Chính sách Bảo hiểm y tế mới: Người dân cần quan tâm những gì?

GD&TĐ - Theo chuyên gia, việc sửa đổi Luật BHYT phải phù hợp với thực tiễn trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đồng thời, từ tháng 7, người dân cần nắm rõ nhiều chính sách mới về BHYT được sửa đổi, bổ sung.

Bổ sung nhiều đối tượng được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT. Ảnh minh họa
Bổ sung nhiều đối tượng được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT. Ảnh minh họa

BHYT đối với người dân trong đại dịch Covid-19

Theo TS Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế): Trong thời gian qua, người có thẻ BHYT khi đến bệnh viện, nhiều trường hợp phải xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán Covid-19 đều được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi.

Bên cạnh đó, trong số những người mắc Covid-19, nhiều người có kèm bệnh lý nền mạn nếu tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn.

Như vậy, việc điều trị bệnh lý nền của bệnh nhân cùng với điều trị Covid-19 từ nguồn lực của Quỹ BHYT và ngân sách Nhà nước. Điều này cũng góp phần vào đảm bảo yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh.

TS Lê Văn Khảm cũng cho biết thêm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, một số hướng dẫn về khám chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung. Đó là việc quy định mở rộng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú với bệnh mãn tính, tăng từ 30 ngày lên 90 ngày đối với một lần kê đơn thuốc.

Đồng thời, trong điều kiện giãn cách xã hội hoặc cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bị phong toả, sẽ được đến cơ sở y tế khác khám chữa bệnh mà vẫn được chi trả như đúng tuyến.

Nói về việc sửa đổi Luật BHYT, TS Lê Văn Khảm cho biết: Chúng ta cần có điều chỉnh trong luật, để làm sao tình huống đó người lao động vẫn được tham gia BHYT liên tục. Đồng thời doanh nghiệp cũng không bị áp lực vừa đảm bảo đóng BHYT cho người lao động vừa duy trì sản xuất.

Đồng thời, một vấn đề nữa cũng nên hướng đến là phạm vi quyền lợi liên quan đến dịch vụ y tế dự phòng. Trong đó có việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc một số trường hợp bắt buộc khác với người tham gia BHYT. Kể cả khám sức khoẻ định kỳ, dịch vụ dự phòng và vắc-xin phòng bệnh.

“Tức là chúng ta phải nghĩ đến, hướng đến việc sửa đổi luật phải phù hợp với thực tiễn và xu hướng trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân” – TS Lê Văn Khảm nhấn mạnh.

Những đối tượng được Nhà nước mua thẻ BHYT

Từ tháng 7, nhiều chính sách mới về BHYT có hiệu lực thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi tham gia.

Luật BHYT hiện nay đang quy định: Hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú.

Theo quy định mới, những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình phải là những người: Cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì cùng Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú như trước đây.

Sở dĩ có sự điều chỉnh như trên là do Luật Cư trú năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2023, chính thức bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Những thủ tục này sẽ được thay bằng việc quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Từ tháng 7/2021, cơ quan đăng ký cư trú cũng sẽ không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú mà thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Nghị định số 20 cũng đã bổ sung đối tượng được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT: Người thuộc diện hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ. Người đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật.

Người đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người con này đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội). Những trường hợp này được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT.

Theo quy định trước đây, nhóm đối tượng này chỉ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT tối thiểu 70%.

Đồng thời, kể từ tháng 7/2021, pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chính thức có hiệu lực.

Theo đó, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành. Hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống. Hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống… sẽ được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT.

Các cơ sở cũng cần lưu ý quy định mới về công khai giá thu dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.

Trong đó, cơ sở khám chữa bệnh phải thông tin kịp thời và công khai với người bệnh và người đại diện hợp pháp của người bệnh giá thu dịch vụ khám chữa bệnh.

Theo đó, cần công khai giá thu dịch vụ khám chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT. Giá thu dịch vụ khám chữa bệnh không theo yêu cầu đối với người bệnh không có thẻ BHYT. Giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu của người bệnh. Giá các loại dịch vụ khác tại đơn vị.

Ngoài ra, quy định cơ sở y tế phải công khai các chế độ miễn, giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh. Đồng thời, thực hiện chính sách BHYT, thanh toán giá và chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định của pháp luật.

Việc niêm yết công khai phải thường xuyên, liên tục và kịp thời. Đồng thời, thông báo trực tiếp với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh.

Phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV cũng được hưởng chế độ BHYT. Đây là nội dung được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Theo luật này, phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được quỹ BHYT, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm.

Chị Hoàng Kim Ngọc – cán bộ huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng: Có thể nói những điều chỉnh của cơ quan chức năng trong điều kiện dịch bệnh rất phù hợp với thực tiễn, kịp thời. Điều này vừa góp phần phòng chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ