Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương thí điểm không gửi và nhận văn bản giấy với 21 loại văn bản điện tử đã dùng chữ ký số. Trừ văn bản mật, những văn bản khác được gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, gồm nghị định, quyết định, thông tư, giấy mời, công văn, công điện...
Thời gian thí điểm từ nay đến giữa tháng 5/2019. Cùng thời gian này, lãnh đạo các đơn vị được yêu cầu hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để quản lý văn bản điện tử. Sau đó, nội bộ các cơ quan hành chính sẽ dùng văn bản điện tử thay văn bản giấy. Kết quả thí điểm được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng dùng chữ ký số ký ban hành văn bản trên máy tính bảng. Ảnh: VGP. |
Bộ Thông tin Truyền thông, Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ tập huấn, hướng dẫn các cơ quan gửi và nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì giám sát, kiểm tra hệ thống đảm bảo an toàn; đường truyền mạng ổn định, thông suốt. Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tích hợp việc ký số trên phần mềm quản lý văn bản để đảm bảo giá trị pháp lý. Hai tập đoàn viễn thông được giao tiếp tục hoàn thiện phần mềm.
Dựa trên kết quả thí điểm, Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về gửi, nhận văn bản điện tử.
Trước đó, ngày 12/3, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương, kết nối 95 cơ quan trung ương và địa phương. Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm - Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ cho biết, ứng dụng trên sẽ tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỷ đồng mỗi năm bao gồm tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, thời gian...
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng chữ ký số để ban hành đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia trên hệ thống điện tử.