Chiếc xe chưa kịp lắp biển và nỗi đau xé lòng sau vụ tai nạn ở hầm Kim Liên

Chiếc xe mới mua cho con gái còn chưa kịp lắp biển số nhưng người mẹ ấy đã mãi mãi không trở về. Chị qua đời để lại một gia đình nhỏ với bao khó khăn chất chồng: Chồng ốm đau bệnh tật, một con bị tự kỷ, một con đang tuổi ăn tuổi học…

Chiếc xe chưa kịp lắp biển và nỗi đau xé lòng sau vụ tai nạn ở hầm Kim Liên

Sáng 3/5, trời Hà Nội đổ mưa, trở lạnh, quang cảnh âm u của bầu trời ôm trọn lấy cả màu tang thương lên căn nhà nhỏ cũ kỹ, tường bám đầy rêu xanh.

Trong căn nhà ấy hầu như không có đồ đạc gì, bàn ghế đơn sơ, chiếc cầu thang gỗ dẫn lên gác xép là nơi gia đình ngủ cũng nhuộm màu thời gian cũ kỹ, tưởng như có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Đó là căn nhà của gia đình chị Đinh Thị Hải Yến - 1 trong 2 nạn nhân nữ bị xe Mercedes đâm tử vong ở hầm Kim Liên (Hà Nội) 2 ngày trước.

Lo xong tang lễ cho người vợ quá cố, anh Quang - chồng chị Yến - vốn đã ốm đau nay lại càng mệt mỏi, đau đớn hơn trước nỗi đau quá lớn ập đến với gia đình.

Sáng nay, căn nhà nhỏ của gia đình chị có thêm những người đến thăm hỏi, chia buồn. Căn nhà nhỏ bám đầy rêu phong trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Mọi thứ cứ lặng lẽ trôi, chốc chốc lại có tiếng nấc nghẹn ngào.

Những tiếng khóc nghẹn ngào trong tang lễ của chị Yến (Ảnh Zing).
Những tiếng khóc nghẹn ngào trong tang lễ của chị Yến (Ảnh Zing).

Chị Yến được nhiều người biết đến bởi luôn là người tham gia, kêu gọi các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng ít ai biết rằng chính hoàn cảnh của chị vốn cũng rất nhiều vất vả.

Chị vốn là nhân viên phục trang của Đoàn biểu diễn 2 - Nhà hát Kịch Việt Nam, cuộc sống gia đình trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ Nhà hát Kịch, bởi chị vừa mới vào đoàn, mọi chế độ lương thưởng còn thấp.

Chồng chị trước đây công tác trong ngành giao thông, ốm đau nhiều năm nay nên đã nghỉ việc. Con gái lớn đang học đại học, con trai 13 tuổi thì bị mắc chứng bệnh tự kỷ nên như đứa trẻ lên 3.

Bởi vậy, ngoài đi làm ở Nhà hát, chị Yến còn bán thêm hàng online cũng như làm thêm một số công việc khác để lo cho gia đình.

Con gái chị Yến lặng người bên ngoài nhà xác Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Con gái chị Yến lặng người bên ngoài nhà xác Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Thẫn thờ, đau xót em N.M.L (con gái chị Yến) vẫn không thể tin sự thật vừa xảy ra. Đêm xảy ra vụ việc, em đã ngồi cả đêm trước cửa nhà xác Bệnh viện Bạch Mai - nơi người mẹ thân yêu của em đang nằm trong đó.

Đau đớn, xót xa đôi lúc khiến em ngã quỵ nhưng em đã vượt lên tất cả để cùng với bố lo tang lễ cho mẹ. Bố vốn sức yếu nên khi sự việc xảy ra, L. đã thay bố đăng cáo phó cho mẹ. Bạn bè, cộng đồng mạng rớt nước mắt khi đọc dòng cáo phó mà con gái viết cho chị Yến.

Mới đây, chị Yến vừa dành dụm mua cho con gái một chiếc xe máy để con tiện đi học. Chiếc xe mới chưa kịp lắp biển số thì người mẹ ấy đã mãi mãi ra đi. Nhìn chiếc xe, những dòng nước mắt nghẹn ngào lại chảy dài trên má của L.

Bàn thờ chị Yến trong căn nhà không có gì đáng giá.
Bàn thờ chị Yến trong căn nhà không có gì đáng giá.

Bị tự kỷ, luôn phải chăm sóc đặc biệt nên dù 13 tuổi nhưng cậu con trai của chị Yến lại như đứa bé lên 3. Em chưa ý thức được việc mẹ qua đời.

Hôm người thân chuẩn bị tang lễ, đưa di ảnh của chị Yến lên bàn thờ, cậu bé ngơ ngác hỏi “làm như vậy để làm gì?”. Câu hỏi ngây ngô của cháu như cứa vào tâm can của những người ở đó.

Hàng xóm, đồng nghiệp vẫn chưa nguôi ngoai sau sự ra đi đột ngột của chị. Bà T., hàng xóm của chị Yến, buồn rầu kể, nhà chị có 3 chị em, chị Yến là con cả. Bố mất sớm nên Yến chịu nhiều thiệt thòi, cùng mẹ chăm lo cho các em khôn lớn, trưởng thành. Năm 1997, chị kết hôn và sinh ra 2 người con. Nhưng cháu thứ 2 bị tự kỷ trong khi chồng ốm đau, bệnh tật nên mọi sinh hoạt, chi tiêu của gia đình dồn hết vào đôi vai của chị.

“Bên ngoài Yến mạnh mẽ, quyết đoán lắm nhưng thực lòng nó rất khó khăn, vất vả. Vất vả từ bé cho đến khi nằm xuống”, hàng xóm nghẹn ngào nói.

Sau hôm chị mất, nhiều đồng nghiệp, bạn bè đến nhà thăm hỏi, chia sẻ thì mới thực sự bất ngờ trước gia cảnh của chị. Đằng sau một cô Yến trẻ trung, tự tin, hoạt bát, luôn nhiệt tình với mọi người là một gia cảnh đặc biệt đầy khó khăn.

Dù gia đình rất vất vả nhưng chị Yến luôn giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương bạn bè và hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Trước mỗi giờ diễn, Yến đều có mặt từ rất sớm, chuẩn bị tỉ mỉ phục trang biểu diễn cho các nghệ sĩ. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi về với Nhà hát Kịch Việt Nam, chị Yến cũng từng đi diễn dưới ánh đèn ở sân khấu Lệ Ngọc.

Theo kế hoạch, sắp tới đây, sau bao nhiêu năm chuyển về nơi công tác mới, ngày 1/6 chị Yến lại sẽ được diễn, được đứng trên sân khấu của nhà hát kịch với tư cách là diễn viên. Thế nhưng ngày đó đã mãi mãi không tới. Nhắc đến điều này, nhiều đồng nghiệp của chị ứa nước mắt.

Thương nhớ chị. Thương cho hoàn cảnh và những ước mơ của chị, trong 2 đêm 5&6/5 tới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tổ chức 2 đêm diễn để tưởng nhớ chị Yến và gây quỹ để hỗ trợ gia đình chị. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng làm sổ tiết kiệm cho 2 con của chị Yến.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.