông Lòng Tàu.

Học sinh ấp đảo Thiềng Liềng cập bến đò bên trung tâm xã Thạnh An. Ảnh: Bùi Vân

Học sinh ấp đảo Thiềng Liềng cập bến đò bên trung tâm xã Thạnh An. Ảnh: Bùi Vân

Cả hành trình mất hơn 3 tiếng. Khi sóng yên biển lặng, việc di chuyển khá dễ dàng. Còn lúc sóng lớn, mưa giông, dù là thanh niên trai tráng cũng không tránh khỏi cảnh “mật xanh mật vàng” khi lắc lư trên con đò vượt biển. Thậm chí, nếu thời tiết tệ hơn, việc đến Thiềng Liềng là bất khả thi.

Dù giờ đây, Thiềng Liềng đã “thay da đổi thịt”, ghi điểm với du khách với vẻ bình yên nhưng đường đến trường của các em lại không mấy yên bình. Cho đến nay, tiểu học là cơ sở giáo dục bậc cao nhất tại đây. Để tiếp tục học THCS, THPT, học sinh phải sang xã đảo Thạnh An bằng đò, mỗi ngày chỉ có 2 chuyến lúc 5 giờ 30 phút và 18 giờ chiều.

“Trời chưa ló dạng là em và các bạn đã phải thức để kịp giờ đò chạy. Nhà em gần bến còn đỡ, chứ nhiều bạn nhà ở sâu trong khu nông trường có khi phải thức từ 3 giờ rưỡi, tay cầm lồng cơm, vai mang cặp chạy vội cả đoạn đường dài”, Xuyến kể.

Tròng trành trong khoang đò chật hẹp, nồng nặc mùi dầu, vượt sóng suốt 45 phút đã phần nào mài mòn ý chí tìm chữ của những đứa trẻ Thiềng Liềng. “Em bị say sóng nên mỗi lần nhìn chiếc đò là em sợ.

Nhằm khi sóng lớn, tới được Thạnh An thì người em cũng lả đi, ngồi trong lớp nhưng chữ chẳng vào đầu”, Xuyến thành thật nói. Chưa kể những ngày mưa bão, đò không chạy, các em ở Thiềng Liềng cũng “bất đắc dĩ” phải nghỉ ở nhà. Càng vất vả, chuyện học càng dễ “đứt đoạn” nên lên lớp lớn, số học sinh cũng “rơi rụng” dần.

Trước năm 2017, với người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng, điện và nước sạch là những thứ xa xỉ. Những tấm pin năng lượng mặt trời được Nhà nước cấp vào năm 2011 chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Vì thế mà những đứa trẻ nơi đây đã quen với việc lần mò tìm con chữ trong ánh đèn dầu leo lét.

Cũng là thời gian trước đây, khi chưa có đường bê tông, các em học sinh phải đi bộ trên con đường đất đỏ trải đá. Trời nắng, bụi bay mịt mù. Mưa xuống, đường trơn như bôi mỡ. Bùn đất níu chặt chân bọn trẻ, bộ đồng phục trắng cũng khó mà tinh tươm.

Là giáo viên trẻ tình nguyện ra đảo “đưa đò”, cô Trần Thị Hà My (giáo viên Lịch sử, Trường THCS - THPT Thạnh An) không đếm hết số lần phải đến từng nhà học sinh, động viên các em đi học lại.

“Không giống trẻ ở thành phố, ngoài giờ học, các em ở Thiềng Liềng còn phải phụ gia đình mò hàu, đi cào, đi lưới rồi ra ruộng hốt muối nên da đứa nào đứa đấy đen nhẻm. Nhiều em nhìn nhỏ con lắm, tưởng lớp 2, lớp 3 nhưng thật ra toàn học trung học cả”, cô kể.

“Động viên các em thôi là chưa đủ, còn phải khuyên nhủ gia đình. Vì phụ huynh lo đi biển, rồi làm muối nên không để ý nhiều đến chuyện học của con. Một số người vẫn còn giữ tư tưởng cho con biết chữ thôi là đủ chứ không cần học nhiều”, cô My kể. Cô giáo trẻ vẫn nhớ như in ấn tượng đầu tiên khi nhìn các học trò nhỏ ở Thiềng Liềng.

Kỳ thi của hy vọng

Vào mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, số lượng thí sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng dự thi chỉ đủ số ngón trên một bàn tay. Năm nay cũng không ngoại lệ, ngoài Xuyến, Thiềng Liềng có thêm Nguyễn Trần Thiện Nhân, Phạm Ngọc Huy, Nguyễn Thị Thùy Nguyên và Nguyễn Thị Mỹ Duyên.

Khác với những thí sinh đi thi trong điều kiện thuận lợi, học sinh ở ấp đảo cứ đến mùa thi lại khệ nệ khiêng vác hành trang để vượt biển vào đất liền. Bên trong không chỉ có sách vở, bút gôm, giấy tờ, mà còn có cả quần áo, chăn màn và đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Các em từ Thiềng Liềng sang trung tâm Thạnh An sớm hơn một ngày để kịp hôm sau cùng đoàn học sinh Trường THCS - THPT Thạnh An di chuyển vào đất liền.

Ngồi trên con đò lắc lư theo nhịp sóng biển, tiếng nói cười rôm rả lúc ban đầu cũng vơi dần. Vừa có học lực tốt, vừa là lớp trưởng, Phạm Ngọc Huy được gia đình, thầy cô đặt nhiều kỳ vọng ở đợt thi tốt nghiệp này. Ngoài chuyện thi cử, Huy không khỏi ngẫm nghĩ về chặng đường tương lai.

Học sinh ấp đảo tranh thủ ôn bài khi ngồi trên đò, di chuyển sang trung tâm xã Thạnh An. Ảnh: Bùi Vân

Học sinh ấp đảo tranh thủ ôn bài khi ngồi trên đò, di chuyển sang trung tâm xã Thạnh An. Ảnh: Bùi Vân

Em tâm sự: “Hồi đi thi lớp 10 em cũng di chuyển vào nội thành như vậy. Nhưng lần này em thấy hồi hộp quá. Đi thi thì ai cũng mong mình đỗ đạt mà tự dưng nghĩ tới cảnh lên thành phố đi học, phải xa cha mẹ mấy tháng trời làm em thấy buồn, tủi thân”.

Sau khi đoàn cập bến đò Cần Thạnh, thầy và trò phải mất cả tiếng đi xe băng qua đường Rừng Sác mới đến Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ) - nơi lưu trú của các em trong suốt những ngày thi tốt nghiệp. Bàn ghế được chồng lại, xếp gọn vào một góc.

Các phòng học được “trưng dụng” thành ký túc xá, nam 1 phòng, nữ 2 phòng. Bơ phờ sau một chặng đường di chuyển giữa cái nóng oi bức của Cần Giờ, ngay khi đến nơi, các em nhanh chóng ngả lưng ở những tấm đệm mỏng được trải trên nền đất.

Trên đò, các em tranh thủ ăn trước khi vào lớp học. Ảnh: Bùi Vân

Trên đò, các em tranh thủ ăn trước khi vào lớp học. Ảnh: Bùi Vân

Đến chập choạng tối, sau khi lấp đầy chiếc bụng đói, mỗi em lại lựa một góc để ôn bài. Khi được hỏi về môn thi sợ nhất, các em đồng thanh đáp: “Tiếng Anh”. Một bạn nhanh nhảu giải thích: “Học sinh ở xã đảo không có điều kiện học tiếng Anh như các bạn ở thành phố. Vì thiếu giáo viên nên tụi em đã mất gốc từ hồi THCS. Khi lên bậc THPT thì giáo viên đổi người liên tục nên tụi em cũng khó tiếp thu”.

Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở xã đảo đã tồn tại từ nhiều năm nay. Cho đến hiện tại, Trường THCS - THPT Thạnh An mới chỉ có 2 giáo viên. Trong đó, một thầy giáo là biên chế, còn lại là một cô giáo thỉnh giảng.

Đi thi không có cha mẹ bên cạnh, các em cũng tự ý thức nhắc nhở nhau tranh thủ học rồi ngủ sớm. Xuyến thì thầm kể: “Em đọc trên báo hay thấy mấy bạn đi thi có phụ huynh đứng ở ngoài chờ. Nghĩ thì cũng thích thật, nhưng mình đi thi tự túc vậy mới thấy bản thân trưởng thành thêm đôi chút. Coi như làm quen trước để sau này ở thành phố đỡ bỡ ngỡ”.

Không chỉ Xuyến mà bao thế hệ học sinh ở Thiềng Liềng đều nghĩ về cánh cửa đại học như một cơ hội để thoát nghèo, thoát khổ. Sự vất vả, thiệt thòi đã khiến không ít trẻ nơi ấp đảo phải dừng bước học hành, nhưng đó cũng là động lực để Xuyến và những bạn đồng trang lứa kiên trì với giấc mơ vào giảng đường.

Thương mấy đứa trẻ Thiềng Liềng đi học thiếu thốn, năm 2022, ông Nguyễn Văn Yến, Trưởng ấp Thiềng Liềng kêu gọi mạnh thường quân xây dựng bếp cơm ở Đồn Biên phòng Thạnh An. “Đa số trẻ ở Thiềng Liềng đều phải đi đò 2 chuyến/ngày để đến trường. Nhà em nào có người quen ở xã mới gửi gắm được. Đặt bếp cơm ở đó, buổi trưa mấy đứa nhỏ học xong thì ra đó ăn, đỡ phải dậy sớm chuẩn bị lồng cơm. Bụng phải no thì chữ mới vào đầu được”, ông Yến giải thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.