Chiếc tạp dề không làm mất đi vẻ nam tính

GD&TĐ - Dịp học sinh phải đồng loạt nghỉ học do Covid-19, nhiều cha mẹ khoe con biết làm nội trợ, trong đó xuất hiện không ít những bé trai “đeo tạp dề”.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet).
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet).

Xã hội ngày nay cũng đã có nhiều “ông nội trợ” và dường như quan niệm, nội trợ là việc của phụ nữ đã dần bị xoá bỏ.

Những “ông nội trợ” cừ khôi

Là bác sĩ và được coi là người đàn ông thành đạt, song khi về nhà, anh Ngô Minh (Đông Anh – Hà Nội) không ngại các việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà… vốn được coi là việc của phụ nữ.

“Tôi làm việc nhà, tham gia nội trợ cùng vợ như một nghĩa vụ và lấy đó làm niềm vui vì chia sẻ được một phần lo toan với bà xã. Chúng tôi đã cưới nhau gần 18 năm nhưng tôi luôn quan niệm, việc nhà là việc chung, ai cũng cần biết làm để khiến cuộc sống thêm vui vẻ, bớt áp lực.

Vợ tôi cũng là công chức nhà nước. Cùng đi làm như nhau, chẳng có cớ gì khi về nhà mình ngồi chơi, xem tivi mà dành hết việc nội trợ cho vợ. Ngoài lúc công việc bận rộn, còn lại tôi đều ý thức học hỏi và chăm sóc gia đình cùng vợ mình nên bà xã rất yên tâm mỗi khi đi công tác”, anh Ngô Minh chia sẻ.

Những “ông nội trợ” đã không còn là của hiếm, hay chỉ có trong “sách đỏ” như cách ví von của nhiều chị em mà ngày càng phổ biến. Hội chị em không còn xôn xao mỗi khi bạn bè khoe chồng mình biết thậm chí “siêu” hơn phụ nữ công việc nội trợ. Nhiều ông chồng chọn cách “nhờ chị Google” chỉ dẫn để nấu các món ngon, tạo bất ngờ cho vợ con. Với đa số chị em, đây là cách làm “đốn tim” bất cứ bà cô khó tính nào một cách hoàn hảo nhất.

Diễn giả Đào Ngọc Cường (Công ty Cổ phần Đào tạo đánh thức tiềm năng Việt – Thanh Hoá) cho rằng: Quan niệm trước kia “đàn ông là lo nhà, đàn bà lo bếp”, coi việc vào bếp là của phụ nữ, đàn ông vào bếp là yếu, kém. Nhưng ngày nay, việc vào bếp với đàn ông hay phụ nữ đều là việc hết sức bình thường. Nó thể hiện trách nhiệm với chính bản thân và gia đình mình.

“Cá nhân tôi, luôn ý thức dành thời gian để cùng vợ con làm công việc nội trợ. Tôi cho rằng, khi một người đàn ông chu đáo với vợ con thì việc vào bếp là một niềm vui. Bởi được chính tay mình nấu những món ăn cho vợ con là điều vô cùng hạnh phúc. Biết nấu món này, món kia khiến mình cảm thấy chủ động hơn, không lo đói khi vợ con vắng nhà”, diễn giả Đào Ngọc Cường chia sẻ.

Ngày nay, không ít đàn ông đã vượt qua “chướng ngại tâm lý”, lui về làm hậu phương cho vợ phát triển, làm trụ cột kinh tế gia đình. Khi điều kiện phát triển cá nhân gặp khó khăn, vợ chồng anh Xuân Cung (Long Biên, Hà Nội) bàn bạc và đi đến quyết định để anh toàn tâm toàn ý lo chuyện nội trợ, con cái để chị chuyên tâm với công việc đang nhiều cơ hội hiện tại.

Hàng ngày, anh Cung đưa đón con đi học, đi chợ, nấu cơm… Anh tâm sự, thời gian đầu cũng thấy ngại với họ hàng, làng xóm nhưng bây giờ, khi quen với công việc và vượt qua được mặc cảm lại thấy hạnh phúc bởi mình có thời gian gần gũi con cái nhiều hơn. Vợ anh cũng rất an tâm, hạnh phúc khi có “ông nội trợ” đảm đang trong nhà. Cuối tuần, cả gia đình lại cùng nhau vào bếp, bàn thảo công thức nấu ăn và lên thực đơn cho tuần tới rất vui vẻ.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Dạy con nội trợ thời @

Chị Nguyễn Bích Trang (quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) rất chăm chỉ khoe thành quả nấu nướng của cậu con trai đang học lớp 8. Mỗi thành phẩm của Bi đều nhận được những lời khen, sự thán phục từ bạn bè Facebook và niềm tự hào của mẹ cậu.

Chị Trang kể, Bi là con trai đầu và vợ chồng chị ý thức dạy con biết tham gia làm công việc nhà từ khi còn nhỏ. Khi chừng 4 tuổi,Bi đã biết dọn đồ chơi, lau bàn ghế, nhặt rau… Bố mẹ đều đi làm bận rộn nên ngay từ đầu cấp tiểu học Bi đã biết tự nấu vài món cơ bản như rán trứng, rang thịt mỗi khi ở nhà một mình. Dần dần Bi tìm hiểu trên mạng Internet và chế biến được rất nhiều món ngon cho cả nhà. Cu cậu có tài làm bánh đặc biệt ngon và luôn có những món ăn mang lại bất ngờ cho cả gia đình.

“Tôi quan niệm, nội trợ là kỹ năng thiết yếu và cần có với bất kỳ ai. Con trai hay con gái đều cần được dạy về ý thức đối với công việc nhà. Cùng với đó là học các kỹ năng để thực hiện điều đó. Bọn trẻ tinh ý lắm, khi chúng có ý thức trách nhiệm, chúng sẽ tìm được ra cách tốt nhất để làm. Chồng tôi cũng có quan điểm như vậy nên con trai tôi coi việc nội trở là việc chung, là sự chia sẻ để xây dựng cuộc sống gắn kết, hạnh phúc”, chị Bích Trang cho hay.

Theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia Xã hội học, từ những quan niệm cũ dẫn đến nhiều gia đình không dạy con trai vào bếp. Điều này vô hình trung sẽ không tốt cho trẻ cả hiện tại và khi trưởng thành. Một đứa trẻ biết nội trợ sẽ biết tự chăm sóc bản thân tốt hơn một đứa trẻ được nuôi dạy kiểu “gà công nghiệp”.

Bên cạnh đó, nội trợ cũng chính là việc trách nhiệm với bản thân, với cha mẹ. Bởi khi không thể tự phục vụ nhu cầu cá nhân thì khi cha mẹ ốm đau cũng không chăm sóc cho cha mẹ được.

Làm việc nhà nói chung, nội trợ nói riêng sẽ giúp trẻ tạo đượcthói quen tốt và nâng cao kỹ năng sinh tồn, tính trách nhiệm với gia đình về lâu dài sau này. Không chỉ con gái mà cha mẹ cần dạy con trai vào bếp ngay từ khi còn nhỏ. Hãy hướng dẫn, giám sát, khích lệ và ghi nhận những gì còn làm được. Từ đó uốn nắn con làm ngày một tốt hơn, dù con làm chưa tốt cũng không chê bai con làm cho con mất hứng và không muốn tiếp tục.

Mọi thói quen sẽ tạo nên tính cách con người. Muốn con là người đàn ông của gia đình, ấm áp và biết quan tâm người thân trong tương lai hãy cho con biết, gia đình sẽ ấm áp và hạnh phúc hơn khi có cả người đàn ông và phụ nữ đứng bếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ