Thằng cha dượng dóng diết đuổi theo sau miệng la “Thằng mất dạy…”. Nhưng nó đã thoát ra ngoài cánh đồng.
Sáng hôm ấy, nó không đến trường. Tha thẩn bên bờ sông, nó mệt quá ngồi xuống gốc cây gạo. Gió đồng mát rượi, tiếng chim họa mi hót thánh thót. Dòng sông rì rào như kể chuyện khiến cho hai mi mắt nó sụp xuống. Nó ngủ…
Giấc mơ đưa nó về một sáng tháng Ba. Khi những bông hoa gạo đỏ rực thắp sáng cả bầu trời, tiếng họa mi thánh thót, cũng là lúc bố đưa nó đi học. Vừa ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của bố, nó vừa bảo: “Sau này, con sẽ lái ô tô đấy bố ạ!”. Bố chỉ cười. Nó hình dung, sau này nó lái xe đưa bố mẹ đi du lịch mà sung sướng cười ngất. Rồi bố đưa nó vào lớp học. Lớp ba của cô Hòa sẽ mất vui khi vắng nó. Cô bảo:
- Bạn Sáng lớp mình không những học giỏi mà còn có nhiều trò hay…
Nhưng nó biết, nó được cô ưu ái vì có chút "sáng dạ” hơn người thôi chứ nó nghịch quá, đôi khi còn làm mất điểm thi đua của lớp nên cũng bị cô quở trách.
Trong giấc mơ, nó thấy cả mẹ rất đẹp, mặc áo dài dịu dàng đi bên bố và hai chị em nó trong ngày Tết. Rồi mẹ bảo: “Con trai của mẹ có đôi mắt rất sáng, ráng học chăm chỉ sau này sẽ thành người thông thái giỏi giang…”.
Nó choàng tỉnh khi nghe tiếng khóc. Chị đi tìm nó. Thằng Sáng bật dậy như lò xo. Hai chị em ngồi bên bờ sông. Chị nó khóc rất nhiều, hai mắt sưng húp. Còn nó thì ngồi như pho tượng, mím chặt môi, hai mắt đỏ ngầu.
Vậy là ngày thứ ba nó nghỉ học. Chiều nay cô Huệ, chủ nhiệm lớp tới nhà nó. Tiếp cô là ông bố dượng say mèm, giọng lè nhè:
- Nó đi chết dấp đâu, làm sao tôi biết! Cả cái con chị chết tiệt của nó nữa, chúng nó đi chết dấp, chết vạ đâu hết cả rồi, mẹ kiếp!
Cô Huệ buồn bã ra về, chẳng thể nói thêm được câu gì. Thực sự, cô thấy rất ái ngại cho gia cảnh nhà Sáng. Mấy lần cô điện thoại cho mẹ Sáng nhưng số điện thoại cũng không liên lạc được. Cô rất buồn và cảm thấy hoàn cảnh bất an đang đợi hai chị em.
Trước kia, Sáng vốn là một học sinh giỏi. Từ ngày bố mất, mẹ Sáng đi bước nữa, nó buồn và sinh ra bất mãn. Lớp 8 rồi mà học hành chểnh mảng và có cơ hồ bỏ ngang. Lần trước, nó đã nghỉ học mấy hôm, cô giáo đến nhà thấy nó ngủ co ro trên tấm phản ọp ẹp kê trong góc. Thấy cô đến, nó mới lồm cồm bò dậy, hứa với cô bằng cái vẻ mặt buồn bã, chẳng có chút sinh lực “Rồi em sẽ đi học mà cô...”. Đã ba bốn tháng nay, mẹ nó không về. Nghe nói mẹ đi làm O-sin cho người ta ở Hà Nội. Kiếm được đồng tiền cũng khó khăn, mẹ nó định chắt chiu, dành dụm để sửa lại căn nhà dột nát. Tiền ăn uống chi tiêu hàng ngày của hai chị em Sáng và ông bố dượng trông cả vào mấy sào ruộng 03 còn sót lại.
Ảnh minh họa ITN. |
Mẹ Sáng chỉ vì mải lo miếng cơm manh áo cho gia đình mà không hề nghĩ đến những hiểm họa có thể xảy ra trong chính ngôi nhà của mình. Lão cha dượng đốn mạt suốt ngày say khướt rồi lèm bèm chửi như một thằng khùng. Hắn đã từng có một gia đình, một người vợ giỏi giang, nhan sắc nhưng đã đi theo người đàn ông khác. Lão hận vợ nên sinh ra rượu chè.
Mẹ con Sáng trong lúc gia cảnh cùng quẫn, sau khi bố nó đột ngột qua đời, trời se duyên họ đến với nhau. Lúc đầu mới về với mẹ con Sáng, hắn cũng tỏ ra chút tử tế, rồi khoe khoang có món tiền bán nhà. Nhưng chỉ nửa năm sau, khi mẹ Sáng hỏi đến để nhờ sửa giúp căn nhà ọp ẹp đang ở thì hắn nói đã hết. Người ta bảo hắn đã nướng hết vào canh bạc rồi. Vậy là đường cùng, mẹ Sáng phải đi làm O-sin cho người ta mong dành dụm được chút tiền lo nhà cửa. Hai chị em Sáng ở nhà lần hồi nuôi nhau.
Chị Xuân của Sáng đã nghỉ học khi mới lớp 7, ở nhà mấy năm, 16 tuổi, trông đã thấy phổng phao, đôi má hồng tròn trĩnh, khuôn ngực đã nhô cao như một thiếu nữ... Người mẹ, chỉ vì mưu sinh mà xa rời con giữa cái lúc mà chúng cần mẹ nhất. Tình cảnh thật éo le, bao nhiêu hiểm họa mà người mẹ không lường trước được...
Hôm nay, Sáng đến trường sau mấy hôm nghỉ học, người nó tơi tả và nồng nặc mùi rượu. Say khướt, nó bước đi lảo đảo rồi ngã oạch mấy lần. Tổng phụ trách và đội cờ đỏ của trường đã kịp can thiệp và mời nó lên văn phòng. Một lúc sau, cô chủ nhiệm bảo lãnh cho nó về lớp sau khi đã viết kiểm điểm và hứa trước thầy hiệu trưởng. Tiết 2 giờ Văn của cô chủ nhiệm, nó cố tỏ ra chăm chú nhưng chỉ được một lát, nó lại gục xuống bàn. Cô ngừng giảng, nhẹ nhàng xuống khuyên bảo. Nó im lặng tỏ vẻ vâng lời. Nhưng sang đầu tiết 3 giờ Toán cô Lệ thì nó đã chuồn khỏi lớp từ khi nào chẳng rõ...
Một căn nhà tồi tàn nơi cuối làng, giáp cánh đồng, mái ngói xiêu vẹo, cũ kỹ, lối đi cỏ dại mọc bờm xờm, chẳng ra hàng lối. Thằng Sáng bỏ học về lúc nửa buổi. Đến đầu ngõ, linh tính đã báo cho nó điều chẳng lành. Quả nhiên, khi vừa bước tới cửa nhà, nó đã nghe tiếng kêu khóc khẩn thiết nhưng dường như bị kìm nén. Nó xô cửa xông vào và chứng kiến thằng bố dượng đang tìm cách dở trò thô bỉ với chị nó như một con thú khát máu.
Chị nó bị nhét giẻ đầy miệng đang ra sức gào thét cấu xé. Không thể chịu đựng được, nó cầm cái ghế sắt nhào tới phang vào đầu con quỷ dâm dục. Bị đánh bất ngờ, không kịp trở tay, hắn ngã kềnh ra đó, kêu rống lên như một con bò bị chọc tiết. Hai chị em vùng chạy ra ngoài trong khi trời bắt đầu nổi cơn giông tố.
Trời đất mênh mông, không biết đi đâu, về đâu? Hai chị em cứ chạy thục mạng, chạy cuống cuồng ra phía quốc lộ...
Vậy là đã ba hôm liền, Sáng vắng mặt, lớp 8E như lên cơn sốt. Cô chủ nhiệm và các bạn đã đi tìm Sáng nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cô biết, Sáng có chiếc điện thoại cũ, thi thoảng vẫn lén lút dùng (vì nhà trường cấm). Cô đã gọi mấy lần nhưng Sáng đều tắt máy. Gọi cho mẹ Sáng cũng chẳng ăn thua. Gia đình bên nội Sáng cũng đi tìm nhưng vẫn không ra manh mối.
Ảnh minh họa ITN. |
Đã năm ngày trôi qua… Giờ học cả lớp lặng lẽ buồn khi nhìn chỗ Sáng ngồi vẫn trống vắng. Cô chủ nhiệm lo cho Sáng rất nhiều. Qua những lần tâm sự, cô cũng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình Sáng. Nhưng cô cũng không ngờ được, cơ sự lại tới mức này. Chiều nay, cô ngồi viết đôi lời tâm sự cùng Sáng qua dòng tin nhắn điện thoại. Cô cũng không hi vọng Sáng có thể nhận được và đọc những dòng tin này, nhưng cô vẫn cứ viết:
“Sáng ơi, đã mấy ngày nay, cô và các bạn lớp mình rất nhớ em, lo cho em rất nhiều… Hiện giờ em đang ở đâu, hãy nói cho cô biết nhé! Cô hứa sẽ giữ kín những gì mà em không muốn nói ra. Cô và các bạn lớp mình luôn bên em. Cô chờ tin em!”.
Dù không mấy hi vọng, nhưng cô vẫn chờ đợi Sáng sẽ hồi âm. Những tiết học cứ lặng lẽ trôi đi trong sự căng thẳng và chờ đợi…
Buổi trưa hôm đó, cô giáo đang ngồi trầm ngâm giữa cái im lặng bủa vây. Ánh nắng đầu Hạ xuyên qua tán cây đu đưa, rơi thành bông nhảy nhót ngay trước hiên nhà. Bỗng nhiên Sáng xuất hiện như một cơn gió. Cô giáo thảng thốt sau cái giây phút đờ đẫn, tái nhợt như không tin ở mắt mình:
- Sáng! Sáng ơi! Kìa, em đã về rồi hả!
Sáng chào cô khe khẽ rồi lặng lẽ bước vào nhà cùng cô. Đôi mắt đượm buồn, ươn ướt, khuôn mặt đanh lại như cố kìm giữ cho tiếng khóc khỏi rơi ra. Cô giáo tìm lời an ủi vỗ về em trong khi những đọn nắng tháng 5 cứ nghiêng ngả rơi rụng ngoài sân.
- Em về thế này là tốt rồi…
…
Im lặng một hồi lâu... Sáng bắt đầu kể cho cô nghe về cuộc hành trình chạy trốn của hai chị em hôm sự việc xảy ra… Nước mắt em bắt đầu chảy thành dòng khi kể về cảnh hai chị em đi tìm mẹ trong cái buổi chiều mịt mù giông gió. Bàn chân em đã bước những bước chênh chao, hụt hẫng giữa dòng đời ngược xuôi trong suốt hai ngày đêm mới tìm thấy mẹ. Có lẽ cũng không nên trách mẹ, không nên trách cái điện thoại hỏng của mẹ mà trách sao cuộc đời nghiệt ngã đã đưa đẩy hai chị em (vốn còn là những đứa trẻ) lâm vào cảnh khốn cùng!
Cô giáo lặng im nghe từng chi tiết của câu chuyện. Đôi dòng nước mắt lã chã tuôn rơi, cô bảo Sáng: “Hoàn cảnh của gia đình em thật éo le, cô rất thương, rất quý em! Vậy nên, nếu muốn, em có thể ở lại nhà cô, cô và các bạn sẽ giúp đỡ em…”.
Ảnh minh họa ITN. |
Nhưng Sáng im lặng một lát, rồi đứng lên và nói:
- Em cảm ơn cô, cảm ơn các bạn thật nhiều, nhưng em phải về nhà... Chị em ở ngoài đó cùng làm với mẹ rồi nên em sẽ về nhà, thay mẹ lo mọi việc ở nhà, cô ạ…
Còn bây giờ, ông ấy (bố dượng) không sao rồi ạ. Chỉ có điều hiện tại ông ấy mất trí nhớ, cũng đáng thương, nên em nghĩ mình sẽ có trách nhiệm chăm sóc cho ông ấy. Cho dù thế nào thì ông ấy cũng là bố dượng của em, phải không cô?
Cô giáo nắm chặt đôi bàn tay Sáng như muốn truyền cho cậu học trò một sức mạnh. Cô nhìn sâu vào đôi mắt sáng và còn chút thơ ngây của em như đọc được trong đó một niềm tin nơi thứ ánh sáng đẹp của lòng thiện lương và can đảm mà trong cái tình cảnh trớ trêu này nó đã hiện hữu. Cô xúc động nói:
- Cố lên em, cô tin ở em! Cô và các bạn sẽ luôn bên em!
- Em mong cô và các bạn thứ lỗi… Em muốn được tiếp tục đi học cùng các bạn, cô ạ!
Nhìn ánh mắt băn khoăn, đầy thương cảm của cô, Sáng hiểu cô đang lo cho mình, nên hứa:
- Em sẽ cố gắng tự lập, giúp mẹ sửa lại căn nhà dột nát, vừa học vừa làm để duy trì cuộc sống và cố gắng học để bù lại những ngày qua… Em hứa sẽ cố gắng cô ạ!
Đôi mắt cậu bé bỗng ngời sáng, lấp lánh đầy tự tin. Những yêu thương khát vọng như lại đang trỗi dậy trong lòng. Ngoài kia, những bông hoa nắng rực rỡ của tháng 5 như đã hóa thân vào những bông hướng dương vàng thắm đang rực lên dưới mặt trời mùa Hạ. Gương mặt xanh leo lét như chiêm bao khi nãy, giờ bỗng hồng tươi trở lại. Cô giáo vừa tiễn Sáng ra cổng vừa dặn:
- Sáng mai em đi học nhé! Chiều mai, cô cùng các bạn sẽ tới giúp em dọn lại căn nhà cho tươm tất, dọn cho sạch đi những ám khí của ngày qua…
Sáng trở về căn nhà cũ. Em đứng lặng hồi lâu nhìn tấm di ảnh của bố trên bàn thờ, trái tim em bỗng như chùng xuống một nhịp khi nghĩ tới những người thân yêu. Cảm thấy như họ đang dõi theo và trông đợi ở mình với bao điều tốt đẹp. Sáng tự nhủ: “Nhất định mình phải giúp mẹ dựng lại ngôi nhà cũ đổ nát, vẽ lên đó một khung cảnh mới và tô màu cho nó tươi sáng hơn!”
Bên mé vườn, mấy con chim họa mi thi nhau hót thánh thót một khúc nhạc tươi vui đầy phấn chấn như một khúc dạo đầu.