Giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính tới tháng 6/2020, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH đã lên tới 2.571 (năm 2014, con số này chỉ là 2.111 cơ sở). Đặc biệt, số cơ sở KCB tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở (năm 2014) lên 835 cơ sở (năm 2020).
Ngoài ra, các đối tượng: trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên... cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia BHYT.
Nhờ việc mở rộng cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2009 mới có 92,1 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT thì đến năm 2019 số lượt người đi khám chữa bệnh BHYT đã tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt người. Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019.
Có thể nói, "chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.
Đơn cử một trường hợp bệnh nhân có mã thẻ do BHXH TP Hồ Chí Minh phát hành, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế 100%, KCB ban đầu tại BV 30/4 đã điều trị tại BV Chợ Rẫy từ ngày 12/7/2019 đến ngày 26/8/2019 với chẩn đoán sốc (choáng) nhiễm khuẩn.
Tổng chi phí KCB BHYT của bệnh nhân này là 2,02 tỷ đồng, trong đó chi phí thuốc 897,5 triệu đồng có một số thuốc chi phí cao như kháng sinh Colistimetato 102,5 triệu đồng, Meronem 79,9 triệu đồng, Cancidas 65,3 triệu đồng; chi phí vật tư y tế 678,4 triệu đồng gồm bộ kít thu nhận tiểu cầu túi đôi 57,4 triệu đồng, bộ quả lọc máu liên tục Prismaflex 51 triệu đồng, chi phí máu 175,9 triệu đồng…
Một trường hợp bệnh nhân khác có mã thẻ do BHXH tỉnh Hải Dương cấp, mác bệnh lý cơ tim, suy tim đã được BHYT chi trả tổng chi phí KCB lên tới 2,1 tỷ đồng. Trong đó chi phí thuốc 926 triệu đồng, có một số thuốc chi phí cao như kháng sinh Colistimetato 272,9 triệu đồng; kháng sinh Meronem 161,2 triệu đồng; vật tư y tế 320 triệu đồng gồm bộ trao đổi huyết tương 186 triệu đồng, Phổi nhân tạo ECMO 127 triệu đồng…
Đẩy mạnh phát triển BHYT vì sức khỏe người dân
Cùng với việc mở rộng số lượng người tham gia BHYT, cơ quan BHXH và ngành y tế đã phối hợp, tập trung nâng cao chất lượng KCB BHYT với hàng loạt biện pháp đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh như: Lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, cách làm và phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm; triển khai các đề án giảm tải, bác sĩ gia đình.
Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cũng đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT, bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.
Đặc biệt, BHXH, Bộ Y tế đã có nhiều dự án, biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT để giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tới đây toàn bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ áp dụng cho tất cả người dân trên toàn quốc bằng hệ thống BHYT. Tất cả người bệnh KCB nội trú, ngoại trú sẽ không dùng giấy để khám bệnh.