Chiến lược phát triển tầm vóc và thể lực cho lứa tuổi học đường

Chiến lược phát triển tầm vóc và thể lực cho lứa tuổi học đường

(GD&TĐ) - Phát triển thể lực tầm vóc con người Việt Nam có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên trên thực tế, tầm vóc và thể lực của người Việt còn nhiều hạn chế so với các nước khác trong khu vực. Đề án tổng thể phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 đang được tập trung triển khai và đặc biệt quan tâm tới lứa tuổi học đường.

Người Việt hạn chế về tầm vóc và thể lực

Theo thống kê mới nhất của Viện dinh dưỡng Việt Nam thì cứ gần 5 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân. Cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi. Hơn nửa thế kỷ qua, chất lượng dân số Việt Nam có sự tăng trưởng nhưng vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Tầm vóc của người Việt Nam còn thua kém rất nhiều so với một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, châu Á và càng xa hơn với các quốc gia châu Âu, châu Mỹ.

Theo BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, các yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ em, bao gồm dinh dưỡng, môi trường, di truyền, thể dục vận động. Trong đó, yếu tố di truyền chiếm 20% trong việc phát triển tầm vóc của trẻ, còn lại là các yếu tố dinh dưỡng, thể dục vận động và môi trường bên ngoài. Như vậy, các gia đình hoàn toàn có thể tác động đến tầm vóc của con thông qua việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ hàng ngày. Khi yếu tố dinh dưỡng tác động tích cực đến chiều cao của trẻ cũng đồng nghĩa với việc tầm vóc của người Việt Nam sẽ được cải thiện hơn khi được di truyền qua thế hệ sau.

x
Toàn xã hội mong muốn nâng cao thể lực và tầm vóc cho trẻ em

Lời giải cho bài toán?

Trong Hội nghị trực tuyến về Đề án tổng thể phát triển tầm vóc người Việt đến năm 2030 vừa qua, các đại biểu đã tập trung vào các giải pháp để mang đến tính khả thi khi triển khai trên thực tế. Theo đó đề án sẽ triển khai 4 chương trình bao gồm: “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam”; “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan"; “Phát triển thể lực, tầm vóc bằng phương pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi”; “Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam”. Như vậy các chương trình đưa ra chủ yếu tập trung ưu tiên vào đối tượng lứa tuổi học đường bởi đây là giai đoạn có thể can thiệp tốt nhất về chế độ dinh dưỡng và việc luyện tập thể dục thể thao.

Ông Dương Nghiệp Chí (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) cho biết: Mục tiêu trọng tâm của đề án không phải là vấn đề chiều cao, mà chủ yếu thay đổi tư duy, hành vi của xã hội, lối sống đối với thanh thiếu niên. Chúng ta cố gắng tăng cường thể chất, đồng thời tăng cường chiều cao và nhiều mặt khác, giúp thanh thiếu niên phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực.

Tuy nhiên để đề án đi vào thực thi vẫn còn khó khăn. Đề án này được khởi thảo từ năm 2004 và tới tháng 4/2011 Chính phủ đã phê duyệt và từ năm 2011 tới giờ vẫn chưa triển khai được do thiếu kinh phí. Khoản kinh phí dành cho đề án ước tính là khoảng 6 nghìn tỷ đồng và phải được Bộ Tài chính phê duyệt, đến năm 2014 mới bắt đầu làm theo kế hoạch 5 năm tính đến 2030.

Theo TS Hoàng Công Dân, để nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt, chúng ta cần cải tiến và nâng cao chất lượng hệ thống quản lý công tác giáo dục thể chất trường học; Cải tiến nội dung công tác giáo dục thể chất trường học theo hướng coi trọng và tiếp tục nâng cao chất lượng giờ học thể dục thể thao chính khóa, đồng thời chú trọng phát triển các hoạt động  luyện tập và thi đấu thể dục thể thao ngoại khóa thường xuyên trong các trường học một cách hợp lý.; Tăng cường các giải pháp xã hội hóa thể dục thể thao trường học, thu hút sự tham gia và đầu tư xã hội cho thể dục thể thao học đường.

PGS. TS Lê Thị Bạch Mai  - Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng cho biết: Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển thể lực và tầm vóc,  cần cải thiện về số lượng và chất lượng khẩu phần ăn cho trẻ tuổi mầm non và HS. Đảm bảo cho trẻ em và HS ở các trường có chương trình được uống sữa hoặc được bổ sung dinh dưỡng đặc thù đạt tỷ lệ 50% vào năm 2015, 90% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030; Nâng cao kiến thức thực hành dinh dưỡng cho GV, nhân viên y tế, HS và phụ huynh tại các vùng miền có chương trình; Chủ động kiểm soát, khống chế sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi mầm non và HS đặc biệt ở khu vực thành phố…

Do chậm phát triển nên so với chuẩn quốc tế, tầm vóc nam thanh niên 18 tuổi của ta thua kém 13,1cm (163,7cm và 176,8cm), tầm vóc nữ thanh niên thua kém 10,7cm (153cm và 163,7cm). So với Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên ta đều thua kém rõ rệt. Ngoài ra, do thiếu vận động nên tố chất thể lực (đặc biệt là sức bền và sức mạnh) của thanh niên Việt Nam vào loại kém và rất kém so với Nhật Bản hoặc so với chuẩn quốc tế.

V. Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.