Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa

GD&TĐ - Hôm 22/9, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị cho tình huống chính phủ đóng cửa.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hôm 22/9, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang chuẩn bị cho tình huống chính phủ đóng cửa và hàng trăm nghìn nhân viên có thể nghỉ việc không lương.

Nguy cơ đóng cửa xảy ra khi Quốc hội chưa thông qua tất cả 12 dự luật ngân sách do tổng thống ký nhằm đảm bảo duy trì hoạt động của chính phủ trước ngày 1/10. Thời hạn đóng cửa là không thể xác định.

Hàng trăm nghìn công chức trong tổng số 4 triệu nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương và hàng loạt dịch vụ có thể bị gián đoạn, từ cấp hộ chiếu cho đến thu gom rác. Nhân viên trong các lĩnh vực thiết yếu như bưu điện, thuế, y tế... có thể tiếp tục làm việc nhưng không được trả lương.

Nếu việc đóng cửa chỉ kéo dài vài ngày, nhất là trùng với dịp cuối tuần, thì tác động thực tế là rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu nhân viên không được trả lương quá hai tuần, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong trường hợp chính phủ Mỹ đóng cửa, Cục Thống kê Lao động thông báo họ sẽ ngừng công bố dữ liệu, bao gồm số liệu chính về lạm phát và thất nghiệp. Nếu thiếu những thông tin này, các nhà đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang sẽ gặp khó khăn trong việc phân tích và dự đoán nền kinh tế đất nước. Các cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ sẽ không cấp khoản vay mới cho bầt kỳ doanh nghiệp nào.

Các nhà lập pháp cũng cảnh báo tình trạng đóng cửa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính. Ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs ước tính tình trạng trên sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,2% mỗi tuần nhưng tốc độ tăng trưởng sau đó sẽ phục hồi khi chính phủ mở cửa lại.

Du lịch là lĩnh vực “lao đao” tiếp theo. Nhân viên kiểm soát không lưu, an ninh vận tải vẫn sẽ phải làm việc mà không được trả lương. Trong giai đoạn chính phủ ngừng hoạt động hồi năm 2019, hàng trăm nhân viên an ninh sân bay đã nghỉ việc.

Nếu tình cảnh này lặp lại, thời gian xuất, nhập cảnh sẽ diễn ra lâu hơn. Nhiều cơ quan phê duyệt thị thực phải đóng cửa, hồ sơ thị thực sẽ tồn đọng, thời gian chờ được cấp thị thực kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động giao thương, giáo dục, du lịch quốc tế.

Các dịch vụ tham quan trong nước cũng có nguy cơ bị gián đoạn và suy thoái. Theo Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày nếu chính phủ ngừng hoạt động.

Còn tác động lên lĩnh vực sức khỏe cộng đồng là rất khác nhau. Trong khi các hoạt động y tế công cộng khẩn cấp, ứng phó với dịch bệnh vẫn hoạt động bình thường thì các hoạt động y tế công cộng khác sẽ giảm công suất.

Đơn cử, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm sẽ trì hoãn các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm; Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp buộc phải giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra. Như vậy, những mối nguy tiềm ẩn đối với an toàn sức khỏe, an toàn lao động của người dân không được cảnh báo sớm.

Nhìn chung, các dịch vụ liên bang bị gián đoạn sẽ làm lung lay niềm tin của người dân vào chính phủ khi các nhà lãnh đạo không thể thực hiện các nhiệm vụ cơ bản. Vì thế, Mỹ cần nhanh chóng tìm ra giải pháp để tránh đóng cửa hoặc hạn chế tối đa thời gian đóng cửa.

Đây là lúc trách nhiệm của Quốc hội đặt lên cao nhất vì đây là cơ quan tài trợ cho chính phủ. Hạ viện và Thượng viện cũng phải nhất trí ngồi lại để tìm ra phương án cấp kinh phí cho chính phủ dù là thời hạn lâu dài hay tạm thời để đảm bảo các ưu tiên cấp bách của quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.