Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ đã phối hợp với Trường THPT An Khánh thực hiện chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học - lịch sử. Các tác phẩm được lựa chọn để sân khấu hóa được trích từ chương trình đào tạo phổ thông môn Ngữ văn và Lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. |
Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ cho biết: Chúng tôi đã lựa chọn và tiến hành chuyển thể một phần nội dung của sự kiện lịch sử trong giai đoạn năm 1945 – 1954 thành hoạt cảnh, ca múa và trích đoạn cải lương với hình tượng chị Võ Thị Sáu, kéo dài trong khoảng 40 phút. Lực lượng diễn viên chính là học sinh đến từ Trường THPT An Khánh.
Những ngày đầu đến với các buổi tập, lực lượng học sinh tham gia có biến động vì nhiều nguyên nhân như nhà xa, trùng lịch học, lịch thi,… nhưng sau một thời gian, mọi thứ đi vào ổn định, các em dần tìm được đam mê, nhiều em đăng ký tham gia chương trình.
"Đây là tín hiệu rất đáng khích lệ. Hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử sẽ là sân chơi bổ ích cho học sinh sau những giờ học tập trên lớp, giúp các em nuôi dưỡng sâu sắc hơn tình yêu đối với quê hương, đất nước, niềm tự hào về dân tộc; đặc biệt là niềm đam mê đối với bộ môn nghệ thuật.
Đây cũng đồng thời là dịp để Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tìm kiếm và phát hiện các tài năng nghệ thuật trong các trường phổ thông", bà Tâm nói.
Cô Phạm Thị Thu An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều) cho biết: Việc chuyển hoá các tác phẩm văn học, lịch sử... lên các tiết học được nhà trường thực hiện trong nhiều năm nay.
"Đây là lần đầu tiên nhà trường phối hợp với trường có chuyên môn nghệ thuật như Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ nên chúng tôi lựa chọn tác phẩm gần gũi quen thuộc và độ khó không quá nhiều để học sinh dễ tiếp cận. Học sinh cùng thầy cô hai trường cũng đã trải qua quá trình khổ luyện hơn 2 tháng để có những tiết mục quy mô, chuyên nghiệp cho ngày công diễn".
Trước đây, nhà trường mong muốn đẩy mạnh loại hình kịch, cải lương trong trường học nhưng lại không có chuyên môn, lực lượng. Nay nhờ sự hỗ trợ của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, không chỉ học sinh mà cả thầy cô nhà trường đều được tiếp cận chuyên môn, trải nghiệm loại hình nghệ thuật này.
Các công tác tập huấn kỹ năng chuyển thể, kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng chương trình, viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, hóa trang, tư vấn trang phục, đạo cụ, cảnh trí… do giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đảm nhiệm.
Trải qua thời gian tập luyện chương trình, học sinh đã hiểu rõ hơn về diễn biến lịch sử, tình hình đất nước trong giai đoạn năm 1945 - 1954. Các em dành thời gian nghiên cứu và được hướng dẫn về đặc điểm, tính cách nhân vật chị Võ Thị Sáu, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học, lịch sử.
Bằng lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên và hiệu ứng trên sân khấu chuyên nghiệp, chương trình đã đem đến cho buổi diễn một tác phẩm chuyển thể mang đậm tính nghệ thuật, gây được sự xúc động cho người xem. Học sinh được hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm.
Được hoá thân vào nhân vật chị Sáu trong tác phẩm văn học nghệ thuật, em Tăng Thanh Bảo Ngọc - học sinh lớp 11A1 của Trường THPT An Khánh chia sẻ: "Em vừa hồi hộp lại vừa vui khi được thử thách bản thân, hoá thân vào nhân vật và thể hiện được thần thái, ý chí nhân vật".
Ban đầu lựa chọn ưu tiên của em là trở thành giáo viên, tuy nhiên khi được tiếp cận loại hình nghệ thuật này em cũng có thêm lựa chọn thứ hai là biểu diễn, có thể đây sẽ là nghề tay trái của em.
Khi xem buổi biểu diễn nghệ thuật, nhiều học sinh đã không giấu được cảm xúc. Trương Quốc Khánh, học sinh lớp 11 của Trường THPT An Khánh cho biết: Qua vở kịch em học hỏi được rất nhiều điều, đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng nàn và sự xung phong của tuổi trẻ. "Đã là tuổi trẻ thì phải xung phong dẫn đầu về mọi mặt", Khánh chia sẻ.
"Sân khấu hoá tác phẩm văn học lịch sử không chỉ phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, mà đây sẽ là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Đồng thời qua đó góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng học sinh đến những giá trị chân thiện mỹ"
Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ.