Hôm 10 tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Đan Mạch và Hà Lan đã bắt đầu chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine sau thời gian dài trì hoãn.
Chưa rõ lô F-16 viện trợ đầu tiên tới Ukraine có bao nhiêu chiếc, nhưng trước đó Đan Mạch và Hà Lan đã cam kết sẽ chuyển cho Kiev tổng cộng 43 chiếc F-16, ít hơn so với con số Ukraine muốn nhận được.
Báo Mỹ đã đăng tải bài viết của Trung tướng Không quân Mỹ về hưu David Deptula, giám đốc Viện nghiên cứu Mitchell, đã nêu ra chiến thuật Ukraine sử dụng với số F-16 ít ỏi này.
"Với việc tiến hành các chiến dịch hiệp đồng giữa Không quân và Lục quân để giành ưu thế trên không vào thời gian và địa điểm thích hợp, Ukraine có thể thúc đẩy đà tiến của mình trên chiến trường và bắt đầu giành lại lãnh thổ từ tay quân đội Nga", tướng Mỹ cho biết.
Giành ưu thế trên không là có quyền kiểm soát bầu trời, có thể thoải mái thực hiện các hoạt động quân sự nhằm đạt mục tiêu đề ra mà không bị đe dọa bởi phòng không đối phương.
Tính đến nay, cả Nga và Ukraine đều chưa giành được ưu thế trên không tuyệt đối song Moskva từng tạm thời thiết lập được quyền kiểm soát bầu trời quanh đô thị chiến lược Avdeekva ở tỉnh miền đông Donetsk hồi tháng 2.
Điều này đã giúp quân đội Nga áp đảo phòng tuyến của Ukraine và kiểm soát được thành phố trọng yếu này.
Tướng Deptula cho rằng giành được ưu thế trên không là điều hết sức cần thiết để có thể đạt được "lợi thế quyết định" trong một cuộc xung đột.
Nếu không bên nào giành được lợi thế này, cục diện chiến sự sẽ tiếp tục duy trì ở thế "tương đối bế tắc" như hiện nay, tương tự chiến tranh chiến hào trong Thế chiến I.
Không quân Ukraine cần làm điều đầu tiên khi vận hành F-16 là thảo luận với Lục quân để xác định thời điểm và vị trí thích hợp để giành ưu thế trên không, thay vì cố gắng áp đảo trên toàn chiến tuyến, tướng Mỹ viết.
Sau đó, hai lực lượng này cần xây dựng kế hoạch nghi binh quy mô lớn, bao gồm bố trí lực lượng tại nhiều trục khác nhau trên chiến trường để đánh lừa Nga về vị trí thực sự mà Ukraine định tấn công.
Chiến thuật này ít nhất có thể mang tới cho Kiev một số yếu tố bất ngờ, điều quân đội Ukraine hầu như không có khi phát động chiến dịch phản công bất thành trước đó.
Để đối phó với việc Nga đáp trả ngay sau đó, Ukraine có thể triển khai ồ ạt máy bay không người lái (UAV) tấn công loạt mục tiêu như các kho chứa và cơ sở dầu khí, khiến quân đội Nga thêm phần bối rối và bị tiêu hao bớt tên lửa phòng không.
Cùng với lực lượng UAV, Lục quân Ukraine còn có thể sử dụng vũ khí tầm xa như đạn của tổ hợp HIMARS hay tên lửa đạn đạo ATACMS để tập kích radar, hệ thống phòng không và pháo binh của Nga.
Lực lượng Không quân Ukraine có thể hỗ trợ chiến dịch này bằng cách khai hỏa tên lửa không đối đất.
Yếu tố đặc biệt quan trọng để giành lợi thế chính là thông tin tình báo, bởi chúng sẽ giúp Ukraine cải thiện chất lượng, thời điểm và hiệu quả của cuộc tấn công. Các hệ thống tác chiến điện tử với khả năng gây nhiễu năng lực trinh sát, giám sát của Nga cũng sẽ đóng vai trò lớn trong việc ngăn cản phản ứng của đối phương.
Lúc Lục quân Ukraine bắt đầu tiến công, các hệ thống phòng không cần được Kiev di chuyển vào gần tiền tuyến hơn để hỗ trợ ứng phó với chiến đấu cơ Nga.
Sự hiệp đồng tác chiến từ lực lượng mặt đất sẽ tạo điều kiện để Không quân Ukraine giành được ưu thế trên không ở một số khu vực cụ thể, giúp máy bay có thể không kích các đơn vị trọng yếu của Nga, ngăn đối phương triển khai quân tiếp viện.
Trái với nhận định của Tướng David Deptula, cố vấn cấp cao Mark Cancian, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho rằng Kiev sẽ chủ yếu sử dụng F-16 cho nhiệm vụ phòng không, bên cạnh việc yểm trợ binh lính trên tiền tuyến và thực hiện một số cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Dù Hà Lan đầu tháng 6 đã công khai cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích nước này chuyển giao để tập kích lãnh thổ Nga, nhưng Bỉ cấm Ukraine làm việc này, trong khi Đan Mạch và Na Uy chưa bình luận.
Cùng quan điểm với Cancian, Michael Bohnert, chuyên gia mua sắm hàng không - hàng hải của hãng tư vấn RAND, cho rằng F-16 sẽ giúp đánh chặn tên lửa hành trình Nga và bảo vệ các khu vực vắng bóng các hệ thống phòng không của Ukraine.
Không những vậy, chiến đấu cơ F-16 còn có thể đóng vai trò mồi nhử để thu hút hỏa lực phòng không của Nga, cũng như buộc đối phương phải phân bổ thêm nguồn lực để có thể tìm cách đánh chặn F-16 khi chúng chưa cất cánh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây nhận định rằng tiêm kích F-16 không phải là vũ khí kỳ diệu có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường. "F-16 chỉ là tiêm kích thế hệ 4 và Ukraine sở hữu quá ít", cố vấn Cancian nói.