“Chìa khóa” hội nhập

GD&TĐ - Khái niệm chuyển đổi số trong GD-ĐT không phải mới nhưng năm 2020 được nhắc đến nhiều nhất và trở thành từ khóa “hot” của năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên, chuyên gia quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực ASEAN lại đánh giá cao ngành Giáo dục Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 29/9 cho thấy, việc học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, có 79,7% học sinh được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).

Ngay tại thời điểm đại dịch Covid-19 ở mức “báo động đỏ”, ngành Giáo dục Việt Nam vẫn chủ động và linh hoạt ứng phó theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thực tế đã chứng minh, chỉ sau khoảng 4 tháng triển khai, có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến. Bộ GD&ĐT đã tổ chức 4 cuộc thi quốc gia về thiết kế bài giảng E-Learning, nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên; từ đó tạo ra kho học liệu số hữu ích chia sẻ toàn quốc. Đến nay, đã có hơn 7.000 bài giảng E-Learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên Internet.

Điều đáng nói, ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô giáo đã tự làm video bài giảng, lập nhóm Zalo, Facebook và các ứng dụng khác để tổ chức dạy – học, hoặc các hoạt động giáo dục theo phương thức trực tuyến. Đó cũng chính là phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” của ngành Giáo dục. Những nỗ lực và quyết tâm của ngành trở thành điểm sáng và là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số. Điều này được Chính phủ, Quốc hội nhắc đến ở nhiều diễn đàn khác nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thậm chí, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới trong chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT. Nhận định này là có cơ sở, bởi Bộ GD&ĐT đã biến những khó khăn, thách thức thành thời cơ và động lực để phát triển số hóa trong GD-ĐT. Nói cách khác, ngành Giáo dục đã sớm nhận thấy những thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Theo đó, mọi thứ sẽ không còn như trước, lẽ tất nhiên GD-ĐT cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, cần xác định rằng, chuyển đổi số không phải là điểm đến mà là công cụ để dẫn chúng ta tới điểm đến. Vì thế, ngành Giáo dục cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời cần nỗ lực thay đổi hơn nữa nhằm bắt kịp với xu hướng mới – xu hướng số hóa. Qua đó, bảo đảm mọi trẻ em đều được hưởng lợi ích mà giáo dục mang lại. 

Song, để làm được điều này, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho giảng dạy, quản lý phải được phát triển trong trường học - nơi mà mỗi học sinh, sinh viên giáo viên, cán bộ quản lý đều có quyền và cơ hội sử dụng. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số, nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền trong cả nước, rộng hơn là khu vực và quốc tế.

Ai cũng biết, trong bối cảnh quốc tế hóa ngày càng sâu rộng, công nghệ chính là “chìa khóa” giúp các nhà trường phát triển và hội nhập. Mong muốn của chúng ta là, đào tạo ra những thế hệ “công dân số” – công dân toàn cầu. Đó sẽ là những công dân không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà còn có ý thức, thái độ và hành vi tốt. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ