- Xin ông cho biết nhận định của mình về thực trạng dạy kỹ năng sống hiện nay?
- Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp : Hiện nay các cơ sở đào tạo kỹ năng sống cho trẻ mọc lên ngày càng tràn lan với chất lượng khó kiểm soát. Lý do là vì có những cơ sở chỉ xin giấy phép thành lập doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch đầu tư với lĩnh vực kinh doanh là giáo dục, rồi tự thiết kế các khóa học, tự xây dựng chương trình rồi cứ thế hoạt động mà không thông qua Sở Giáo dục Đào tạo thẩm định, không thông qua bất cứ cơ quan chuyên môn nào trong khi nội dung có đảm bảo tính khoa học và phù hợp hay không là rất quan trọng
Đến nay, chưa có trường, khoa nào dạy chuyên ngành về kỹ năng sống. Người dạy kỹ năng sống cần phải có chuyên môn về tâm lý, giáo dục, xã hội nhưng thực tế có nhiều người học chuyên ngành khác, không liên quan gì nhưng cũng đi dạy kỹ năng sống. Có thể vì kỹ năng sống không phải là chuyên ngành quá chuyên sâu nên có phần bị coi nhẹ về quản lý và đào tạo, xin cấp phép, xin dạy cũng dễ hơn những môn văn hóa khác.
- Sự quản lý lỏng lẻo đó đã dẫn đến những hậu quả như thế nào, thưa ông?
- Có một tệ nạn đang diễn ra là có những trung tâm kỹ năng sống mở ra để dạy cho những trẻ đặc biệt như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển… một cách sai lệch để trục lợi. Trường hợp trung tâm Tâm Việt mà báo chí nói đến vừa qua, theo tôi không phải là duy nhất. Vẫn còn không ít những trung tâm kiểu như vậy, họ đánh vào tâm lý của những phụ huynh có con tự kỷ, con chậm phát triển… mà gần như không có ai quản lý những trung tâm đó.
Có nhiều nơi dạy kỹ năng sống bê nguyên xi chương trình dạy của nước ngoài vào Việt Nam mà không cần tìm hiểu xem nó có phù hợp với thể trạng, tâm lý của trẻ em Việt Nam hay không trong khi có một nguồn kỹ năng sống mà hiện tại đang bị bỏ qua, bị lãng quên, đó chính là các trò chơi dân gian Việt Nam. Bất cứ trò chơi dân gian nào cũng đều có ứng dụng kỹ năng sống, ví dụ trò “Bịt mắt bắt dê” dạy trẻ khả năng phản ứng, phản xạ, khả năng định hướng về không gian; trò chơi Ô ăn quan dạy trẻ khả năng tính toán…
Hầu hết các trò chơi dân gian đều phục vụ kỹ năng sống, người ta chỉ cần bám vào đó để dạy trẻ thôi là cũng được rồi chứ không cần phải tìm đến cái gì xa xôi. Mình cứ đi tìm cái gì thật xa, thật khó, thật hiện đại, công nghệ mà bỏ đi cái nền tảng đã tồn tại hàng nghìn năm là rất đáng tiếc.
Tại phụ huynh thấy con mình suốt ngày tivi, điện thoại, ipad, bị lệ thuộc quá vào các thiết bị công nghệ, điện tử mà thấy kỹ năng sống là cần thiết. Nếu so sánh giữa các thiết bị điện tử và kỹ năng sống thì rõ ràng họ thấy học kỹ năng sống tốt hơn cho dù nó phù hợp hay không phù hợp với con mình. Nhưng họ quên mất rằng, ngày xưa chính họ là trẻ con được chơi các trò chơi dân gian, được phát triển rất tốt các kỹ năng mà không nghĩ đến hoặc không tìm được nơi dạy cho con mình các trò chơi đó.
Trong hoàn cảnh và điều kiện hiện tại, với sự lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại, tivi, các bậc cha mẹ buộc phải tìm đến những nơi tổ chức kỹ năng sống cho con mình, cho dù nhiều tiền hay ít tiền, dạy như thế nào cũng phải chấp nhận. Thực tế, học kỹ năng sống cũng là con đường để đứa trẻ hòa nhập, giao tiếp với xã hội. Tuy nhiên các trung tâm đó hoạt động như thế nào, dạy như thế nào thì đang mất kiểm soát. Việt Nam không có một hiệp hội nào đứng ra giám sát nên các trung tâm muốn làm, muốn hoạt động như thế nào cũng được, miễn là không vi phạm quá đáng về đạo đức như trường hợp Trung tâm Tâm Việt.
- Ông luôn nhắc đến vai trò của phụ huynh trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Vậy gia đình quan trọng như thế nào để trẻ phát huy được kỹ năng của mình, thưa ông?
- Nhiều khi kỹ năng không quan trọng mà không gian để đứa trẻ tách khỏi những thói quen, lệ thuộc hàng ngày để phát triển mới quan trọng. Về cơ bản, kỹ năng sống là rất tốt nhưng việc một đứa trẻ ứng dụng những kỹ năng sống đã được học đó như thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào gia đình, cha mẹ có tạo điều kiện để đứa trẻ phát triển kỹ năng đó hay không. Ví dụ như trẻ học xong kỹ năng về tư duy phản biện, kỹ năng về ra quyết định nhưng khi về nhà, bố mẹ vẫn chỉ đạo, vẫn ra lệnh phải làm việc này việc kia, không cho đứa trẻ tranh luận thì kỹ năng được học không có tác dụng gì cả, thậm chí có thể làm cho đứa trẻ ức chế, khó chịu hơn.
Chính vì thế, khi dạy đứa trẻ kỹ năng sống thì đồng thời chính người lớn, cha mẹ cũng phải được tư vấn về kỹ năng sống. Một đứa trẻ được học cách phản biện, cách ra quyết định thì khi về nhà, bố mẹ có cho con cùng tham gia bàn luận không hay vẫn theo thói quen “con phải ăn cái này”, “con phải làm việc kia”, “con phải đi chỗ đó”… Đấy là người lớn ra quyết định cho nó chứ đứa trẻ không có quyền ra quyết định nữa. Cứ như vậy, trẻ bị thui chột những gì đã được học và chỉ có thể trở thành “gà công nghiệp” mà thôi.
Tuy nhiên, việc tư vấn cho người lớn hiểu về kỹ năng sống, tạo môi trường cho trẻ ứng dụng, phát huy những kỹ năng được học không hề dễ dàng. Bởi tư duy thói quen, tâm lý, văn hóa Khổng giáo với thứ bậc “trên bảo dưới nghe” đã tồn tại hàng nghìn đời ăn sâu vào suy nghĩ của những người làm cha mẹ. Nếu tư duy gia đình không thay đổi thì đừng trông mong đứa trẻ sẽ thể hiện bản thân.
- Xin cảm ơn ông