Chiến trường rực lửa giữa đại dịch

GD&TĐ - Trong khi cả thế giới vẫn chìm trong đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia bất ngờ bùng lên dữ dội hôm 27/9 làm hàng trăm binh sĩ thiệt mạng, đồng thời đang đẩy hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ này đến nguy cơ lâm vào một cuộc chiến tranh toàn diện.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chiến trường đang nóng nhất trên thế giới là vùng Nagorno-Karabakh vốn được quốc tế công nhận thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nhưng lại do người Armenia chiếm đa số tại đây kiểm soát. Chính quyền ly khai của người gốc Armeniatại đây tự xưng là Nước cộng hòa Artsakh và nhận được sự ủng hộ của Armenia nhưng không được quốc gia nào thừa nhận.

Bối cảnh sắc tộc phức tạp khiến Azerbaijan và Armenia rơi vào cuộc tranh chấp dai dẳng tại Nagorno-Karrabakh suốt nhiều thập kỷ qua. Đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài 6 năm từ tháng 2/1988 đến 5/1994, làm hơn 30.000 người thiệt mạng. Những năm sau đó còn nổ ra nhiều cuộc đụng độ khác, đặc biệt là cuộc giao tranh hồi tháng 4/2016 làm hơn 200 người thiệt mạng.

Sau 4 năm tạm yên ắng, khu vực Nagorno-Karabakh bất ngờ trở thành điểm nóng của thế giới khi nổ ra cuộc xung đột hôm 27/9, gây ra hậu quả đẫm máu nhất kể từ năm 1994 đến nay. Phía Armenia cáo buộc Azerbaija đã tấn công trước bằng không quân và pháo binh khiến họ phải đáp trả và bắn rơi 2 chiếc trực thăng, 3 máy bay không người lái và 3 xe tăng của đối phương. 

Trong khi đó, phía Azerbaijan phản bác rằng, họ bị pháo kích trước nên phải đáp trả quân Armenia để bảo vệ dân thường. Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố đã gây ra tổn thất vô cùng nặng nề cho phía Armenia với 550 binh sĩ thiệt mạng, đồng thời tiêu diệt 22 xe tăng, 18 máy bay không người lái, 15 tổ hợp phòng không và 8 đơn vị pháo binh. 

Armenia hiện không xác nhận con số tổn thất lớn nói trên, nhưng khẳng định có thương vong xảy ra. Thủ tướng nước này là Nikol Pashinyan đã phải ban bố tình trạng thiết quân luật và ra lệnh tổng động viên toàn quốc, nhằm đề phòng khả năng Azerbaijan phát động một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.

Mức độ khốc liệt của cuộc giao tranh lần này đã khiến Nagorno-Karabakh trở lại thành tâm điểm của thế giới sau một thời gian dài không còn được chú ý. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Washington sẽ tìm cách để chấm dứt bạo lực giữa Azerbaijan và Armenia. Giáo hoàng Francis cũng bày tỏ lo ngại và kêu gọi hai nước giải quyết mẫu thuẫn thông qua đàm phán. 

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đồng minh gần gũi của Azerbaijan đã lên tiếng yêu cầu Armenia ngừng bắn và kêu gọi thế giới ủng hộ Azerbaijan bảo vệ lãnh thổ. Động thái can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ được coi là chỉ dấu cho thấy cuộc xung đột này sẽ trở nên phức tạp hơn, có thể đẩy cả khu vực nam Kavkaz thành chảo lửa. 

Lãnh đạo chính quyền ly khai Nagorno-Karabakh là Arayik Harttyunyan cáo buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sát cánh cùng Azerbaijan trong cuộc tấn công hôm 27/9. Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ luôn công khai chỉ trích chính quyền Armenia và khẳng định sẽ hỗ trợ Azerbaijan trong mọi cuộc xung đột với nước láng giềng.

Khu vực Nam Kavkaz bao gồm Nagorno-Karabakh vốn ít được biết đến trên thế giới nhưng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của phương Tây, do vùng đất này là hành lang cho hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt từ biển Caspi ra thị trường quốc tế. Do đó, nếu cuộc xung đột tại đây không được dàn xếp ổn thỏa và biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện nó sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...