Theo VNVC, trong số 13 đơn vị được lựa chọn lần này, VNVC là đơn vị được lựa chọn nhiều nhất với 100 đội trong tổng số 1032 đội tiêm chủng, đóng góp lực lượng đông nhất trong chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc của TPHCM với 350 cán bộ y tế, gồm 100 bác sĩ, 200 điều dưỡng, cùng 50 nhân viên Y tế hỗ trợ ở các khâu tổ chức hậu cần.
Toàn bộ đều là lực lượng tinh nhuệ có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ an toàn tiêm chủng, được đào tạo và có kinh nghiệm tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin đợt 1 từ ngày 8/3, đặc biệt là đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.
Với sự nhanh nhạy, chủ động, năng lực vượt trội và dám chấp nhận rủi ro lớn, VNVC là đơn vị đầu tiên mang 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về Việt Nam và chuyển giao hoàn toàn cho Bộ Y tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng vắc xin bằng đúng giá vắc xin mà VNVC mua từ AstraZeneca.
Mọi chi phí phát sinh để có thể mua được vắc xin này và mang vắc xin về nước cho đến khi chuyển giao cho Bộ Y tế sẽ do VNVC tự chi trả ước tính vài chục tỷ đồng.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vượt trội, đóng góp to lớn, kịp thời cùng Bộ Y tế tham gia triển khai tiêm chủng vắc xin cho tuyến đầu, nhất là tại những điểm nóng Covid-19, ngày 1/6/2021, VNVC vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Sở Y tế TPHCM, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu tại Công ty FPT Software TPHCM (lô E3-2.34.5, đường D2, Khu Công nghệ cao TPHCM, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức), với khoảng 400-500 người được tiêm.
Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian ngắn (5-7 ngày), ngành y tế TPHCM huy động 13 nhóm cơ sở y tế (bao gồm cơ sở y tế phường xã đến trung ương; các bệnh viện công lập và tư nhân; các viện và hệ thống tiêm chủng của VNVC).