Lưu giữ những sắc màu dân gian

GD&TĐ - Tranh Hàng Trống được đánh giá là một trong những dòng tranh độc đáo của Kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, sản phẩm mang đậm màu sắc văn hóa, truyền thống dân tộc này đang lùi dần vào quá khứ, hiện chỉ còn lưu trữ trong bảo tàng. 

Lưu giữ những sắc màu dân gian

Trước thực trạng đó, các bạn trẻ thuộc nhóm S River đã đưa những họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống lên môi trường số, tạo sức sống mới cho dòng tranh đặc trưng một thời của Hà Nội.

Số hóa để bảo tồn

Trải qua quá trình nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau, qua tài liệu, sách vở và các chuyên gia, nghệ nhân làm tranh dân gian, tới nay, các bạn trẻ trong nhóm S River đã sưu tầm được gần 2.000 hiện vật là các tác phẩm tranh Hàng Trống, cùng một số loại hình tranh dân gian khác.

Tại buổi ra mắt Triển lãm “Tranh hàng Trống - Những điều xưa cũ mới mẻ” tại Hà Nội, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang, Trưởng dự án Họa Sắc Việt, tác giả cuốn sách “Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống” và người sáng lập nhóm S River cho biết, hiện chị sở hữu bộ sưu tập gần 70 bức tranh Hàng Trống, những bức tranh còn lại của dòng tranh có lịch sử lâu đời của Hà Nội và gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo nhà thiết kế Trịnh Thu Trang, mong muốn lớn nhất khi thực hiện dự án này là giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của ông cha từ những bức tranh Hàng Trống theo một cách mới, chứ không dừng lại ở việc hoài cổ, thương nhớ những giá trị cổ xưa mà phải làm cho nó thực sự sống trong cuộc sống hiện đại, trong mỗi con người.

Để đưa một bức tranh Hàng Trống vẽ trên chất liệu giấy dó bồi đắp truyền thống lên môi trường số cũng đòi hỏi nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là việc các thành viên trong nhóm S River phải tìm đến sự giúp đỡ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên để có được những bức tranh Hàng Trống đúng với nguyên tác. Các bức tranh mà nhóm thu được sẽ được xử lý thông qua các phần mềm máy tính, rồi sau đó chuyển thể thành các bản mềm và bước cuối cùng là đăng tải lên mạng Internet để lưu giữ lâu dài.

Sự vào cuộc của thế hệ trẻ

Tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... việc số hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được làm từ nhiều năm. Trong khi các quốc gia khác coi việc mã hóa, vecter hóa màu sắc truyền thống như một chiến lược quốc gia về thẩm mỹ, thực hiện đồng bộ trên nhiều ban, ngành khác nhau, trong trường học, trong thiết kế, ngay cả những người không học thiết kế cũng biết về tông màu truyền thống thì... Việt Nam chưa có.

Trịnh Thu Trang cho biết, năm 2017, chị quyết định thành lập nhóm S River quy tụ các thành viên trẻ (nhiều bạn mới ngoài 20 tuổi) có cùng cảm hứng để cùng biên soạn quyển Họa Sắc Việt, lấy tranh Hàng Trống là dòng tranh đầu tiên để nghiên cứu.

Các dữ liệu số hoá sẽ được nhóm phát hành qua sách, các hoạ tiết cổ sẽ được nhóm mình tổng hợp và phân loại, đưa vào trong cuốn sách. Còn các sản phẩm thiết kế của nhóm lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống sẽ được nhóm đăng ký bản quyền riêng.

“Trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại. Chúng tôi lựa chọn một vài chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu ưng ý từ một hoặc vài ba bức tranh rồi sáng tạo, tưởng tượng, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành giá trị thẩm mỹ mới, đặt trong bối cảnh mới, mang sứ mệnh mới và có khả năng ứng dụng vào thiết kế. Song tôi luôn khẳng định, tất cả những sản phẩm mới kia đều có nguồn gốc từ tranh dân gian Hàng Trống. Từ đó, tôi mong muốn sản phẩm đồ họa đó góp phần quảng bá trở lại cho dòng tranh Hàng Trống như là một cách bảo tồn dòng tranh của thị dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay” - Thu Trang nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, hầu hết các bức tranh Hàng Trống đã biến mất trên thị trường do phần mộc bản bị thất lạc. Việc đưa những tác phẩm nghệ thuật lên môi trường kỹ thuật số sẽ bảo đảm được tính bền vững theo thời gian, cũng như loại bỏ các yếu tố hư hại từ môi trường bên ngoài, đồng thời sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đặc trưng của tranh dân gian Việt Nam ra bạn bè quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ