Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Sơn Hải- Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết: Để thúc đẩy chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục, ngày 30/12/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần (nhóm chuyển đổi số trong dạy, học; nhóm chuyển đổi số trong quản trị), thang điểm tối đa là 100, mỗi nhóm tiêu chí được đánh giá ở 3 mức độ:
Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.
Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt từ 50 đến 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đã đáp ứng yêu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.
Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt trên 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số.
Việc ban hành bộ chỉ số nhằm thực hiện hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, cũng là căn cứ để các nhà trường rà soát, đánh giá và hoàn thiện các điều kiện thực hiện chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Sơn Hải tham luận tại hội nghị. |
Đánh giá cao kết quả của ngành GD-ĐT Hà Nội trong công tác chuyển đổi số, ông Nguyễn Sơn Hải cũng cho biết, Hà Nội còn là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%).
Hà Nội cũng đã triển khai tốt các dịch vụ công trực tuyến, duy trì hiệu quả hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.
Các tham luận tại hội nghị khẳng định vai trò quan trọng của công tác chuyển đổi số trong dạy, học và quản trị nhà trường; đồng thời cũng chỉ ra một số khó khăn như thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng và vận hành; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế.
Một số trường cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng cho giáo viên; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, tăng cường xây dựng bài giảng số.
Đại diện Trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng cho giáo viên. |
Khẳng định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh.
Một trong những công cụ để quản lý tốt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Sở GD&ĐT Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.
Sở đề nghị tất cả nhà trường căn cứ bộ chỉ số về chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT để rà soát các điều kiện hiện có, tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số về dạy học, kiểm tra, đánh giá, cập nhật thông tin thường xuyên lên trung tâm điều hành thông minh của ngành.
Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.