Chia sẻ kinh nghiệm mô hình nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập

GD&TĐ - Ngày 6/11 tại Hà Nội, đã diễn ra buổi toạ đàm trực tiếp về Mô hình Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập ở quốc tế và Việt Nam.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm hay về mô hình nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm hay về mô hình nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập.

Vì cộng đồng học tập

Cuộc tọa đàm do Tạp chí Giáo dục và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức có sự trao đổi trực tiếp với GS. Manabu Sato – cha đẻ của mô hình, và các diễn giả trong và ngoài nước về Mô hình Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập ở quốc tế và Việt Nam.

GS.TS Trần Văn Nhung và TS Nguyễn Vinh Hiển, Nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cùng các nhà nghiên cứu của Bộ GD&ĐT, Tạp chí Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các nhà quản lí giáo dục và giáo viên, đại diện các Tổ chức VVOB, Tổ chức Plan International Vietnam,... và gần 100 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham dự.

GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ mô hình nghiên cứu bài học vì cộng đồng.

GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ mô hình nghiên cứu bài học vì cộng đồng.

Theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Tiến Trung, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục: Những năm gần đây, mô hình Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập đã được triển khai rộng khắp tại nhiều địa phương trên cả nước ta như một cách tiếp cận mới nhằm phát triển chuyên môn cho giáo viên hiệu quả hơn.

Ở Việt Nam, mô hình này còn được gọi là Sinh hoạt chuyên môn theo Nghiên cứu bài học và hiện đã trở thành chính sách giáo dục quốc gia từ năm 2014. Gần đây nhất, tại Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 Hướng dẫn SHCM thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng đề cập hướng dẫn SHCM theo nghiên cứu bài học.

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&DT nói về những bài học hay trong triển khai.

TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&DT nói về những bài học hay trong triển khai.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, mô hình này đã bị thiếu đi những nền tảng quan trọng so với Mô hình nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập ban đầu, có thể làm giảm hiệu quả của việc học tập chuyên môn của giáo viên.

"Với mong muốn hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý giáo dục cấp địa phương, các nhà nghiên cứu giáo dục và các giáo viên trong nước hiểu rõ bản chất của mô hình này, một diễn đàn cộng đồng học tập đã được tổ chức để tạo bước tiến mới cho việc phát triển chuyên môn của giáo viên phổ thông". - PGS Nguyễn Tiến Trung chia sẻ.

Chia sẻ những kinh nghiệm hay

Tọa đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với gần 300 đại biểu dự online, đến từ các trường đại học, cao đẳng, các trường học tại các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Phước, Phú Yên, Hà Tĩnh, Phú Thọ,... cùng các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục rộng khắp trong mạng lưới VJE của Tạp chí Giáo dục.

Tại buổi toạ đàm, GS Manabu Sato đã chia sẻ những tư tưởng quan trọng của mô hình sinh hoạt chuyên môn nổi tiếng thế giới này. Đồng thời, một số chuyên gia, một số nhà quản lí, giáo viên trực tiếp triển khai mô hình này tại Việt Nam đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức và nhiều thành công từ quá trình nhiều năm triển khai mô hình này ở Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau.

GS Manabu Sato đã chia sẻ những tư tưởng quan trọng của mô hình cộng đồng học tập.

GS Manabu Sato đã chia sẻ những tư tưởng quan trọng của mô hình cộng đồng học tập.

Đặc biệt, trong buổi toạ đàm, GS Manabu Sato đã đưa ra những nội dung liên quan đến cuốn sách bằng tiếng Việt vừa xuất bản có tên Xây dựng Cộng đồng học tập. Cuốn sách trình bày những tư tưởng cơ bản, quan trọng và nhiều ví dụ thực tiễn và cụ thể về xây dựng cộng đồng học tập trong bối cảnh nhà trường hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới các trường học trên toàn cầu.

Những đổi mới trường học sau đại dịch Covid của GS Manabu Sato và trao đổi của các đại biểu đã cho thấy Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi của thế giới sau Đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu đổi mới nhà trường hơn bao giờ hết. Ba điểm quan trọng là sự đổi mới môi trường nhà trường, đổi mới giáo viên và đổi mới từng lớp học.

Cuối buổi tọa đàm, các giảng viên, nhà quản lí, nhà nghiên cứu đã cùng kết nối trong Mạng lưới Nghiên cứu bài học Việt Nam, đồng thời cùng gửi đi thông điệp quan trọng: Tại Việt Nam, cần thiết phải có sự kết nối giữa các giáo viên, các nhà trường với nhau để cùng thúc đẩy sự đổi mới trong cộng đồng học tập.

Mạng lưới được thành lập với mong muốn chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo Nghiên cứu bài học nhằm nâng cao năng lực quan sát, phân tích việc học của học sinh, năng lực suy ngẫm về bài học, năng lực điều hành, để từ đó cải thiện năng lực dạy học của giáo viên và đổi mới nhà trường Việt Nam. Mạng lưới dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động trực tuyến định kì và một số hoạt động trực tiếp cho các thành viên do các chuyên gia giáo dục dẫn dắt, sự hỗ trợ của GS. Manabu Sato và Mạng lưới Quốc tế vì Cộng đồng học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.