Đam mê nghiệp võ, nghiệp văn
Ngày cuối của đợt chấm thi tốt nghiệp THPT, tôi gặp lại anh. Nói là gặp lại, chứ thực ra tôi cũng chỉ mới gặp anh một lần thoáng qua trong đợt chấm thi năm ngoái. Cảm mến anh với vẻ bề ngoài điềm tĩnh, ít nói và hình như còn cất giấu một nỗi niềm nào đó trên khuôn mặt có những phút đăm chiêu… Chuyện trò với anh, hiểu hơn một người anh, người đồng nghiệp vừa đam mê với cả nghề dạy học lẫn dạy võ.
Năm 23 tuổi, Nguyễn Đăng Khoa mới vào giảng đường đại học bởi trước đó, anh theo học ở trường nghề Công nhân nông nghiệp Trung ương 4. Tốt nghiệp đại học, anh dạy học hai năm ở miền Nam và sau đó chuyển về dạy học ở Trường THPT Lê Lợi tại Tân Kỳ, huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách TP Vinh 90 cây số. Từ đó đến nay, với gần 20 năm công tác giảng dạy tại trường, anh đã dìu dắt bao lớp học trò ở một vùng đất còn nghèo khó cất cánh bay xa.
Về mảnh đất Tân Kỳ, có nhiều lứa học trò khi nhắc đến anh đều nhắc đến hình ảnh một người thầy tận tâm, hết mực yêu thương, luôn chia sẻ với học trò, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Trong những ngày hè nắng nóng, anh xuống tận TP Vinh tham gia đội tình nguyện tiếp sức mùa thi. Anh làm tình nguyện viên lái xe lại miễn phí đưa đón học trò đến điểm thi. Đặc biệt, anh còn thuê cả một dãy nhà trọ cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến nghỉ ngơi trong những ngày thi.
Khi tôi hỏi cơ duyên nào đưa anh đến với nghề dạy võ, anh cho biết là bởi ngày nhỏ sức khỏe yếu nên ước mơ lớn lên sẽ làm võ sư để rèn luyện sức khỏe cho mình cũng như các em nhỏ. Anh nói, mục đích của học võ là để rèn luyện tâm, trí, lực và anh đã có kế hoạch đề xuất với Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đưa võ thuật vào trường học. Hiện nay, anh mở một số lớp dạy võ ở các trường THPT và THCS, thu hút nhiều học viên.
Gian nan hành trình tìm thanh âm
Trong câu chuyện, anh kể cho tôi nghe về hành trình gian nan đi tìm lại tiếng nói cho đứa con mà anh hết mực yêu thương. Đó là một câu chuyện thật xúc động về tình phụ tử. 9 năm ròng anh đưa con xuống TP Vinh điều trị. Mỗi tuần hai ngày đều đặn bất kể nắng mưa, người bố ấy đã song hành cùng cậu con trai trên quãng đường Tân Kỳ - TP Vinh rồi về lại Tân Kỳ.
Anh kể, khi vợ anh mang thai được 3 tháng thì bị sởi rubella nên lúc sinh cháu bị khuyết tật điếc dẫn đến câm. Mặc dù vậy, cháu vẫn thông minh, nhanh nhẹn. Anh bảo, để con khỏi bệnh anh sẵn sàng làm thêm bất cứ nghề gì. Đồng lương giáo viên eo hẹp nên anh còn làm nhiều nghề khác để có tiền điều trị bệnh cho con như dẫn chương trình đám cưới, lái taxi, nuôi ong… Từ việc bươn chải với đủ thứ nghề như thế, anh cũng đã dành dụm được một số tiền để mua máy trợ thính cho cháu - trị giá chiếc máy gần cả trăm triệu đồng. Nhìn sâu trong đôi mắt anh - đôi mắt của một người bố hết lòng vì con, mới cảm nhận được tình cảm lớn đến nhường nào anh dành cho cậu bé Châu.
Tôi hỏi, điều mong muốn và lo lắng nhất của anh bây giờ là gì? Anh Khoa trầm ngâm một lúc rồi nhỏ nhẹ nói: “Chín năm đồng hành cùng con, điều tôi lo nhất bây giờ là nếu học ở nhà thì không theo được, mà học ở TP Vinh thì mỗi tuần được nghỉ mỗi ngày thứ 7. Nguyện vọng của tôi là muốn về dạy gần TP Vinh để cháu Châu có cơ hội học tập, nếu không…”. Nói đến đấy, anh bỏ lửng câu, đôi mắt nhìn ra xa, phút giây ấy tôi cảm nhận được sự xúc động nơi anh. Tôi buột hỏi: “Chẳng nhẽ, anh… quyết định nghỉ dạy để chăm sóc cho cháu sao?”. Anh trả lời trong nghẹn ngào: “Ừ, nếu nguyện vọng không thành hiện thực sẽ phải bỏ dạy để lo cho cháu nên người…”.
Tôi hiểu giây phút ấy trong lòng người làm bố đang nghĩ gì. Vì tương lai của con, vì tình yêu vô hạn với con, anh dám đánh đổi nghề dạy học mình rất tâm huyết suốt bao năm để lo cho con nên người. Anh dám hi sinh tình yêu văn chương mà mình ước mơ từ nhỏ để được bao bọc, che chở cho đứa con không được may mắn như những đứa trẻ khác. Đó hẳn là một quyết định không dễ dàng nhưng dường như anh đã chuẩn bị tâm thế một cách chủ động.
Tâm huyết với hoạt động thiện nguyện
Mặc dù con trai khuyết tật nhưng anh hay kết nối làm các hoạt động thiện nguyện, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Cứ tưởng xuất phát từ hoàn cảnh của bản thân nên anh dễ đồng cảm trong việc chia sẻ, giúp đỡ người khác nhưng anh thích làm công tác thiện nguyện từ khi chưa lập gia đình. Từ hồi còn sinh viên cứ gặp cảnh đời bất hạnh anh lại đứng ra kêu gọi quyên góp làm từ thiện.
Có những đợt anh đứng ra kêu gọi quyên góp được 300 triệu đồng cho một xã nghèo ở Hà Tĩnh. Hay mới gần đây nhất, anh đã đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là chị Nguyễn Thị Kim Nhung, 36 tuổi, xóm Yên Phong, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ với số tiền 25 triệu đồng. Chị Nhung bị bệnh Parkingson, gần như liệt nửa người. Chồng chị vướng vào vòng lao lí, đã li dị, một mình chị nuôi 2 đứa con ăn học. Gần đây, chị được một gia đình tại địa phương thương tình thuê làm giúp việc. Tưởng được yên ổn thì tai họa ập đến với mẹ con chị.
Ngoài việc kết nối thiện nguyện từ những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn cụ thể, anh Khoa còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào tình nguyện do các tổ chức đoàn, đội phát động như phong trào “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa đông ấm”…
Dẫu phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng với tình thương lớn của một người bố, bản lĩnh của một võ sư, tấm lòng giàu trắc ẩn của một thầy giáo dạy văn sẽ là những ngọn lửa xanh để anh sưởi ấm cho cuộc đời của con.
Lúc chia tay, anh đưa cho tôi xem một đoạn video về cậu bé đang giao tiếp trong lớp học với cô giáo. Anh cười: “Cháu tiến bộ rất nhanh em ạ”! Ngắm nụ cười ấm áp, hạnh phúc của anh dành cho con mà thấy ấm lòng, dường như đang quên đi mọi vất vả trong cuộc đời mình.