Được bao quanh bằng rặng ruối cổ có tuổi đời hàng trăm năm, di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Ruối (hay còn gọi là đền Kiến Quốc) nằm tại thôn Ngọc Chuế, xã Trung Nghĩa (Ý Yên, Nam Định).
Theo các tư liệu lịch sử, năm 1406, nhà Minh đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Năm 1407, tướng giặc Mộc Thạnh sai quân lấy đất núi Thiên Kiện (núi Bô), đập phá tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi ngày nay) vận chuyển về cánh đồng Lai Cách (xã Yên Thọ) để đắp thành Cổ Lộng nhằm án ngữ đường thủy trên sông Đáy và đường bộ từ Bắc vào Nam.
Trước cảnh ấy, bà Lương Thị Minh Nguyệt đã cùng chồng mở quán bán hàng tại chân thành Cổ Lộng, âm thầm nắm cách bố trí phòng bị của giặc, ghi chép thành sơ đồ. Khi Lê Lợi tiến quân ra Đông Quan, bà tìm đến dâng tấm sơ đồ vẽ kho lương thực và vũ khí, đề xuất kế sách hạ thành.
Chiến thắng giặc Minh, vợ chồng bà không nhận chức quan Vua Lê Thái Tổ ban mà chỉ xin ban ruộng đất và miễn sưu thuế 3 năm cho nhân dân trong vùng.
Khi cả hai vị qua đời, vua cho lập đền thờ Kiến Quốc ở làng, ban cho thôn 100 mẫu ruộng tốt để làm việc tế tự. Bà cũng được coi là nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam được ghi lại (theo tư liệu từ Phòng Văn hóa huyện Ý Yên, Nam Định).
Năm 1902, đời vua Thành Thái năm thứ 13, đền được trùng tu quy mô lớn, đổi tên đền thành đình Kiến Quốc.
Đình Ruối sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền thống. Tiền đường Đình Ruối gồm 5 gian với 4 bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Hệ thống vì kèo, các xà chạm khắc công phu với các đề tài tứ linh, tứ quý. Xà dọc tại gian giữa được chạm lưỡng long chầu nguyệt có những lớp đao mác nhiều tầng tiêu biểu của phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII).
Ông Phan Viết Thắng - Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết: , nhiều người dân nơi đây quan niệm, bức tường ruối như tòa thành bảo vệ cho di tích cũng như sự bình yên của nhân dân.
Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, Đình Ruối được Nhà nước chính thức công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1992. Hàng năm, vào ngày 24 và 25/11 âm lịch, nhân dân địa phương nô nức mở hội để tưởng nhớ Kiến Quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt.