Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo: thêm giá trị “gia tăng” cho học sinh

GD&TĐ - Có không ít băn khoăn về hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể như bài toán về đội ngũ giáo viên, chế tài để gắn chặt trách nhiệm của địa phương, xã hội mới có thể đảm bảo hiệu quả của hoạt động trải nghiệm sáng tạo, bài toán về kinh phí… Thế nhưng, cho dù mức độ đậm, nhạt khác nhau, trên thực tế, lâu nay, các trường học vẫn thực hiện các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo dưới tên gọi là hoạt động ngoài giờ, hoạt động ngoại khóa.

Nhóm HS trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) tham gia Dự án Đà Nẵng - điểm hẹn Pháp ngữ thuyết trình sản phẩm
Nhóm HS trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) tham gia Dự án Đà Nẵng - điểm hẹn Pháp ngữ thuyết trình sản phẩm

Trải nghiệm không chỉ đơn thuần là tham quan, du lịch

Vẫn có quan niệm cho rằng, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo là đưa HS ra ngoài phạm vi nhà trường như đi tham quan, du lịch. Thế nhưng, theo cô Lê Thu – giáo viên Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thì “nếu chỉ dừng lại ở việc tham quan, du lịch thì chưa phải “trải nghiệm, sáng tạo”, mà phải có chương trình riêng, đặt ra mục tiêu, các nhiệm vụ mà HS cần đạt, có đánh giá theo thang điểm được giáo viên xây dựng…

Có thể xem câu chuyện sau như một minh chứng cho quan niệm này, một trường THPT ở Đà Nẵng tổ chức cho HS đi tham quan Thánh địa Mỹ Sơn - di sản văn hóa thế giới; khi ra về, đã có không ít HS nhận xét: sao giống cái lò gạch thế nhỉ. “Như thế, hoặc là công tác chuẩn bị cho chuyến đi không chu đáo, không có mục đích rõ ràng; hoặc HS đã không hề có hoạt động trải nghiệm trước và trong chuyến đi” - ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ THPT kể và nhận xét trong một hội nghị về mô hình trường học mới.

Ông Trần Ngọc - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Quảng Bình kể: “Tôi nhớ mãi giờ học về quang hợp do một thầy giáo người Ý đảm nhận mà chúng tôi được dự giờ trong một lần đi học tập ở nước ngoài: Thầy giáo cùng HS ra sân trường, ngắt một chiếc lá, lấy hộp quẹt ở trong túi ra bật lửa rồi hơ chiếc lá lên, quan sát chiếc lá và nhận xét cũng như lý giải sự đổi màu của lá. Chỉ có thế thôi nhưng HS được khắc sâu kiến thức”. Cũng từ đây, theo ông Trần Ngọc thì “bản chất của hoạt động trải nghiệm, sáng tạo không phức tạp nhưng do ông thầy cứ nghĩ là phức tạp và làm cho phức tạp”.

Một nhóm HS tham quan, trải nghiệm ở nhà máy dệt trong chương trình hướng nghiệp của nhóm Vút bay

Một nhóm HS tham quan, trải nghiệm ở nhà máy dệt trong chương trình hướng nghiệp của nhóm Vút bay

HS khối lớp 6 - 7, Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (Đà Nẵng) vừa có buổi học học tập thực tế tại một trang trại ở ngoại ô thành phố. Tùy theo từng khối lớp, các nhóm HS được phân công một số nhiệm vụ như: phân tích các điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu để tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp; giá trị kinh tế của các loại cây trồng tại trang trại; phân loại rễ cây, cấu trúc lá, cách sắp xếp lá trên cây; thực hành xếp luống, gieo hạt…

Với nhiều nội dung công việc được lồng ghép một cách khéo léo thông qua hoạt động nhóm, HS cũng được học phát triển kỹ năng sống và hướng nghiệp; làm bài thu hoạch và trình bày kết quả của nhóm sau buổi học.

Ở phần tích hợp hướng nghiệp, ngoài giúp HS hiểu được đặc thù của nghề nông, GV còn giới thiệu, hướng dẫn để HS có những trải nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch như sử dụng phân bón làm từ hữu cơ, cải tạo đất…

Hay như các HS khối THPT của Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky - Line (Đà Nẵng) đã thực hiện dự án Hoa hướng dương, với mục đích bán hoa tết gây quỹ ủng hộ bệnh nhi ung thư. Chỉ trong ngày đầu ra quân, toàn bộ số hoa do nhóm dự án đặt mua từ nhà vườn đã được bán hết; việc giao hàng cũng được các bạn HS nhanh chóng kết thúc trong ngày tiếp theo sau đó.

Tổng lợi nhuận thu được từ dự án Hoa hướng dương với 10,1 triệu đồng đã được các em góp vào Quỹ bệnh nhi ung thư của Sky - Line, góp phần cùng nhà trường làm dịu bớt những nỗi đau của các em bé kém may mắn không được hưởng mùa xuân trọn vẹn. Các em phải tính toán, cân nhắc từ việc chọn nguồn cung cấp hàng, tính toán giá cả làm sao để mua vào, bán ra hợp lý, lựa chọn cách giới thiệu hàng hóa, bán hàng…

Đó là một trải nghiệm không chỉ giúp HS hình thành được một số kỹ năng, mà còn giúp các em hiểu được ý nghĩa của sự lao động. Có rất nhiều hình thức phong phú có thể cho phép HS trải nghiệm ở nhiều cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất chính là sáng tạo, và trải nghiệm tại chỗ cũng là trải nghiệm.

Ai sẽ dạy hs hoạt động trải nghiệm sáng tạo

TS Trần Lăng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên băn khoăn, hiện nay, chưa có một trường sư phạm nào đào tạo giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo, “Vậy môn học này sẽ được đội ngũ giáo viên đảm đương như thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục?”.

PGS-TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng, hiện nay không có chương trình đào tạo giáo viên riêng cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo. “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngoài là một phương pháp tổ chức mà một môn học sử dụng thì còn là một hoạt động giáo dục thông qua sinh hoạt tập thể, các dự án học tập, các hoạt động xã hội, các loại hình câu lạc bộ khác nhau… mà trước đây chúng ta hiểu là những hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thế nên giáo viên nào được đào tạo sư phạm đều phải thực hiện được hoạt động này”.

Các giáo viên tiếng Pháp của Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đã tự tổ chức cho HS thực hiện dự án dạy học “Đà Nẵng - điểm hẹn Pháp ngữ” với mục tiêu vừa giúp HS có thể thực hiện một nhiệm vụ phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có tạo ra sản phẩm để giới thiệu về thành phố Đà Nẵng cho khách du lịch đến từ các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ.

Tùy theo từng đề tài, HS sẽ tiến hành tìm kiếm thông tin, đi thăm các địa điểm, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn… Em Nguyễn Hồng Ân - thành viên của nhóm thực hiện tập ảnh Người dân Đà Nẵng cho biết, để ghi lại những khoảnh khắc rất đời thường cùng những câu chuyện của mỗi nhân vật là điều không đơn giản, bởi “lúc đầu chúng em rất lúng túng khi tiếp cận, nhưng với sự chân thành của mình, chúng em đã được các nhân vật chia sẻ rất tự nhiên”.

Ngoài khó khăn về một số kỹ năng giao tiếp, Hồng Ân cho biết, nhóm của em cũng gặp khó khăn trong chuyển ngữ câu chuyện sang tiếng Pháp và đã được cô giáo giúp đỡ rất nhiều trong sử dụng từ, diễn đạt đúng ngữ pháp… Ngoài thêm cơ hội để rèn luyện ngoại ngữ, trong quá trình thực hiện dự án, HS còn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng khác như giao tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm…

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT, không phải tất cả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều do giáo viên đảm nhận: “Ví dụ như HS trải nghiệm ở bảo tàng thì giáo viên chỉ đóng vai trò là người lên kế hoạch, nội dung, chứ tại bảo tàng thì phải do nhân viên bảo tàng hướng dẫn, giáo viên làm sao hướng dẫn chuyên sâu được. Cũng như dạy về hướng nghiệp, thì rõ ràng là các chuyên gia tư vấn tâm lý hướng nghiệp hay các doanh nghiệp thành đạt, đại diện các nhà máy, xí nghiệp tổ chức trải nghiệm cho HS sẽ hiệu quả hơn”.

Ông Vũ Đình Chuẩn cũng cho biết, hoạt động trải nghiệm sáng tạo không hề mới mẻ, các nhà trường đều đã tổ chức thực hiện nhưng với mật độ ít hơn, “ví dụ như tiết chào cờ, sinh hoạt đầu tuần hay sinh hoạt lớp, lâu nay, giáo viên là người tổ chức, thực hiện, nay chúng ta đổi vai, GV chỉ là người thiết kế, HS đóng vai trò thi công, để cho HS “tự nhúng mình” vào trong các hoạt động, và đây cũng là quá trình giúp các em hình thành các phẩm chất, năng lực…”.

Nhiều trường THPT hiện nay, trong giờ chào cờ, ngoài những nội dung như đánh giá, tổng kết hoạt động trong tuần, triển khai kế hoạch tuần mới do Hiệu trưởng hoặc Bí thư Đoàn trường đảm nhận, thời gian còn lại, hoàn toàn do các lớp trực tuần “tự biên, tự diễn” như biểu diễn văn nghệ, hoạt cảnh, đố vui…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.