Chiêu của các bà mẹ ngăn con gái yêu sớm

Khi con gái bước vào tuổi dậy thì, chị Uyên chăm con cẩn thận hơn cả hồi cháu học mầm non, đưa đón đi học hàng ngày dù trường cách nhà chỉ khoảng một km.

Chiêu của các bà mẹ ngăn con gái yêu sớm

Từ một học sinh giỏi nhất nhì lớp, chị Uyên (hiện sống ở quận 7. TPHCM) sa đà yêu đương dẫn đến không đỗ đại học. Thấm thía việc yêu đương sớm ảnh hưởng đến tương lai của mình như thế nào, chị quyết tâm không để lịch sử lặp lại với con gái. Chị theo con sát sao, từ đưa đón đi học, đi chơi đến đăng ký cả mẹ tham gia học ngoại ngữ, đi dã ngoại cùng con.

Chị luôn tâm niệm “có con gái như chứa quả bom nổ chậm trong nhà" vì bây giờ bọn trẻ yêu đương sớm và cởi mở quá, nhỡ có vấn đề gì thì khổ cả một đời con và có thể hơi xấu mặt bố mẹ. 

Chị tin chắc nếu có mẹ theo sát, con gái sẽ không dám yêu đương sớm. Thỉnh thoảng chị lén đọc nhật ký của con để xem liệu con có người yêu rồi bỏ bê học hành hay không. Chị lập tài khoản Facebook để dễ bề theo sát con trên mạng. Chị cảm thấy hài lòng vì cô con gái có vẻ ngoan.

Tuy nhiên, kế hoạch phong tỏa con của chị đang có nguy cơ thất bại khi từ Tết đến giờ cô con gái 15 tuổi bắt đầu có dấu hiệu phản kháng. 

Nhi nằng nặc đòi được tự đến trường, mặc cả nếu mẹ cứ đưa đón thì sẽ nghỉ tất cả các môn học thêm vì xấu hổ bởi bị bạn trêu được mẹ chăm bẵm quá.

Khi còn tuổi teen, chuyện yêu đương của Hoa bị mẹ cấm đoán gắt gao. Mẹ càng cấm thì cô gái càng muốn sống chết cho tình yêu. Cô gái cũng cảm thấy mẹ đầy mâu thuẫn khi can thiệp vào chuyện yêu đương của mình. 

Thường bạn trai đứng đợi Hoa ở đầu ngõ, mẹ khuyên con mời vào nhà chơi. Thế nhưng bạn vào nhà xin phép mẹ cho Hoa đi chơi cùng thì mẹ không đồng ý. Sau mấy lần chứng kiến mẹ mâu thuẫn như vậy, Hoa quyết định giấu nhẹm chuyện yêu đương của mình. 

Trong tọa đàm "Mẹ và con gái" tại Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM nhân dịp 8/3, nhiều cô gái trẻ cho biết họ khá "bất mãn" khi mẹ cấm đoán hay can thiệp quá sâu chuyện yêu đương của mình.

Bị mẹ kiểm soát chuyện tình cảm, Lan cũng vô cùng ấm ức mỗi khi có bạn là nam giới đến nhà. Mẹ tra hỏi bạn như cảnh sát điều tra, hỏi hết cả gia đình, họ hàng nhà bạn đó. 

Hành động của mẹ khiến cô rất ngại và không còn muốn dẫn bạn về nhà mình nữa. Lúc đó, mẹ lại lo lắng sao không thấy con gái yêu đương gì. Cô giao hẹn chỉ khi nào quyết định cưới mới cho bạn đến nhà.

PGS. TS Vũ Lê Chuyên - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân và TS Nguyễn Thị Bích Hồng - Trưởng bộ môn Tâm lý học và Giáo dục học ứng dụng, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đều khẳng định, trong cuộc đời con gái, người mẹ đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, khi bước vào tuổi dậy thì, con gái vô cùng cần mẹ. 

Từng nhiều năm công tác tại bệnh viện, bác sĩ Vũ Lê Chuyên nhận thấy nếu con trai có bệnh thầm kín, bố hoặc mẹ đều có thể đưa con đi khám, còn với con gái, người đồng hành luôn là mẹ.

TS Bích Hồng nhận xét, mẹ và con gái cùng là nữ nên dễ có sự đồng cảm, dễ làm bạn với nhau. Tuy nhiên, vì giống nhau nên đôi khi mẹ có những áp đặt cho con gái, kỳ vọng vào con gái quá nhiều, muốn con thực hiện những gì mình chưa làm được lúc trẻ hay sợ con lặp lại những sai lầm mà mình từng vấp phải. Điều này có thể gây áp lực lên con gái rất nhiều.

Xét riêng về chuyện tình cảm, yêu đương, quan hệ bạn bè của con gái, việc mẹ tìm cách "phong tỏa" không phải là biện pháp hữu hiệu. Đã có những trường hợp dù được mẹ đưa đón mỗi ngày mà trẻ vẫn mang thai ở tuổi vị thành niên. 

Bác sĩ Vũ Lê Chuyên cho rằng, tốt hơn là mẹ nên chuẩn bị cho con gái ngay từ khi còn bé, hay nói một cách khác là nên giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm.

Bác sĩ khuyên, ngay từ khi con còn bé, mẹ hãy nói với con về quan hệ huyết thống, ví dụ bố mẹ là hai người xa lạ nhưng yêu nhau rồi lấy nhau và đẻ ra con. 

Ông bà nội, ông bà ngoại, cậu dì chú bác, các anh chị em ruột, anh chị em họ của con… là những người ruột thịt họ hàng, những người cùng huyết thống với con. 

Những người cùng huyết thống thì không được yêu nhau và kết hôn với nhau. Muốn sinh con thì phải làm đám cưới. Đến tuổi dậy thì, trẻ có thể tò mò yêu bất cứ ai, vì thế mẹ cần phải giúp trẻ loại trừ đối tượng trước.

Khi trẻ đến tuổi teen, mẹ cần giúp định hướng được bản thân là con sẽ trở thành người như thế nào. Quan trọng hơn, mẹ cần giúp con định hướng được đối tượng của mìnhTrẻ em gái tuổi này thường có hình tượng một người đàn ông gần gũi để hướng tới, sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ thần tượng lầm người.

Giai đoạn này, trẻ cũng rất tò mò về sinh lý và tình cảm trai gái, luôn cố tìm hiểu những vấn đề đó. Bác sĩ Chuyên lưu ý, một số trẻ tuổi teen sợ động chạm với người khác giới đã tìm đến bạn đồng giới, vì nghĩ sẽ an toàn. 

Những cái động chạm vớ vẩn như cầm tay, chạm ngực kích thích trí tò mò, từ đó hành trình đồng giới bắt đầu. Thường đồng giới phát triển cao ở những quốc gia mà gia đình phát triển tương đối độc lập, các thành viên trong gia đình ít quan tâm đến nhau. Người đồng giới có khuynh hướng quan hệ thể xác từ rất sớm.

Bác sĩ Chuyên khuyên mẹ không nên cấm đoán con gái chơi với bạn trai. Việc chơi với bạn khác giới cũng sẽ giúp con gái hiểu rõ hơn về một nửa còn lại của thế giới. 

Điều quan trọng là mẹ cần giúp con biết tự bảo vệ bản thân. Mẹ nên nói với con các bộ phận trên cơ thể con người, về các cơ quan sinh dục. 

Có quy tắc bàn tay, quy tắc đồ lót… mà trẻ có thể học ngay từ khi mầm non, ví dụ có thể cầm tay nhưng không được để bất cứ ai đụng vào khu vực đồ lót...

TS Bích Hồng cũng bổ sung, khi con thắc mắc về giới tính, mẹ không nên có thái độ dị ứng, nên trả lời cho con ở mức độ vừa phải, dù có dùng thuật ngữ gì đi chăng nữa thì cũng phải nói được yếu tố cơ bản nhất của vấn đề. 

Lo nhất không phải trẻ biết rồi làm bậy mà biết bậy rồi làm sai. Thông tin hiện nay rất dễ kiếm, sách vở, đặc biệt Internet... và nếu không được định hướng, trẻ có thể sẽ hiểu sai.

Các chuyên gia đều cho rằng nếu trẻ được yêu thương đầy đủ, được quan tâm đúng cách, được khẳng định giá trị của mình, thì sẽ biết yêu bản thân mình và tự bảo vệ bản thân, "quả bom sẽ không phát nổ".

Vậy làm cách nào để hiểu con và để con chịu chia sẻ cùng mẹ? Ở tuổi mầm non, tiểu học, trẻ có thể vô cùng bám mẹ, nhưng tuổi dậy thì trẻ chỉ thích chơi với bạn mà không chịu chia sẻ với mẹ. 

Nếu mẹ dành thời gian cho con, làm bạn cùng con, biết lắng nghe con thì việc trẻ mở lời với mẹ không phải là điều quá khó khăn. "Mẹ nên có những giây phút ‘đồng lõa’ với con, thì con sẽ dễ dàng chia sẻ hơn" - Bác sĩ Chuyên khuyên.

Mẹ cũng không nên "độc quyền" trong chuyện nuôi dạy con gái, mà có thể chia sẻ cùng bố. Tùy từng tính người và hoàn cảnh gia đình, nhìn chung khi bố mẹ hợp đồng tác chiến, việc nuôi dạy con sẽ thành công hơn. Đôi khi bố có vai trò trọng tài giữa hai mẹ con.

Tiến sĩ Hồng kết luận, mối quan hệ giữa mẹ và con gái là mối quan hệ rất đẹp, rất thiêng liêng. Mẹ và con gái có sự xung khắc tất yếu nhưng đó chỉ là tạm thời. 

Mẹ cần gần gũi và thể hiện tình cảm với con. Mẹ lo lắng thương yêu nhưng cần tôn trọng và để con tự quyết. Mẹ thấu hiểu khoan dung sẽ hỗ trợ con trưởng thành.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ