Hội thảo có sự tham sự của ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, chuyên viên Sở và lãnh đạo, giáo viên môn Vật lý khối THPT trong thành phố.
Tác giả của sách giáo khoa Vật Lý 10 - Bộ sách kết nối tri thức: GS .TS. Vũ Văn Hùng - Tổng chủ biên và Nhà giáo Bùi Gia Thịnh - Chủ biên cùng tham dự Hội thảo.
Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp THPT từ năm học 2022 – 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song toàn ngành đã và đang triển khai với tâm thế hào hứng, lạc quan.
Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn thể xã hội.
Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo 4 trường THPT Lê Quý Đôn – THPT chuyên Trần Phú - THPT Hải An và THPT Mạc Đĩnh Chi tiến hành Hội thảo thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với môn Vật lý lớp 10.
Quang cảnh Hội thảo. |
Hội thảo là diễn đàn để chia sẻ, thảo luận về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình và đề xuất biện pháp khắc phục những khó khăn trong thời gian tới.
Đây còn là cơ hội quý báu cho các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy có thể bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ các tác giả viết sách, các đồng nghiệp để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy.
Cô Đào Thị Thu Thuỷ, giáo viên Vật lý, Trường THPT chuyên Trần Phú nêu quan điểm: Cũng như các môn học khác trong chương trình GDPT 2018, môn Vật lý lớp 10 được xây dựng trên tinh thần coi trọng việc phát triển phẩm chất, năng lực cho người học bên cạnh việc cung cấp kiến thức. Các kiến thức được lựa chọn và trình bày theo hướng tinh giản và nhằm mục tiêu làm cơ sở cho việc giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, năm đầu tiên thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Đặc biệt, học sinh lớp 10 năm nay đã học lớp 9 theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Dù những kiến thức cơ bản cần đạt được ở cấp THCS giữa 2 chương trình tương tự nhau nhưng nhiều kĩ năng, năng lực mà SGK mới hướng tới để làm nền tảng cho chương trình THPT thì học sinh chưa được trang bị đầy đủ.
Quá trình dạy, giáo viên bộ môn các nhà trường đã gặp phải những vướng mắc, khó khăn và đã tìm tòi, thực hiện giải pháp tạm thời. Cô Thuỷ trình bày một số vướng mắc trong Chương II: Động học.
Thầy Nguyễn Quang Hùng- Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng tại Chương I, bài 3: "Thực hành tính sai số trong phép đo. Ghi kết quả đo" có vướng mắc khi học sinh khó tiếp nhận công thức tính sai số gián tiếp vì các em chưa được học các phép toán về vi phân và đạo hàm; hay như tại chương IV, bài 25: "Động năng. Thế năng", bài 26: "Cơ năng và định luật bảo toàn cơ năng" có những phần kiến thức học sinh vận dụng giải bài tập không tốt...
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để tác giả bộ sách giải đáp thắc mắc và minh hoạ qua những ví dụ cụ thể.