Chiêu hay lấy lòng mẹ chồng khó tính

Mặc dù được mẹ đẻ dặn dò trước khi về nhà chồng nhưng Lan vẫn không khỏi sốc trước những điều chấp nhặt của mẹ chồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lan có thói quen trang điểm mỗi khi đến công sở. Mỗi lần nhìn thấy con dâu áo váy thơm lừng, mặt mày tươi rói đi ra khỏi nhà, bà Hanh lại bóng gió:

- Đi làm chứ phải đi biểu diễn đâu mà son với chả phấn thế con!

Mỗi khi thấy Lan may chiếc váy mới, bà Hanh lại ca cẩm:

- Đi làm kiếm tiền tích trữ đi để mà nuôi con. Cứ váy váy áo áo như thế thì đẻ con ra bắt chồng nuôi một mình à?

Nghe những lời bóng gió ca cẩm của mẹ chồng như vậy, Lan cũng nóng gáy lắm. Nhưng nhớ lời mẹ dặn, Lan lập tức thay đổi ý nghĩ của mình. 

Thay vì nghĩ mẹ chồng đang “đá đểu” mình, Lan nghĩ “vì bà yêu thương chồng mình nên lo mình xí xớn với những người đàn ông trong công ty”. 

Hay chuyện không muốn Lan may nhiều váy áo cũng là lo cho cái gia đình nhỏ của Lan thôi, ngay mẹ đẻ Lan cũng sẽ nghĩ như vậy. Chỉ khác là mẹ đẻ thì mắng thẳng thừng còn mẹ chồng thì nói bóng gió. Bóng gió là bởi mẹ chồng đối với Lan vẫn là “khách sáo”, làm sao được như tình máu mủ ruột thịt của mẹ đẻ.

Lan nhớ như in lời mẹ đẻ dặn trước khi Lan về làm dâu nhà bà Hanh: “Dù mẹ chồng có thế nào vẫn là người sinh ra chồng, nuôi nấng chồng nên người. Muốn mẹ chồng đối xử tốt với con thì con hãy dùng tình yêu thương rộng mở để đối đãi. 

Con đừng chấp những điều khác ý mình, hãy dùng tình yêu thương để hóa giải. Yêu thương sẽ được trả lại yêu thương. Con hãy yêu thương mẹ chồng từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày…”.

Để thực hiện được lời mẹ dặn, mặc dù buổi sáng vừa bị mẹ chồng “mắng xéo” xong, chiều về Lan vẫn tươi cười chào bà Hanh và nói: “Mẹ ơi, hôm nay con mua cá bông lau về nấu canh chua. Chốc nữa con vào bếp, mẹ bày cho con làm món này mẹ nhé!”.

Lan dường như phớt lờ lời nói xéo của mẹ chồng ban sáng. Cô hý húi nấu cơm. Lúc cắm cơm, cô nghiêng nồi cơm điện để nước dồn nhiều vào một góc để làm cơm mềm cho bà Hanh. Những hành động nhỏ nhặt này, bà Hanh để ý nhìn thấy hết.

Ngày hôm sau, Lan không son phấn như mọi ngày nữa. Cô chỉ tô một chút son môi rồi ra khỏi nhà. Việc này bà Hanh cũng nhìn thấy. Lúc đóng cổng, khi Lan “chào mẹ con đi làm”, bà Hanh “ừ” một cách rón rén rồi lặng lẽ quay trở vào. Bà ra chiều suy nghĩ lắm.

Bằng cách để ý và quan tâm đến những sở thích và thói quen nhỏ nhặt của bà Hanh, dần dần những tiếng “nói xéo” của mẹ chồng đối với Lan thưa dần rồi vắng hẳn.

Bà Hanh hoàn toàn thay đổi đến mức chồng Lan đôi lúc phải ghen tị với vợ. Có cái gì ngon mà Lan đi đâu chưa về, bao giờ bà cũng bảo “để phần cho con Lan”. Chiều chiều, thay vì đợi con dâu về nấu cơm thì bà Hanh đã chuẩn bị sẵn, vợ chồng Lan về nhà chỉ việc tắm táp rồi ngồi vào mâm. 

Phần dọn dẹp thuộc phần Lan. Cũng nhờ vậy mà Lan có thời gian quan tâm đến bà Hanh nhiều hơn. Cô dành thời gian trò chuyện cùng mẹ chồng, mua quần áo, giày dép, nhẫn vòng…về cho mẹ thử. Cùng bà ngồi xem những bộ phim gia đình của Hàn Quốc…

Chuyện mẹ chồng – nàng dâu đáng sợ vì thế không còn tồn tại trong tâm trí Lan nữa. Tất cả nhờ sức mạnh của tình yêu thương!

Theo Gia đình và Xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trả lời thắc mắc của học sinh Trường THCS Thanh Xuân về tác hại của thuốc lá điện tử. Ảnh: TG

Hình thành thói quen 'nói không với thuốc lá'

GD&TĐ - Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”.