Chính sách cho sinh viên vay vốn học tập: Nhận diện rào cản

GD&TĐ - Tại TPHCM, nhiều trường đại học, cao đẳng đã xây dựng chính sách tín dụng cho vay tín chấp với lãi suất 0%.

Sinh viên đăng ký nhập học tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: X. Dung
Sinh viên đăng ký nhập học tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: X. Dung

Tuy nhiên, đối tượng được tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ này có giới hạn và mức hỗ trợ còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của sinh viên; thời gian vay, lãi suất hỗ trợ cũng như điều kiện, thủ tục cho vay còn khá phức tạp…

Chính sách nhân văn

Trong nhiệm kỳ thứ nhất (2021 - 2023), Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã huy động tổng cộng 22,7 tỷ đồng. Từ đó đến nay, quỹ này đã hỗ trợ 344 sinh viên với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Đầu năm 2024, BKA công bố sẽ tiếp tục cho sinh viên của Trường Đại học Bách khoa vay 1.000 suất/học kỳ lãi suất 0%, với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI có nội dung: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.

Cụ thể, điều kiện bảo lãnh vay với tân sinh viên trúng tuyển khóa 2024 gồm: Điểm trung bình lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm lớp 10, 11, 12 đạt loại tốt; có kế hoạch trả khoản vay rõ ràng; chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác; ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Số tiền được vay theo học phí quy định của nhà trường và giải ngân theo từng học kỳ.

Thời hạn trả tiền là 2 năm tính từ lúc được giải ngân, mỗi học kỳ xét duyệt một lần dựa trên kết quả học tập của sinh viên. Sinh viên có nghĩa vụ thanh toán khoản vay trong vòng 30 ngày nếu có quyết định thôi học dù chưa đến thời hạn. Sinh viên cũng có thể trả khoản vay trước thời hạn.

Đặc biệt, chương trình còn quy định điều kiện để sinh viên chuyển đổi khoản vay thành học bổng. Theo đó, sinh viên có kết quả học tập từ 8/10 hoặc 3,2/4 và rèn luyện từ 90/100 trong thời gian bảo lãnh vay sẽ được xem xét tặng học bổng từ 50 - 100% khoản vay tùy thuộc theo hoàn cảnh nỗ lực của sinh viên và kinh phí của chương trình.

Ngoài ra, tại Trường Đại học Bách khoa, quỹ hỗ trợ sinh viên Bách khoa còn có chương trình hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được mượn tiền đóng học phí trong thời gian học tại trường. Các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, chưa vay được vốn ngân hàng chính sách xã hội địa phương có thể mượn số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ (lãi suất 0%).

Theo quy định của chương trình này, sinh viên chỉ được mượn khi đang học tại trường từ học kỳ thứ 2 đến học kỳ thứ 8 và được mượn không quá 4 học kỳ trong thời gian học tại trường. Sinh viên nhận hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả học phí đã mượn trong thời gian học tại trường hoặc tối đa trước 1 năm sau ngày tốt nghiệp.

Không chỉ Trường Đại học Bách khoa TPHCM, các trường đại học thành viên khác của Đại học Quốc gia TPHCM cũng có chương trình hỗ trợ cho vay ưu đãi cho sinh viên với lãi suất 0%. Cụ thể, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với ngân hàng để triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0% năm học 2024 - 2025.

Theo đó, sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ 1 năm học này nhưng không vượt quá 20 triệu đồng. Điều kiện vay vốn theo quy định gồm: Sinh viên hệ chính quy văn bằng 1; cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học (không tính thời gian được phép gia hạn); chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác; có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian cho vay được tính từ ngày sinh viên được phát món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi (nếu có). Sinh viên phải trả nợ gốc lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày sinh viên kết thúc khóa học (kể cả trường hợp chưa có việc làm ổn định). Thời gian cho vay tối đa 8 năm.

Chinh sach cho sinh vien vay von hoc tap – hinh 3.jpg
Mức học phí hiện nay của nhiều trường đại học tăng cao khiến cho sinh viên và gia đình càng thêm áp lực. Ảnh minh họa: Q. Hải

Ở một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập khác cũng có các chương trình hỗ trợ vay vốn để sinh viên nghèo “không bị bỏ lại phía sau”. ThS Dương Công Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho hay, trường có Quỹ Tín dụng sinh viên Đại Việt với tổng tài chính 15 tỷ đồng, sẵn sàng cho sinh viên vay vốn học tập với lãi suất 0%.

“Các em sinh viên vay vốn sẽ không chịu lãi suất, thời gian vay hỗ trợ lên đến 5 năm. Đây là một cơ hội lớn mà hệ thống Giáo dục Đại Việt chuẩn bị cho các em sinh viên giảm bớt lo lắng khi học tập” - ông Hiếu nói.

Theo thống kê, hiện TPHCM có khoảng 600 nghìn sinh viên đang học tại các trường đại học, học viện, cao đẳng. Trong đó, hơn 50% sinh viên đến từ các tỉnh thành khác. Ngoài học phí, việc chi trả chi phí ăn uống, đi lại, sinh hoạt… gây nhiều áp lực cho người học, nhất là sinh viên khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn vốn vay, tín dụng luôn được lãnh đạo TPHCM quan tâm.

Thời gian qua, thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Thành Đoàn và các sở, ngành có liên quan tham mưu đề án “Hỗ trợ sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu học tập tại TPHCM giai đoạn 2024 - 2028”. Thành đoàn TPHCM là đơn vị đầu mối, chủ trì thực hiện đề án này. Người vay vốn là tất cả sinh viên, học viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở TPHCM gặp khó khăn về tài chính.

Nếu họ có nhu cầu vay vốn để học tập, trường và Thành đoàn TPHCM sẽ hỗ trợ. Hình thức cho vay là tín chấp (không cần tài sản đảm bảo). Đề án này nhằm hỗ trợ tài chính cho sinh viên không thuộc đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các cơ quan này sẽ xác minh nhu cầu thực, lập danh sách gửi các ngân hàng thương mại để xét duyệt cho vay.

Ngoài đề án “Hỗ trợ sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ nhu cầu học tập tại TPHCM giai đoạn 2024 - 2028”, TPHCM cũng sẽ trang bị kiến thức, giới thiệu việc làm bán thời gian để hạn chế sinh viên vướng vào tín dụng đen. Xây dựng tinh thần chủ động trong sinh viên đối với việc vay tín dụng phục vụ học tập và ý thức hoàn trả sau khi có việc làm, tiếp tục đồng hành cùng chương trình để hỗ trợ cho các sinh viên lớp theo sau.

Chinh sach cho sinh vien vay von hoc tap – hinh 1.jpg
Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) thành lập “Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách khoa”. Ảnh: HCMUT

Mức vay không còn phù hợp?

Hiện tại, đối tượng vay tín dụng ở Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ có hộ nghèo và hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống với nông thôn và 2 triệu đồng trở xuống ở khu vực thành thị. Bên cạnh đó, gia đình phải thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Vậy nên, rất nhiều sinh viên dù điều kiện kinh tế khó khăn, song vì không thuộc diện này, nên không tiếp cận được với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các chuyên gia giáo dục và kinh tế đều cho rằng, nên cho tất cả sinh viên vay tín dụng, nhưng từng đối tượng sinh viên sẽ có mức lãi suất khác nhau.

Các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được miễn lãi suất, còn sinh viên có điều kiện gia đình tốt hơn sẽ hưởng mức lãi suất ưu đãi. Như vậy, sinh viên bớt đi gánh nặng học phí, yên tâm học tập.

Ngoài ra, theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên: Sinh viên gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định Nghị định số 07/2021/NĐ-CP sẽ được vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng mỗi học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo đại diện các trường đại học, con số 4 triệu đồng/tháng này đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Chinh sach cho sinh vien vay von hoc tap – hinh 4.jpg
Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp các nhà tài trợ trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tháng 3/2024. Ảnh: ĐHQG-HCM

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) nhận định, thực tế học phí tại các trường đại học hiện nay, đặc biệt là các trường có chính sách tự chủ tài chính, đã tăng đáng kể so với trước đây. Mức vay vốn sinh viên hiện nay (khoảng 4 triệu đồng/tháng) có thể không đủ để trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt. Điều này khiến nhiều em gặp khó khăn trong việc theo đuổi con đường học vấn, nhất là những sinh viên đến từ các gia đình khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn đề xuất 3 giải pháp để sinh viên có cơ hội được học tập: Thứ nhất, Chính phủ và Ngân hàng Chính sách Xã hội nên có thể cân nhắc tăng mức vay vốn cho sinh viên sao cho phù hợp với mức chi phí thực tế hiện tại, nhằm đảm bảo sinh viên có thể trang trải đầy đủ học phí và sinh hoạt phí.

Thứ 2, gia hạn thời gian trả nợ hoặc giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tài chính cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có thể đề xuất lịch trả nợ sau khi tốt nghiệp đại học. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cổ phần nên có chính sách cho các sinh viên và trả nợ lâu hơn, có thể vài năm hay vài chục năm, và có lãi suất ưu đãi cho sinh viên. “Chính sách cho vay tiền không có thế chấp mà tín chấp thôi thì các sinh viên mới vay được” - ông Sơn đề nghị.

Trong khi đó, ThS Dương Công Hiếu đề xuất nên tăng mức vay tối đa để phù hợp với chi phí học tập và sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học tự chủ tài chính dẫn đến mức học phí tăng cao. Đồng thời, đề xuất các ngân hàng nên giảm lãi suất vay hoặc áp dụng lãi suất 0% cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên và gia đình của sinh viên.

“Bên cạnh Ngân hàng Chính sách Xã hội, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia và tăng cường hỗ trợ vay vốn cho sinh viên, bao gồm việc mở rộng đối tượng vay và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, phải đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện vay vốn, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn. Điều này bao gồm việc giảm bớt các giấy tờ cần thiết và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ”, ông Hiếu nói.

Nhà nước và các ngân hàng nên kéo dài thời gian trả nợ sau khi sinh viên tốt nghiệp, giúp các em có đủ thời gian ổn định công việc trước khi bắt đầu hoàn trả khoản vay… Các giải pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, từ đó giúp sinh viên có thể tập trung vào học tập và phát triển bản thân. - ThS Dương Công Hiếu (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chủ tịch của Đại hội đồng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Numan Kurtulmus.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS

GD&TĐ -Một chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc nước này có thể gia nhập BRICS không chỉ mang lại lợi ích cho Ankara mà còn cho toàn thế giới.

Minh họa: Vietpink

Café chủ nhật: Nghĩa đồng bào

GD&TĐ - Cũng vì hai tiếng “đồng bào” ấy, mà bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh giải phóng ách nô lệ, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào mình.

Một cuộc tấn công của IDF nhằm vào Syria.

Syria trong tầm ngắm của Israel sau Lebanon?

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, nếu diễn biến theo kịch bản bất lợi, Syria có thể là đối tượng tiếp theo trong tầm ngắm của IDF sau Hezbollah.