Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC"

Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai phong trào thi đua "Xây dựng THTT, HSTC"

(GD&TĐ) - Đây chính là chủ đề hội thảo do Dự án Phát triển THCS II phối hợp cùng Học viện Quản lý giáo dục tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 14-15/5/2010, tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu là cán bộ quản lý các trường THCS và học viên lớp Thạc sỹ Quản lý giáo dục – Học viện quản lý giáo dục.  

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Thực hiện phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” góp phần tạo dựng văn hóa học đường

Đây là ý kiến chung của các đại biểu tham gia hội thảo. Theo Tiến sỹ Trần Minh Hằng, Trưởng Khoa Giáo dục – Học viện Quản lý giáo dục, phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” do Bộ GD-ĐT phát động đã và đang được các nhà trường và dư luận xã hội quan tâm, hưởng ứng tích cực. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng nhằm xây dựng và thực hiện có hiệu quả văn hóa học đường.

Những ví dụ cụ thể từ các trường THCS trong cả nước đã cho thấy rất rõ điều này. Ví dụ như tại trường THCS Đống Đa, Hà Nội, nhờ có phong trào xây dựng THTT, HSTC, thầy trò gắn kết với nhau hơn, các hoạt động ngoại khóa được tích cực triển khai, tạo nên một luồng gió mới trong nhà trường. Nếp sống văn minh, lành mạnh cũng được HS trong nhà trường nhân rộng.

Còn tại trường Chi Khê – Con Cuông – Nghệ An, phong trào THTT, HSTC được ban giám hiệu, cán bộ giáo viên và HS hưởng ứng nhiệt tình, khiến cho môi trường sư phạm của ngôi trường luôn xanh, sạch, đẹp, sự thân thiện của thầy cô, việc tích cực học tập của học sinh mỗi ngày đã khiến cho thành tích học tập của nhà trường nâng cao rõ rệt. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Nguyệt trong phần trình bày tham luận của mình đã kết luận: Phong trào THTT, HSTC là đòn bẩy cho văn hóa học đường được nhân rộng. 

Vai trò của nhà quản lý trường học với phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” 

Theo Tiến sỹ Phùng Khắc Bình – nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên – Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng có vai trò quyết định trong việc triển khai phong trào thi đua ở mỗi trường. Do đó, hiệu trưởng cần phải có nhận thức đầy đủ vì mục đích, yêu cầu, nội dung của phong trào, có nhiệt tâm và sáng kiến để cụ thể hóa và huy động các lực lượng tham gia. Với phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” cũng vậy.

Còn PGS.TS Đặng Xuân Hải – ĐH Giáo dục – ĐHQGHN thì đặt ra hai câu hỏi: Thứ nhất: Làm thế nào để gắn việc “Xây dựng văn hóa nhà trường” với việc hiện thực hóa phong trào “Xây dựng THTT, HSTC”? Thứ hai: Vai trò của một cán bộ quản lý nhà trường trong việc “Xây dựng văn hóa nhà trường” và việc thực hiện các phong trào do ngành GD khởi xướng hiện nay? Đây cũng chính là những trăn trở của các hiệu trưởng trường THCS.

Kinh nghiệm được đưa ra là người cán bộ quản lý nhà trường cần là người cổ vũ, xúc tác; người hỗ trợ, hướng dẫn; người tạo ra các tình huống tích cực; người liên kết các nguồn lực; người duy trì sự ổn định. Nghĩa là người quản lý nhà trường cần phải hoàn thiện hơn nữa về trình độ cũng như về kỹ năng quản lý, để phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” không chỉ có tác dụng tích cực chung trong nhà trường mà còn là động lực để mỗi nhà quản lý có ý thức nâng cao hơn về văn hóa quản lý, văn hóa tổ chức và những vấn đề liên quan đến uy tín và tạo lập uy tín khi làm lãnh đạo, quản lý. Để làm sao sự “thân thiện” của nhà trường phải bắt đầu từ người hiệu trưởng. Sự tích cực của học sinh phải bắt đầu từ sự tận tâm của giáo viên. 

Các đại biểu tham gia hội thảo
 Các đại biểu tham gia hội thảo

Những kinh nghiệm quốc tế 

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm của các trường THCS trong nước về phong trào xây dựng THTT, HSTC, các đại biểu tham gia hội thảo đã có cái nhìn rộng hơn ra mô hình trường học thân thiện được triển khai trong khu vực và trên thế giới.

Đó là giáo dục về vệ sinh nước sạch cho trẻ em ở Sri Lanka; tiếp cận thân thiện hơn với trẻ em ở Nepal; việc triển khai toàn diện mô hình trường học thân thiện ở Campuchia…Đáng chú ý là mô hình các câu lạc bộ tại trường học ở Singapore với câu lạc bộ Xanh, câu lạc bộ kết bạn, câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, toán học, thuyết trình hùng biện… Đây chính là những chiếc cầu gắn kết các học sinh với nhau, gắn kết giáo viên với học sinh, gắn kết gia đình với nhà trường… rất hiệu quả. Các hoạt động của học sinh trong câu lạc bộ đã góp phần xây dựng nhân cách, tinh thần đồng đội và trách nhiệm; đưa ra các cơ hội đa dạng để phát triển cá nhân; phát triển các giá trị dân tộc và kỹ năng cá nhân; tăng cường sự hòa nhập xã hội…

Đại biểu Inthavong đến từ Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Giáo dục Lào, hiện là học viên lớp Thạc sỹ Quản lý giáo dục – Học viện Quản lý giáo dục, đã tham gia Hội thảo với bài tham luận: “Xây dựng THTT, HSTC, góc nhìn từ giáo dục Việt Nam đến giáo dục Lào” đã thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu.

Theo đại biểu Inthavong, trong quá trình học tập tại Việt Nam, nhiều cán bộ của ngành giáo dục, giáo viên, giảng viên, sinh viên Lào sau khi tốt nghiệp về nước đã có những ứng dụng từ lý thuyết, kinh nghiệm học tập tại Việt Nam vào thực tế công việc của mình. Theo đó, tinh thần về mô hình “trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở Việt Nam đã phần nào được thể hiện tại một số trường trung học cơ sở, trường phổ thông tại thủ đô Viên Chăn - Lào. Đáng chú ý hơn cả, đây lại là những ngôi trường mang đậm dấu ấn của sự hợp tác Việt – Lào. Một trong những điều được coi là “đương nhiên”  của cả thầy và trò trong trường học này chính là sự thân thiện. Bởi nếu không thân thiện, cởi mở, thầy và trò không thể hiểu được nhau để cùng học, cùng chơi, cùng tham gia thí nghiệm, cùng học tiếng Việt! Có nhiều cô giáo Việt Nam mới sang Lào dạy học, cô không thạo tiếng Lào nên đã dùng sự dịu dàng, thân ái để hiểu trò, để học thêm tiếng của trò, và cuối cùng, cô trò đã cùng một “kênh” giao tiếp. Còn học sinh Lào, do yêu quý cô giáo, yêu bộ môn tiếng Việt, đã tìm mọi cách để có thể “tiếp cận” với cô, để cô hiểu mình muốn nói gì, mình không hiểu gì… Mỗi giờ học trôi qua đều ghi nhận sự tích cực học tập của học sinh, tích cực đem tri thức đến cho các học trò yêu quý của giáo viên. Mỗi lứa học sinh mà các trường đào tạo đều được xã hội ghi nhận về chất lượng học tập và đạo đức. 

Tiến sỹ Trần Đình Châu – Giám đốc Dự án phát triển THCS II và PGS Trần Ngọc Giao – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đánh giá rất cao về chất lượng của các bài tham luận, trình độ của các đại biểu cũng như không khí học hỏi tích cực diễn ra trong 2 ngày hội thảo lần này.

Gần 2 năm triển khai phong trào “Xây dựng THTT, HSTC”, có thể thấy thành quả rất đáng mừng của phong trào từ các trường học trên cả nước. Và từ hội thảo, việc chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau sẽ còn tiếp diễn, khi các đại biểu đã có sự giao lưu, kết bạn và cả hẹn ngày gặp mặt tại cơ sở giáo dục để tận mắt tham quan, học hỏi. Đây cũng chính là điều mà ban tổ chức mong chờ nhất và cũng khiến ban tổ chức vui nhất, chứng tỏ sức lan tỏa của một phong trào đúng đắn đang được triển khai, nhân rộng trên khắp các trường học cả nước.

Diệu Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ