Chuyện về các thầy “nuôi dạy hổ”
Trong số các tác phẩm dự thi Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2024, phóng sự phát thanh: Thầy “nuôi dạy hổ” trên miền non cao của nhóm tác giả Ngọc Hà, Ngọc Truyền, Thế Tiệp, Tiến Sỹ, Trọng Quân, Ngọc Lân, Văn Hà, Văn Thao (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu) đã đạt giải Ba.
Phóng sự gồm 2 kỳ với nội dung kể về những câu chuyện bám bản, bám lớp, vượt qua định kiến giới của các thầy giáo mầm non trên mảnh đất biên giới Lai Châu.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Lân, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu chia sẻ: Giáo viên mầm non từ xưa vốn được coi là nghề dành cho các giáo viên nữ bởi đây là công việc đặc thù, đòi hỏi sự khéo léo, dịu dàng, kiên nhẫn, tỉ mỉ với công việc cần “dỗ” nhiều hơn “dạy”. Vượt qua những định kiến giới, dị nghị, với tất cả nhiệt huyết vì học trò thân yêu, các thầy giáo ở tỉnh miền núi biên giới Lai Châu đã dũng cảm bước vào nghề “nuôi dạy hổ”.
Thông qua tác phẩm này, nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu muốn gửi lời động viên, chia sẻ đến các thầy giáo xông pha gieo chữ tại nhiều điểm trường vùng cao, đặc biệt khó khăn, quanh năm bao bọc bởi sương mù, với sự kiên trì, bền bỉ. Các thầy đã ươm mầm những con chữ đầu tiên, chắp cánh cho trẻ vùng cao viết lên ước mơ về một tương lai tươi sáng.
“Phóng sự Thầy “nuôi dạy hổ” trên miền non cao sẽ giúp quý vị thính giả thấy rõ hơn những vất vả, gian nan cũng như sự tận tâm, tận tụy hết lòng vì trẻ thơ của những người thầy dạy mầm non ở Lai Châu” – Nhà báo Nguyễn Ngọc Lân chia sẻ.
Kỳ 1 của phóng sự với tiêu đề Thầy “đặc biệt” đứng lớp “đặc biệt” kể về thầy Đao Văn Nguyên – giáo viên Trường Mầm non Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè. Thầy hiện đang đảm nhiệm giảng dạy lớp ghép 2 – 5 tuổi tại điểm bản Xà Phìn với 100% là đồng bào La Hủ.
Để mang con chữ lên vùng biên viễn này, việc làm đầu tiên của thầy Nguyên đó là phải học tiếng đồng bào và thực hiện “3 cùng” là cùng ăn, cùng ở và cùng nói tiếng đồng bào với nhân dân. Chính vì vậy mà tại điểm trường thầy đứng lớp suốt hơn 10 năm qua tỷ lệ chuyên cần luôn đạt cao.
Ngoài giờ lên lớp, chăm sóc các cháu nhỏ, những lúc rảnh rỗi, thầy Nguyên lại tay kìm, tay búa để làm mới khu vui chơi. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của thầy mà khu vui chơi trên sân trường luôn được sắp đặt gọn gàng, đẹp mắt và đảm bảo an toàn cho các em.
“Vừa mạnh mẽ và nghiêm khắc như một người cha, vừa ân cần, chu đáo, hết lòng dạy dỗ các em nhỏ 2 tuổi, năm đầu tiên đến lớp, đến trường. Nhìn cách thầy ân cần chăm sóc, từ lau mặt, rửa chân tay, đến dạy hát, tổ chức các trò cho các em chơi, cho các em ăn đến dỗ các em ngủ, chẳng chút ngại ngần hay nề hà bất cứ việc gì của một người trông trẻ. Tất cả, đều tỉ mỉ, cẩn trọng, với tình cảm yêu thương, trìu mến” – Nhà báo Nguyễn Trọng Quân, chia sẻ.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề là từng ấy năm thầy Nguyên xung phong đến các điểm trường xa xôi nhất để “gieo chữ, ươm mầm” ở các bản nghèo. Thầy đã chiếm trọn tình yêu thương của trẻ và sự quý mến, tin cậy của các bậc phụ huynh trên miền sơn cước Pa Vệ Sử.
Xóa bỏ định kiến giới tính
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, có nhiều núi cao, địa hình dốc. Toàn tỉnh có 20 dân tộc cùng sinh sống trong đó có một số dân tộc đặc biệt ít người như La hủ, Mảng, Cống…
Theo thống kê của ngành giáo dục Lai Châu, toàn tỉnh có hơn 30 thầy giáo mầm non trực tiếp tham gia đứng lớp. Do các thầy dạy học điểm trường vùng sâu, vùng xa nên đa phần phải thực hiện đứng lớp ghép trẻ từ 2-5 tuổi, giao thông đi lại khó khăn, cách xa trung tâm. Hơn nữa, đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa đồng đều nên còn bất đồng ngôn ngữ; kinh tế còn nhiều khó khăn.
Toàn tỉnh Lai Châu hiện còn thiếu hơn 970 giáo viên, trong đó bậc học mầm non thiếu 210 người. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra ở tất cả các địa phương nên hầu hết các thầy giáo mầm non đều xung phong nhận dạy học ở những điểm trường xa xôi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh.
“Khó khăn là vậy nhưng điều các thầy giáo mầm non phải nỗ lực vượt qua hơn tất cả đó là định kiến giới tính trong khi lựa chọn nghề” – Nhà báo Nguyễn Ngọc Lân cho biết.
Nói về cơ duyên đến với nghề, thầy Đao Văn Nguyên chia sẻ: Thời điểm chuẩn bị đi học mầm non và xin việc là quãng thời gian bản thân thầy phải tự đấu tranh nhiều nhất. Tuy gia đình rất ủng hộ, song lâu nay chỉ có nữ giới mới chọn nghề này. Bởi thế, việc bản thân lựa chọn theo ngành mầm non đã gặp phải những ánh mắt dò xét. Tuy nhiên với tình mến trẻ yêu nghề, thầy đã vượt qua những hoài nghi, dị nghị gắn bó với nghề.
“Anh em bạn bè cũng trêu đùa, lời ra tiếng vào vì tôi lựa chọn nghề này. Tuy nhiên, bỏ qua những lời thị phi, tôi quyết định mang cái chữ lên cho dân bản, cho các cháu với mong muốn tương lai của những đứa trẻ ở bản nghèo này sẽ tươi sáng hơn” - thầy giáo Đao Văn Nguyên xúc động nói.
Còn thầy Vàng Văn Anh, Trường Mầm non xã Nậm Chà cũng đã có 12 năm công tác. Mặc dù chỉ cách nhà gần 50km, nhưng chỉ những ngày cuối tuần, trời nắng ráo thì thầy mới có điều kiện về thăm nhà. Bất đồng về ngôn ngữ khiến cho công tác giảng dạy những đứa trẻ lên 2, lên 3 còn gặp khó khăn hơn.
Thầy Anh chia sẻ: “Ban đầu nhiều phụ huynh cũng nghĩ rằng một thầy giáo có dạy được như các cô không? Nhưng bằng những nỗ lực của bản thân, tôi đã tạo được niềm tin cho các phụ huynh cũng như tình cảm từ phía học sinh. Các em đến lớp đông đủ, tiếp thu những kiến thức mà tôi truyền đạt”.
Đi qua những điểm trường khó khăn nhất của xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, thầy Mùa A Câu đã trải qua không biết bao cảm xúc buồn vui. 15 năm gắn bó với nghề là chừng ấy năm thầy phải xa gia đình, gác lại niềm vui của tuổi trẻ để lặng lẽ, cần mẫn vượt suối, chèo đèo gieo chữ cho học sinh vùng cao.
Thầy Câu tâm sự: “Việc vào nghề đã khó khăn, trắc trở bởi phải vượt qua ánh mắt dị nghị, những lời xì xào của bạn bè, bà con xóm bản. Đến khi vào nghề lại càng khó khăn, gian nan hơn gấp nhiều lần. Là giáo viên người Mông nhưng được phân công lên điểm trường chủ yếu là học sinh người Mảng, do đó dẫn đến việc bất đồng ngôn ngữ. Tình trạng thầy nói trò không hiểu, và trò nói thầy không hiểu diễn ra trong thời gian dài. Do đó, bản thân cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Từng nhiều lần tham gia, đạt giải tại Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, nhà báo Nguyễn Trọng Quân cho biết: “Giáo dục Lai Châu còn nhiều khó khăn lắm. Có đi mới biết, mới hiểu những gian nan vất vả của các thầy cô giáo vùng cao. Tôi mong rằng, tác phẩm sẽ được lan tỏa để xã hội, người dân có cách nhìn nhận tích cực hơn, sẵn sàng sẻ chia cùng những thầy “nuôi dạy hổ” trên miền non cao”.
“Ấp ủ đề tài đã lâu nhưng khi được tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của các thầy giáo mầm non chúng tôi mới quyết tâm thực hiện đề tài này. Chúng tôi mong muốn qua tác phẩm này sẻ chia cùng với các thầy giáo mầm non. Đồng thời lan tỏa, tạo động lực để họ có thể vượt qua được định kiến để họ tiếp tục theo đuổi đam mê, bám trường, bám bản, đặc biệt là trong lúc Lai Châu đang thiếu rất nhiều giáo viên” - Nhà báo Nguyễn Ngọc Lân bày tỏ.