Bất cập đóng - hưởng BHXH
Theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh tăng lương hưu nhiều năm qua theo cách cào bằng dẫn tới có sự chênh lệch lớn giữa lương hưu của nhiều đối tượng. Ví dụ, 3 người hưởng lương vào năm 2002 với các mức lần lượt là 200.000 đồng; 1 triệu đồng và 10 triệu đồng (trong một tháng). Nhưng sau các lần điều chỉnh lương, đến năm 2017, sự chênh lệch lương hưu của 3 người này là rất lớn, cho dù khoảng cách lương của họ trong năm 2002 không nhiều. Theo đó đến năm 2017, ba người nhận lần lượt lương là 1,8 triệu đồng, 8,6 triệu đồng và 85 triệu đồng. Như vậy, có người hưởng lương chỉ 1,8 triệu, trong khi có người hưởng tới 85 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Linh, giảng viên Khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, hiện mô hình tổ chức của BHXH còn bất cập, chỉ có mạng lưới cấp Trung ương, tỉnh, thị trấn nhưng xã phường không có. Trong khi đó, mạng lưới tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm thương mại đi đến tận các xã, phường. Ông dẫn chứng, toàn ngành BHXH hiện có 21.000 người nhưng riêng một doanh nghiệp bảo hiểm thương mại hiện có 35.000 đại lý.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, việc tăng biên chế trong bối cảnh hiện nay là không thể. Ông cho rằng, ở mỗi xã, phường nếu có thêm một cán bộ bảo hiểm cũng đồng nghĩa số người vào biên chế sẽ tăng khoảng 12.000 người, gây gánh nặng cho ngân sách. Do đó, theo ông nên cải cách theo mô hình tổng đại lý ở cấp tỉnh và cho họ quyền quyết định tuyển dụng nhân sự, chỉ tiêu kinh doanh…
Cải cách BHXH cần có tầm nhìn dài
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước hiện có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi và 27% lao động ngoài độ tuổi. Trên 10 triệu người tham gia BHTN, chiểm 21% số lao động trong độ tuổi tham gia BHTN. Năm 2016 ước thu BHXH đạt 174,5 nghìn tỷ đồng tăng 7 lần so với năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH.....
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chính sách BHXH cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Diện bao phủ BHXH còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về BHXH bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức và tỷ lệ tham gia thấp trong khu vực phi chính thức…
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, BHXH là công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. BHXH được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận BHXH là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp.
Là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ trọng lao động phi chính thức lớn, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống BHXH. Cần tuân thủ nguyên tắc tối cao đóng - hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nhưng cũng cần có sự chia sẻ. Sự chia sẻ của số đông với số ít, thế hệ này, thế hệ khác… Cải cách BHXH cũng cần phải có tầm nhìn dài 20 - 30 - 40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải nhanh chóng hành động, hành động sớm thì có nhiều dư địa cho việc cải cách. Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh...
Ông Đặng Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra bất cập dẫn đến nguy cơ mất cân đối giữa đóng và hưởng, bởi không có nước nào áp dụng mức đóng 22% nhưng lại hưởng đến 75%, do đó cần phải thay đổi nhưng phải triển khai từng bước, phải xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, lấy mảng nọ bù mảng kia.
Ông Long cũng đồng thời đề xuất thành lập nhóm chuyên gia sâu thường xuyên định kỳ phân tích tình hình tài chính của quỹ BHXH, quỹ hưu trí. Trước đây, cứ vài năm, thậm chí tới chục năm mới được đánh giá một lần, nhưng như thế là quá lâu và cần phải được tiến hành thường xuyên hơn.