Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép

GD&TĐ - Sáng 22/7, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: Quang Khánh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Ảnh: Quang Khánh.

Tăng trưởng mức khá so với thế giới

Khái quát lại tình hình kinh tế - xã hội nửa năm qua, Phó Thủ tướng nhắc đến đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Đợt dịch này đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP.HCM.

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định và đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Chính phủ trân trọng, cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, chung tay trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ quý báu của các quốc gia, tổ chức, bạn bè quốc tế trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Điểm lại một số kết quả đạt được về kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới.

Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%...

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng. Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn.

Ưu tiên hàng đầu là chống dịch

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng cảnh báo, nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đó, Chính phủ đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết".

Quang cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng ngày 22/7. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng ngày 22/7. Ảnh: Quochoi.vn

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022...

Nhiệm vụ giải pháp tiếp theo được Chính phủ đề ra là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có tiết kiệm chi thường xuyên 10%.

Chính phủ kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và độ bao phủ tiêm chủng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.