Hội thảo bàn về quan hệ lịch sử giữa Maroc và Việt Nam, là diễn đàn để các giáo sư danh tiếng, các nhà sử học, các chuyên gia Việt Nam cùng nhau thảo luận về những bài học được rút ra từ những kí ức lịch sử được sẻ chia giữa Maroc và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) - nhấn mạnh: Hội thảo sẽ đóng vai trò nền tảng trong việc phát triển hơn nữa quan hệ song phương giữa Maroc và Việt Nam, tăng cường hợp tác khoa học trong các chương trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, thúc đẩy hợp tác về văn hóa, học thuật giữa hai quốc gia.
Đại sứ Maroc tại Việt Nam Azzeddine Farhane nhấn mạnh: Hai nước tuy địa lý xa xôi nhưng gần gũi về lịch sử - cùng kiên cường đấu tranh vì độc lập tự do. Chúng ta cùng nhìn lại những ký ức lịch sử, xét với điều kiện hiện tại để cùng tìm ra chương trình hành động chung, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Trong tham luận tại hội thảo, TS. El Mostafa El Ktiri - Chủ tịch Cao ủy Những người kháng chiến và cựu thành viên quân giải phóng Maroc - cho biết: “Các mối quan hệ lịch sử giữa Maroc và Việt Nam bắt đầu từ cuộc chiến tranh Đông dương trong những năm cuối thập niên 1940 và bắt đầu những năm 1950, khi chính quyền bảo hộ của Pháp ở Maroc tập kết hàng nghìn thanh niên Maroc dưới ngọn cờ của quân đội viễn chinh Pháp.
Sau những năm tháng tham chiến tại Việt Nam, một lượng không nhỏ những người lính Maroc thuộc đội quân viễn chinh Pháp đã nhận thức về chính nghĩa và chủ động rời bỏ hàng ngũ để quay sang phía Việt Minh.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mỗi chúng ta có nhiệm vụ khắc ghi những ký ức lịch sử và văn hóa để giáo dục, tuyên truyền cho các thế hệ mai sau về những lý tưởng và các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, bác ái để hai dân tộc xích lại gần hơn và hiểu biết sâu sắc lẫn nhau, tạo điều kiện để phát triển hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực”.
Sau khi trình bày bản tóm tắt về những mối liên hệ lịch sử và triển vọng hợp tác giữa hai nước, GS.TS Nguyễn Văn Kim – ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - nhấn mạnh: Sự tương đồng về nhiều mặt giữa hai nước là những thuận lợi cơ bản đặt nền móng cũng như thúc đẩy hợp tác bền vững cùng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Còn Giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội Maroc – ông Abdellah Saaf - nhận định: Mối quan hệ lịch sử bền vững và sâu sắc giữa hai đất nước tạo đà cho hợp tác song phương. Chuyến thăm Việt Nam và hội thảo hôm nay là cơ hội tốt đẹp để xây dựng quan hệ hợp tác hiệu quả, thành công giữa Đại học Mohammed V và Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa khác.
Ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - nhấn mạnh, các tham luận tại hội thảo đã làm sáng rõ thêm lịch sử, mối quan hệ lịch sử giữa 2 nước, đồng thời tìm hướng để 2 nước tiếp tục gắn kết, cùng phát triển trên tinh thần đồng cảm, ủng hộ, chia sẻ vì lợi ích của nhau trên trường quốc tế.
Sau Hội thảo, các bên sẽ có chuyến thăm “Cổng Maroc” tại Tân Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội) - một danh thắng mang kiến trúc Maroc được xây dựng giữa những năm 1956 và 1960 bởi những người lính Maroc đã từ bỏ quân đội Pháp gia nhập Việt Minh trong cuộc chiến tranh Đông dương, phản ánh tình đoàn kết và tinh thần nhân văn giữa Maroc và Việt Nam.