Chiến sĩ biên phòng góp tay nâng bước em tới trường

GD&TĐ - Người lính Cụ Hồ tích cực nhận nuôi đỡ đầu, hỗ trợ cho nhiều học sinh khó khăn để các em vơi bớt nỗi vất vả và an tâm đến trường.

Bữa ăn trưa của học sinh bản Buốc Pát (Mộc Châu, Sơn La) được các chiến sĩ Biên phòng và cô Nguyễn Hương Giang chuẩn bị chu đáo.
Bữa ăn trưa của học sinh bản Buốc Pát (Mộc Châu, Sơn La) được các chiến sĩ Biên phòng và cô Nguyễn Hương Giang chuẩn bị chu đáo.

Bữa cơm no níu chân trẻ nơi biên thùy

Nằm gần biên giới Việt – Lào, điều kiện kinh tế xã hội còn vô cùng khó khăn, điểm trường Buốc Pát thuộc Trường Mầm non Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) hiện có 10 trẻ đang theo học và chỉ có một giáo viên. Gắn bó với trường vùng cao từ năm 1996 đến nay, cô Nguyễn Hương Giang cho hay, toàn bộ người dân ở bản Buốc Pát là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Đời sống của bà con còn rất thiếu thốn, nhiều trẻ có nguy cơ không được đến trường theo đúng độ tuổi. Tuy nhiên, rất may mắn khi đã hơn 10 năm nay, nhờ có các chiến sĩ Bộ đội của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập luôn sẵn sàng hỗ trợ ăn uống, tạo mọi điều kiện để các cháu được nâng bước đến trường.

“Hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh của đồn, trong đó có Trung tá Đào Mạnh Tưởng luôn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây. Các anh đã không quản ngại vất vả để quan tâm tới từng số phận éo le, mảnh đời còn khó khăn để sẻ chia, đùm bọc. Tình cảm của các chú bộ đội được thể hiện qua từng bữa cơm cho học trò luôn làm cô trò cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều. Khi trẻ ấm bụng thì mới bám lớp, các chiến sĩ quả thực rất là tuyệt vời. Đến nay đã không còn tình trạng trẻ bỏ học vì đói” – cô Giang tâm sự.

Thiếu úy Vàng A Chạ - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) chia sẻ, bản Buốc Pát hiện có 13 trẻ từ 2 đến 5 tuổi, chương trình Bữa sáng cho em đã được triển khai từ năm 2012. Cứ đều đặn mỗi sáng, các chiến sĩ của đồn dậy từ khoảng 4 giờ 30 phút để kịp chuẩn bị đồ, nấu ăn cho các cháu ở điểm trường. Trước kia, các chiến sĩ nấu cơm tại đồn rồi trực tiếp mang lên. Nhưng sau quá trình thực hiện, đường đi lại vất vả, đồn đã giao cho tổ công tác đóng trên địa bàn bản, trực tiếp phụ trách nấu ăn cho các cháu.

“Ngoài ra, hàng tháng đồn còn tổ chức phát gạo, nhu yếu phẩm cho thầy cô và học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập. Cuộc sống của người dân và trẻ nhỏ nơi đây đang dần đổi thay từng ngày. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì những hoạt động trên để nhân dân và các cháu có một tương lai tươi sáng hơn” - Thiếu úy Vàng A Chạ cho hay.

Bên cạnh đó, tại các điểm trường giáp biên còn khó khăn của huyện Mộc Châu cũng đang được nhận hỗ trợ tích cực từ Dự án cộng đồng “Nuôi em Mộc Châu” do Đoàn Thanh niên Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tổ chức. Ở Trường Mầm non Lóng Sập đã có 365 trẻ được nhận nuôi cơm trưa từ sự đóng góp từ rất nhiều tấm lòng hảo tâm trên cả nước. Mỗi mạnh thường quân có thể nhận nuôi 1 hoặc nhiều em với số tiền 150 nghìn đồng/tháng/em. Ngoài ra, dự án còn đang hướng tới việc lắp đặt bình lọc nước, xây dựng tủ sách, áo ấm đồng phục, chăn ấm ngủ trưa cho trẻ vùng cao biên giới.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Văn Lý (Hải Hậu, Nam Định) luôn đồng hành, động viên các em học sinh khó khăn vươn lên trong học tập.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Văn Lý (Hải Hậu, Nam Định) luôn đồng hành, động viên các em học sinh khó khăn vươn lên trong học tập.

Nâng bước em tới trường

Thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” nhằm hỗ trợ, động viên các học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, từ năm 2012 đến nay, Đồn Biên phòng Văn Lý – Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các nhà trường trên địa bàn 4 xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều của huyện Hải Hậu tổ chức rà soát, lập hồ sơ nhận đỡ đầu 15 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có ý thức tự giác vươn lên trong học tập. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng/học sinh, tính từ lúc đơn vị nhận đỡ đầu đến khi các em học hết lớp 12. Số tiền được trích từ lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị.

Trung tá Phạm Vũ Trường – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Văn Lý (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, trong quá trình thực hiện đơn vị đã thường xuyên liên hệ với các nhà trường, địa phương và gia đình động viên các em học sinh khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên trong học tập. Đồn cũng phân công một cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp theo dõi, động viên, hỗ trợ gia đình các cháu phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho các em có điều kiện đến trường học tập.

Năm 2019, trên cơ sở kết quả chương trình “Nâng bước em đến trường”; thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, đơn vị nhận nuôi một học sinh mồ côi mẹ, gia đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã Hải Đông, mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, vào các dịp như khai giảng năm học mới hay lễ Tết, đơn vị cũng hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo, quà để động viên em và gia đình.

Cũng theo Trung tá Phạm Vũ Trường, hiện tại, Đồn Biên phòng Văn Lý đang tiếp tục hỗ trợ 5 học sinh theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Trong đó có các em Phạm Thị Thanh Trà – xã Hải Chính đang học Trường THPT C Hải Hậu; Nguyễn Mạnh Chuyên – xã Hải Đông đang học Trường THPT A Hải Hậu; Bùi Mạnh Hưng – xã Hải Triều đang học Trường THCS Hải Triều; Hoàng Vũ Lê Vi và Nguyễn Anh Toàn đều đang là học sinh Trường THCS Hải Lý. Có một học sinh theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là em Vũ Duy Hậu tại Trường THCS Hải Đông.

“Đây thực sự là một trong những nghĩa cử rất cao đẹp, thể hiện phẩm chất sáng ngời của anh Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình là bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các anh vẫn không quản ngại vất vả, luôn gần dân, giúp dân khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Từ khi được đơn vị nhận đỡ đầu, 100% học sinh đều chăm ngoan, hạnh kiểm tốt, học lực khá và giỏi; không có em nào bỏ học giữa chừng.

Đến nay đã có 2 em tốt nghiệp các trường đào tạo nghề, có việc làm ổn định; 6 em đang học tại các trường đào tạo nghề, 2 em thi đỗ và đang theo học tại các trường đại học gồm Mai Thành Khơi – sinh viên Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội; Hồ Sĩ Chinh – sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội”, thầy Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý chia sẻ.

Bồi đắp lòng yêu nước cho học sinh

Từng công tác nhiều năm trong quân ngũ trước khi theo nghiệp sư phạm, thầy Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, ngoài dạy học sinh về kiến thức thì nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng cho các em tình yêu nước, yêu Tổ quốc thông qua nhiều hoạt động khác nhau.

Trong năm 2022, hơn 1.000 học sinh của trường đã được tham dự lễ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc cho cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam để gửi tới các chiến sĩ đang công tác, chiến đấu ở đảo Trường Sa thân yêu. Mỗi một lá cờ đỏ thắm hay những cánh thư với ngôn từ tha thiết của học sinh gửi tới các chiến sĩ nơi đảo xa đã thể hiện được tình cảm của người dân trong đất liền luôn hướng đến và tri ân sự hi sinh, cống hiến của các chiến sĩ. Đây chính là cách để các em học về lịch sử dân tộc cũng như tinh thần yêu nước một cách cụ thể nhất.

Thượng tá Ngô Văn Xô - Chủ nhiệm chính trị Trung tâm Đào tạo trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho hay, ông đã từng 7 lần được ra Trường Sa. Việc thầy trò nhà trường tổ chức trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ hải đảo Trường Sa có ý nghĩa rất thiết thực về giáo dục lòng yêu nước và chủ quyền biên giới, biển đảo cho các em học sinh.

Đặc biệt, ngay tại sân trường này, trên mỗi tấm biển lớp học đều có hình ảnh, tên của các đảo, đá ở quần đảo Trường Sa như Colin, Len Đao, Trường Sa Lớn, Đá Đông, Song Tử Tây, Tư Nghĩa... Mỗi một điểm đảo giữa muôn trùng sóng vỗ là nơi đóng quân của chiến sĩ ta. Điều kiện về nước ngọt còn thiếu thốn, vất vả nhưng các anh vẫn luôn kiên định mục tiêu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Em thực sự cảm thấy may mắn, hạnh phúc khi được các chú bộ đội Đồn Biên phòng Văn Lý quan tâm, giúp đỡ trong suốt nhiều năm qua. Giờ đây khi bước chân vào giảng đường đại học ở khoa Sư phạm Ngữ văn, em vẫn luôn khắc ghi công ơn của các chú – ‘những người cha’ đã luôn bao bọc, bảo ban những học sinh nghèo như chúng em có cơ hội được học tập để vươn lên mọi khó khăn. Sau này khi ra trường, em mong sẽ được trở về quê hương cống hiến và trở về thăm các chú bộ đội đã cưu mang, giúp đỡ mình”, Mai Thành Khơi - quê xã Hải Triều (Hải Hậu, Nam Định) tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.