Chiến lược vắc-xin đối phó bệnh đậu mùa khỉ

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, để kiểm soát dịch đậu mùa khỉ, cần kết hợp điều tra người tiếp xúc, cách ly ca bệnh và tiêm vắc-xin cho người tiếp xúc.

Vắc-xin đậu mùa có thể bảo vệ khỏi đậu mùa khỉ ở mức độ nhất định. Ảnh minh họa.
Vắc-xin đậu mùa có thể bảo vệ khỏi đậu mùa khỉ ở mức độ nhất định. Ảnh minh họa.

Hiện, một số quốc gia có chiến lược tập trung chủng ngừa cho nhóm nguy cơ cao, thay vì tiêm đại trà.

Tập trung vào nhóm nguy cơ cao

TS Nguyễn Thu Anh - Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook Việt Nam cho biết, hiện, có hơn 620 ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện ở gần 30 quốc gia. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 100 ca nghi mắc. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đây không phải là lần đầu tiên đậu mùa khỉ xuất hiện và có số ca bệnh tăng dần.

“Ví dụ, tại Congo, năm 2018 phát hiện 2.800 ca, 2019 là 3.800; số nghi mắc tăng lên 6.300 vào năm 2020 gồm 229 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong thô (CFR) tầm 3 - 5%, có thể lên tới 15%”, TS Thu Anh dẫn chứng. Tuy nhiên, theo bà Thu Anh, đậu mùa khỉ chưa có tốc độ lây nhanh như Covid-19.

TS Thu Anh nhận định, công thức kiểm soát dịch ở giai đoạn này cần kết hợp 3 trong 1. Đó là: Điều tra người tiếp xúc, cách ly ca bệnh và tiêm vắc-xin cho người tiếp xúc. Chuyên gia cho rằng, việc điều tra người tiếp xúc sẽ gặp khó khăn vì không tìm ra mối liên hệ giữa nhiều ca bệnh.

Chuyên gia dẫn chứng, các quốc gia phương tây như Mỹ, Canada, châu Âu đã bắt đầu trữ vắc-xin đậu mùa cho chiến lược Ring vaccination (tiêm chủng vòng - chiến lược để ức chế sự lây lan của bệnh bằng cách tiêm chủng cho những người có nhiều khả năng bị nhiễm nhất). Chiến lược của các quốc gia này là tập trung tiêm cho nhóm nguy cơ cao, thay vì tiêm đại trà. Trong khi đó, EU mua thêm cả thuốc điều trị.

Do đó, TS Thu Anh cho rằng, sẽ là chủ quan nếu khuyến cáo không cần tiêm vắc-xin. “Chúng ta sẽ không thấy một đại dịch như Covid vừa qua, mà sẽ thấy một kiểu dịch bệnh khác: Âm ỉ, dai dẳng, tính kỳ thị cao hơn do bệnh tác động tới ngoại hình”, chuyên gia nhận định.

Mức độ bảo vệ nhất định

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng tránh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện các biện pháp: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Chủ động phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TPHCM cho biết, đậu mùa khỉ không phải bệnh hiếm. Đây cũng không phải là bệnh mới được phát hiện.

Theo bác sĩ Khanh, đậu mùa khỉ đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác ngoài vùng châu Phi từ lâu. Song, bệnh tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều. Nếu lây nhanh như Covid-19, sẽ có rất nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, thay vì rải rác.

Chuyên gia giải thích, virus gây bệnh đậu mùa khỉ khó lây lan. Virus lây qua tiếp xúc cơ thể, giọt dịch bắn... Đặc biệt, khi các ca bệnh bắt đầu khởi phát triệu chứng mới có khả năng lây lan. Do đó, tính lây lan của bệnh không thể như các loại virus có khả năng phát tán trong không khí.

Theo bác sĩ Khanh, những người đã tiêm vắc-xin đậu mùa người sẽ khó mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đa số những người từ năm 1970 trở về trước đã tiêm phòng đậu mùa. Ông dẫn chứng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêm phòng vắc-xin đậu mùa được chứng minh đạt 85% hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một loại vắc-xin mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos). Vắc-xin này đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng bệnh đậu mùa khỉ. Song, hiện chưa được phổ biến rộng rãi. WHO cho biết đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận vắc-xin.

WHO cho biết, những người đã được tiêm phòng đậu mùa trước đây cũng sẽ có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Vắc-xin gốc phòng bệnh đậu mùa hiện không còn được cung cấp cho công chúng.

Những người dưới nhóm tuổi 40 - 50 hầu như chưa được tiêm phòng. Bởi, công tác tiêm phòng bệnh đậu mùa đã chấm dứt vào năm 1980 sau khi dịch bệnh kết thúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...