Vụ hai ngư dân bị tra tấn dã man trên tàu biển:

'Chìm xuồng' vì đã nhận bồi thường?

GD&TĐ - UBND tỉnh Cà Mau chiều ngày 17/11 cũng đã có văn bản hỏa tốc về việc kiểm tra, xác minh thông tin ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá.

Hình ảnh ngư dân bị đánh gây thương tích trên vùng mặt được cắt từ video clip.
Hình ảnh ngư dân bị đánh gây thương tích trên vùng mặt được cắt từ video clip.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip ghi lại cảnh một nhóm người có hành vi hành hạ dã man một người đàn ông khác tại chiếc tàu đang hoạt động trên biển. Những hình ảnh trên video khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Được biết, sự việc đã diễn ra được vài tháng và hai bên đã tự “hòa giải”, bên bị hại đã nhận bồi thường và không yêu cầu xử lý hình sự. Sự “chìm xuồng” của vụ việc gây phẫn nộ này lại khiến dư luận tranh cãi…

Hai ngư dân bị tra tấn dã man trên biển

Theo như nội dung đoạn video clip ghi lại cho thấy, người có hành vi ra tay nhẫn tâm tên là Hùng. Người này đã dùng kìm bấm để bẻ răng, bấm vào ngón tay cái, vào bộ phận sinh dục của một người đàn ông. Quá đau đớn khi bị hành hạ nhưng không được ai can ngăn, nạn nhân chỉ còn biết kêu la thảm thiết.

Sau đoạn video clip trên, tiếp tục xuất hiện một đoạn video clip khác được cho là diễn biến phía sau của vụ việc. Theo đó, nhóm người liên tục có động thái hăm dọa nạn nhân không được khai báo khi tàu cập bờ.

Liên quan đến sự việc trên, UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã có báo cáo nhanh vụ việc. Theo nội dung báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, 2 nạn nhân trong vụ việc được xác định là ông T.V.T. (SN 1975) và anh L.V.B. (SN 1992). Cả 2 nạn nhân đều có quê quán tại tỉnh An Giang và hiện đang tạm trú trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Các cá nhân tham gia hành hung 2 nạn nhân được xác định là Nguyễn Công Toàn (SN 1988); Nguyễn Văn Tỵ (SN 1988) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1984, cùng trú tại huyện Trần Văn Thời).

Diễn biến vụ việc, ngày 28/5, anh B. đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo về vụ việc bản thân bị hành hạ gây thương tích trên ghe đánh bắt thủy sản mang BKS: BT 97993-TS. Đến ngày 30/5, đến lượt ông T. đến Công an thị trấn Sông Đốc để trình báo sự việc tương tự.

Tại cơ quan chức năng, 2 nạn nhân trình báo vào ngày 4/1, ghe đánh bắt thủy sản trên do bà Phạm Thị Hà làm chủ xuất bến ra biển hoạt động đánh bắt thủy hải sản tại khu vực cửa sông Ông Đốc.

Thời điểm này, trên ghe có tất cả 7 thuyền viên do Nguyễn Công Toàn làm tài công. Ngoài 2 nạn nhân và 3 người có liên quan, trên ghe còn có thêm 2 người khác là Nguyễn Văn Của và Phạm Chí Cường.

Đến ngày 23/5, ông T.V.T. bị Toàn, Tỵ và Hùng dùng hung khí tấn công gây thương tích (lỗ tai phải, gãy 4 cây răng, dập môi, gối phải). Đến ngày 24/5, anh L.V.B. bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một răng. Quá trình làm việc với cơ quan công an, 2 nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự mà chỉ yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị.

Sau khi nắm vụ việc, Công an thị trấn Sông Đốc đã 3 lần yêu cầu bà Hà điều ghe vào bờ để làm rõ vụ việc nhưng bà Hà chưa đưa ghe vào bờ để làm việc. Theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, hiện ghe chưa vào bờ nên cơ quan chức năng vẫn chưa làm việc được với các đối tượng trên ghe.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời , ông Trần Tấn Công cho biết, hiện huyện đã báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh Cà Mau đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, phía UBND tỉnh Cà Mau chiều ngày 17/11 cũng đã có văn bản hỏa tốc về việc kiểm tra, xác minh thông tin ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Công an tỉnh khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị liên quan xác minh thông tin trên đồng thời xử lý nghiêm nếu có xảy ra sai phạm.

Khởi tố được không?

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm.

Căn cứ Điều 143 BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án khi xác định có dấu hiệu tội phạm. Như vậy, yêu cầu của bị hại chỉ là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố.

“Do đó, nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan chức năng không được khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp nếu có dấu hiệu tội phạm nhưng rơi vào trường hợp cần yêu cầu của người bị hại mà không có yêu cầu khởi tố của bị hại thì không khởi tố vụ án hình sự.

Ngược lại, nếu có dấu hiệu tội phạm nhưng không rơi vào trường hợp cần yêu cầu của bị hại thì dù bị hại không yêu cầu khởi tố thì hành vi có dấu hiệu tội phạm vẫn sẽ bị khởi tố”, luật sư Tùng phân tích.

Tuy nhiên, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, Bộ luật tố tụng Hình sự quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Điều đó có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền phải nhận được yêu cầu của bị hại mới được khởi tố vụ án, nếu không việc khởi tố này là trái pháp luật.

Điều 155 BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.

“Do đó, trong trường hợp 2 nạn nhân không yêu cầu xử lý hình sự các đối tượng đã hành hung mình mà các đối tượng này có dấu hiệu tội phạm quy định tại Khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự 2015 thì cơ quan chức năng không được vào cuộc điều tra và khởi tố hành vi của các đối tượng trên.

Ngược lại nếu các đối tượng hành hung có dấu hiệu tội phạm mà không thuộc các tội trên thì cơ quan công an sẽ tiếp nhận tin báo, khởi tố điều tra theo quy định pháp luật”, luật sư Hoàng Tùng giải thích.

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, trong trường hợp bị khởi tố, nhóm đối tượng trên có thể sẽ phải đối diện với tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 BLTTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (trừ Khoản 1 Điều này).

“Để có thể khởi tố đối với vụ án Cố ý gây thương tích mà không có yêu cầu của bị hại thì yêu cầu bắt buộc đối với cơ quan điều tra phải xác định được tỷ lệ thương tích của bị hại. Bởi chỉ khi xác định được phần trăm tỉ lệ thương tích của bị hại thì cơ quan điều tra mới có căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự”, luật sư Hoàng Tùng lý giải.

Các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm khi có yêu cầu của bị hại…

Trường hợp 1: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134).

Trường hợp 2: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135).

Trường hợp 3: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136).

Trường hợp 4: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138).

Trường hợp 5: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139).

Trường hợp 6: Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141).

Trường hợp 7: Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143).

Trường hợp 8: Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155).

Trường hợp 9: Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156).

Trường hợp 10: Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Khoản 1 Điều 226).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.