“Chiếc dép thất lạc”: Tình yêu lớn từ những việc làm nhỏ

GD&TĐ - NXB Kim Đồng vừa chào Hè 2021 bằng ấn phẩm song ngữ Việt - Anh “Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” của hai tác giả nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, đó là Geralda De Vos (Bỉ) và Sofia Holt (Thụy Điển).

“Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” là một cuốn sách tranh đặc biệt của các tác giả nước ngoài viết về trẻ em Việt Nam dành cho độc giả trẻ em Việt Nam.

“Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” kể về cô bé tên Linh. Một hôm, do ngủ quên trên đường về nhà, Linh vô tình đánh rơi một chiếc dép ưa thích của mình, chiếc dép nhựa màu hồng có hình chú lợn ủn ỉn. Linh quyết định sẽ tìm lại chiếc dép ấy bất kể việc bố mẹ sẵn lòng mua cho em đôi dép mới.

Linh vẽ tấm áp phích dán ở cửa hàng tạp hóa, viết các bức thư gửi đến mọi người trong khu vực chiếc dép bị đánh rơi… Thư gửi đi, rồi Linh nhận lại từ mọi người rất nhiều sự quan tâm: người cho dép, người cho tiền, người cho lời chúc…

Và rồi “Cô Tiên Dép Rớt” xuất hiện. Cô tiên ấy khác hẳn cô tiên trong các câu chuyện cổ tích, cô không bay trên chiếc chổi thần kỳ, cô đi trên một chiếc xe đạp cũ. “Cô Tiên Dép Rớt” không có quyền năng phép thuật nào, nhưng cô ấy vẫn là một cô tiên tuyệt vời của Linh.

Cuốn sách "Chiếc dép thất lạc".
Cuốn sách "Chiếc dép thất lạc".

“Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” đem đến bài học nhân văn về việc hãy yêu quý, trân trọng đồ vật của bạn, hãy biết chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ mọi người xung quanh. Tác giả còn ý nhị nhắn nhủ với bạn đọc nhỏ tuổi chỉ một hành động nhỏ như nhặt và trả lại chiếc dép, bạn sẽ đem lại niềm vui hạnh phúc cho người mất mà còn góp phần giảm bớt một chất thải nhựa ra môi trường sống.

Chiếc dép nhựa bị đánh rơi có lẽ là hình ảnh được nhìn thấy nhiều trên các đường quốc lộ, đường liên tỉnh, trên các con phố, ngõ hẻm… Chiếc dép hồng có nơ của bé gái, dép xanh siêu nhân của bé trai, cái bên trái, cái bên phải, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy và rồi dễ dàng bỏ qua. Nhưng với tác giả Geralda De Vos một chiếc dép rơi và cách chúng ta ứng xử nói lên thật nhiều điều.

Sinh ra và lớn lên ở Bỉ, Geralda đến Việt Nam vào năm 2017. Cô tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội đặc biệt là bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải nhựa, tái chế đồ vật, khuyến khích lối sống tử tế thông qua việc nhặt và trả đồ thất lạc cho mọi người.

Geralda đã bắt đầu nhặt những đôi dép thất lạc trên đường phố. Cô xếp tất cả chúng lên yên sau xe đạp và bắt đầu hình dung ra một người chuyên nhặt nhạnh dép. Linh, “Cô Tiên Dép Rớt” và cuốn sách “Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” đã ra đời như thế.

Một câu chuyện đẹp về sự tử tế, tử tế giữa những con người và tử tế với môi trường sống được Geralda kể một cách giản dị không lên gân, vô cùng thông minh và hài hước.

Cùng với lời kể của Geralda De Vos, phần minh họa của họa sĩ Sofia Holt đem đến sự tươi trẻ, nhịp điệu rộn ràng, thanh bình cho “Chiếc dép thất lạc - The lost sandal”. Đó là cái nhìn của những người dấn thân sống thực sự trên mảnh đất này, nhìn cuộc sống xung quanh bằng cái nhìn trìu mến chứ không tìm sự dị biệt của những nền văn hóa khác, đất nước khác.

Họa sĩ Sofia lớn lên ở Thụy Điển. Cô đến Sài Gòn vào năm 2014 và làm công việc thiết kế các sản phẩm nội thất và đồ dùng hữu ích tại đây. Hiện cô đang thiết kế thời trang, đồ nội thất, vẽ tranh minh họa và góp thêm ý tưởng về một thế giới hạnh phúc và bền vững hơn. Dù đi bất cứ đâu, Sofia đều thích sưu tập những món “rác quý” xinh xắn trên đường. Dù không biết đọc và viết tiếng Việt, nhưng Sofia  vẫn kì công “vẽ tiếng Việt” cho những tấm áp phích, những lá thư trong cuốn sách.

“Chiếc dép thất lạc - The lost sandal” với lượng từ vựng tiếng Anh không nhiều, văn phong trong sáng, giản dị chính là một gợi ý thú vị  cho các bạn học và đọc tiếng Anh thông qua câu chuyện hiện đại về Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.