Các bên lên tiếng sau đụng độ giữa Azerbaijan và Armenia làm ít nhất 16 người chết

GD&TĐ - Ít nhất 16 quân nhân và một số dân thường đã thiệt mạng vào hôm qua (27/9) trong các cuộc đụng dộ dữ dội nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn ở Nam Caucasus - một hành lang dành cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các thị trường thế giới.

Hình ảnh của Bộ Quốc phòng Armenia đưa ra cho thấy sự phá hủy các phương tiện quân sự của Azerbaijan trong các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. - (Ảnh: AFP / Bộ Quốc phòng Armenia)
Hình ảnh của Bộ Quốc phòng Armenia đưa ra cho thấy sự phá hủy các phương tiện quân sự của Azerbaijan trong các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh. - (Ảnh: AFP / Bộ Quốc phòng Armenia)

Các cuộc xung đột giữa 2 nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ từng xảy ra chiến tranh vào những năm 1990. Đây là đợt bùng phát mới nhất của cuộc xung đột kéo dài vì Nagorno – Karabakh - một khu vực ly khai nằm trong Azerbaijan nhưng do người Armenia điều hành.

Nagorno-Karabakh nói rằng 16 quân nhân của họ đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương sau khi Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh vào sáng hôm qua. Armenia và Nagorno-Karabakh đã tuyên bố thiết quân luật.

Azerbaijan cũng tuyên bố thiết quân luật và cho biết lực lượng của họ đã đáp trả các cuộc pháo kích của Armenia, 5 thành viên của một gia đình ở đây được cho là thiệt mạng do đợt pháo kích của Armenia. Họ cho biết các lực lượng của mình đã giành quyền kiểm soát đối với 7 ngôi làng. Nagorno-Karabakh ban đầu phủ nhận việc này nhưng sau đó thừa nhận mất “một số vị trí” và nói rằng phải chịu một số thương vong dân sự tuy không đưa thêm thông tin chi tiết.

Armenia bắn rơi UAV của Azerbaijan:

Các cuộc đụng độ đã thúc đẩy một làn sóng ngoại giao nhằm giảm căng thẳng mới trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Armenia theo đạo Thiên chúa và người Azerbaijan chủ yếu theo đạo Hồi. Nga kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng sẽ ủng hộ Azerbaijan.

Bộ Ngoại giao Mỹ lên án bạo lực trong một tuyên bố, kêu gọi dừng ngay lập tức sự thù địch và bất kỳ lời nói cường điệu hay hành động nào khác cũng có thể khiến tình hình trầm trọng hơn.

Các đường ống vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên của Caspi từ Azerbaijan đi khắp thế giới đều qua khu vực gần Nagorno-Karabakh. Armenia cũng cảnh báo về rủi ro an ninh ở Nam Caucasus vào tháng 7 khi Azerbaijan dọa tấn công nhà máy hạt nhân của Armenia như một đòn trả đũa có thể xảy ra.

Nagorno-Karabakh đã tách khỏi Azerbaijan trong một cuộc xung đột nổ ra khi Liên xô sụp đổ năm 1991.

Mặc dù một lệnh ngừng bắn đã được nhất trí vào năm 1994 sau khi hàng ngàn người thiệt mạng và nhiều người khác phải di dời, Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới Azerbaijan -Armenia.

Trong cuộc xung đột hôm qua, các nhà hoạt động cực hữu Armenia cho biết phụ nữ và trẻ em dân tộc Armenia cũng đã bị giết chết.

Azerbaijan công bố clip tấn công kho đạn của Armenia:

Ngoại giao quốc tế

Armenia cho biết các lực lượng Azerbaijan đã tấn công các mục tiêu dân sự bao gồm thủ phủ Stepanekert của Nagorno-Karabakh và hứa sẽ có một “phản ứng tương xứng”.

“Chúng tôi luôn mạnh mẽ bên cạnh quân đội của mình để bảo vệ đất mẹ khỏi sự xâm lược của Azerbaijan” - Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia nói trên Twitter.

Azerbaijan bác bỏ một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Armenia cho rằng trực thăng và xe tăng Azerbaijan đã bị phá hủy và buộc tội lực lượng Armenia đã tiến hành các cuộc tấn công “có chủ ý và có chủ đích” dọc theo chiến tuyến.

Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang bàn bạc với các thành viên trong nhóm Minsk vốn làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan. Nga, Pháp và Mỹ đều là các đồng chủ tịch.

TT Nga Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Pashinyan nhưng chi tiết về cuộc nói chuyện này chưa được công bố. TT Thổ Nhĩ Kỳ cũng có cuộc nói chuyện với TT Azerbaijan Aliyev.

Ông Erdogan hứa ủng hộ cho đồng minh truyền thống Azerbaijan và cho rằng Armenia là “mối đe dọa lớn nhất đối với người dân trong khu vực”, đồng thời kêu gọi “toàn thế giới đứng bên Azerbaijan trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược và tàn ác”.

Đáp lại, ông Pashnyan thúc giục cộng đồng quốc tế đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào cuộc xung đột.

Liên minh châu Âu và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kêu gọi 2 bên ngừng các hành động quân sự và quay trở lại đàm phán.

Ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong một cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 4/2016. Trong tháng 7 vừa qua, ít nhất 16 người cũng thiệt mạng trong các cuộc xung đột tại đây.

Theo CNA/Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.