Chiết xuất kháng viêm từ rễ củ Bạch chỉ nam

GD&TĐ - Bạch chỉ nam chứa nhiều hoạt chất flavonoid, phenol, sterol và đặc biệt là các isoflavonoid có tác dụng kháng viêm, khuẩn, nấm, ung thư, chống oxy hóa.

Vi phẫu rễ cấu tạo chi tiết Bạch chỉ nam.
Vi phẫu rễ cấu tạo chi tiết Bạch chỉ nam.

Thu nhận hoạt chất quý

TS Mã Chí Thành, Trường Đại học Y Dược TPHCM và cộng sự vừa nghiên cứu thành công thành phần hóa học của rễ củ Bạch chỉ nam Milletia pulchra Kurz thu hái tại vùng núi An Giang.

Bạch chỉ nam (Millettia pulchra Kurz) là cây loài thuộc họ đậu, mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Bắc và số ít ở phía Nam nước ta. Trong y học cổ truyền, rễ củ Bạch chỉ nam được dùng để trị cảm mạo, sốt nóng, nhức đầu, phong thấp đau xương, nhức mắt, chữa mẩn ngứa, viêm da dị ứng.

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy Bạch chỉ nam chứa nhiều hoạt chất flavonoid, phenol, sterol và đặc biệt là các isoflavonoid có tác dụng kháng viêm, khuẩn, nấm, ung thư và chống oxy hóa. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý của Bạch chỉ nam ở Việt Nam còn hạn chế.

TS Mã Chí Thành cho biết, đề tài này được thực hiện với mục đích nghiên cứu thành phần hóa học, phân lập các hợp chất, thử tác dụng sinh học của dược liệu Bạch chỉ nam nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trong điều trị bệnh.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập nguyên liệu cho nghiên cứu; khảo sát, mô tả các đặc điểm hình thái và thành phần hóa học; phân tách cao toàn phần và cao phân đoạn; phân lập các chất tinh khiết từ các cao phân đoạn; xác định cấu trúc các hợp chất phân lập được.

Cụ thể, nguyên liệu dùng cho khảo sát là rễ củ phơi khô (được xay thành bột mịn) của cây Bạch chỉ nam thu hái tại vùng núi An Giang. Ban đầu, 25g bột rễ củ Bạch chỉ nam được chiết kiệt lần lượt với 3 dung môi có độ phân cực tăng dần: ether ethylic, ethanol và nước. Các dịch chiết được cô thu hồi dung môi thành các dịch chiết đậm đặc dùng để xác định nhóm hoạt chất có trong dược liệu.

Cô dịch chiết dưới áp suất giảm thu được cao chiết toàn phần, sau đó chiết phân bố lỏng - lỏng với các dung môi: n-hexan, ethylacetate, n-butanol. Các phân đoạn được tiến hành sắc ký, kết tinh phân đoạn, lọc rửa tủa nhiều lần với các dung môi khác nhau thu được các hợp chất tinh khiết. Cuối cùng, xác định cấu trúc của các hợp chất phân lập bằng phương pháp phổ MS, NMR và kết hợp so sánh với các tài liệu tham khảo.

Nhận diện các chất kháng viêm, chống ung thư

Nhóm nghiên cứu cho biết, Bạch chỉ nam là cây gỗ nhỡ cao 3 - 7 m, lá kép lông chim lẻ, mọc so le, hình mác, mặt trên có lông thưa, mặt dưới có lông dày và mượt. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gần ngọn màu tím hồng. Quả loại đậu, hình lưỡi dao, màu lục vàng có lông nhỏ.

Hạt hình trứng dẹt có mép dày, màu vàng nhạt. Rễ màu nâu vàng, dài từ 20 - 40 cm, rộng 3 - 7 cm, thuôn hai đầu to gần bằng nhau, bên ngoài nhiều nếp nhăn, vân ngang sần sùi. Mặt cắt ngang trắng ngà. Mùi thơm nhẹ, vị hơi cay.

Về thực vật học và sơ bộ định tính thành phần hóa học, đã khảo sát về thực vật của rễ củ Bạch chỉ nam: Mô tả đặc điểm hình thái Bạch chỉ nam Milettia pulchraz với tài liệu thực vật học chuyên ngành.

Khảo sát vi học của rễ Bạch chỉ nam: Xác định đặc điểm vi phẫu rễ và bột rễ củ Bạch chỉ nam dưới kính hiển vi quang học. Xác định độ tinh khiết dược liệu đạt các tiêu chuẩn thông thường của dược liệu (độ ẩm 8,35%, độ tro toàn phần 9,31%).

Khảo sát sơ bộ thành phần hóa thực vật của rễ Bạch chỉ nam bằng phương pháp Ciuley cải tiến, kết quả cho thấy có sự hiện diện của nhóm hợp chất flavonoid, coumarin, chất khử, polyuronid và các acid hữu cơ, flavonoid là thành phần chủ yếu trong dược liệu này.

Bằng phương pháp phân bố lỏng - lỏng với các dung môi có độ phân cực khác nhau từ cao chiết cồn 96% của rễ củ Bạch chỉ nam đã được phân tách thành các phân đoạn cao n-hexan (50,0 g), cao ethylacetat (17,6 g), cao n-butanol (147,0 g) và cao nước (900,0 g). Phân tách cao EtOAc (Ethyl acetate) bằng các kỹ thuật sắc ký, tinh chế thu được 17 hợp chất tinh khiết, trong đó có 2 chất mới và 11 chất đã biết.

Bằng dữ liệu phổ MS, NMR, nhón đã xác định cấu trúc các chất quý. Hợp chất có khối lượng lớn karanjin là thành phần chính trong rễ củ Bạch chỉ nam. Các chất còn lại như được phân lập trong rễ củ Bạch chỉ nam Millettia pulchra.

Karanjin được biết đến có khả năng chống ung thư; fujikinetin kháng viêm, bảo vệ dạ dày; maackiain chống dị ứng và khối u; acid 4-O-methyl-karanjic kháng nấm; acid 5-methoxy-2,2-dimethyl-2Hchromene-6-carboxylic kháng viêm và virus; pseudobaptigenin kháng viêm; genistein và daidzein ngừa ung thư vú.

Theo TS Mã Chí Thành, thành công của nghiên cứu giúp bổ sung tư liệu về đặc điểm thực vật và thành phần hóa học của loài Bạch chỉ nam thu hái tại vùng núi An Giang.

Từ đó xây dựng phương pháp chiết xuất và phân lập các chất trong rễ củ Bạch chỉ nam, làm tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn về loài này cũng như nâng cao chất lượng dược liệu, góp phần chứng minh các công dụng theo kinh nghiệm dân gian trên cơ sở của y học chứng cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.