Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 4/2022

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4; chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất...

Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.
Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4

Tại Thông báo 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa trong việc cung ứng, nhập khẩu và tiêm vắc xin cho trẻ em. 

Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4/2022. Hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong Quý II/2022 cho các đối tượng cần tiêm để các cháu đến trường an toàn trong các tháng học hè và bắt đầu năm học mới an toàn vào tháng 9/2022.

Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm, nhất là người cao tuổi (từ 60 trở lên), người có bệnh nền, công nhân trong các khu công nghiệp, người lao động ở khu đông người. 

Chính phủ ban hành chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Ngày 12/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Nghị quyết đặt mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán. 

Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03/12/2021, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 07/4/2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 14/4/2022.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán và thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.  

Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm

Ngày 19/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030.

Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới. Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các Bộ, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ODA, nhất là dự án trọng điểm, vốn lớn; phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60%GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP.

Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải

Ngày 10/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện 310/CĐ-TTg về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi (nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư), chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, bố trí cho đầu tư các công trình, dự án của địa phương phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện số 364/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt theo quy định; đồng thời khẩn trương lập quy hoạch 5 vùng: Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, hoàn thành việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia theo nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Hoàn thành Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022

Tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022 theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng; trên cơ sở đó rà soát, tổng hợp danh mục chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, hằng năm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.

Chủ trì, làm việc với các đối tác phát triển và các nhà tài trợ xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi,...), trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu,... và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vùng…

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện 366/CĐ-TTg ngày 21/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành Dự án, đặc biệt là 04 dự án thành phần hoàn thành năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ: Khẩn trương hoàn thành khối lượng còn lại của công tác GPMB nêu trên để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án trong tháng 4 năm 2022; chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng nêu trên; chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và địa phương.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng; công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu xây dựng cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá vật liệu xây dựng tại khu vực xây dựng Dự án.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương về việc phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5/2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ động có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, chú trọng các tuyến khu vực có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công; chủ động tạm dừng thu phí, xả trạm để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; yêu cầu người điều khiển phương tiện tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra TNGT đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa.

Tập trung thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm nghiêm trọng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định và quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, lái xe điều khiển phương tiện lưu thông trái phép vào làn thu phí điện tử không dừng (ETC), vi phạm khi qua đường ngang, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn;…

5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy

Chính phủ ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5

Ngày 25/4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số 381/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch trên địa bàn, chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch; ngăn chặn tình trạng không niêm yết giá công khai và không bán đúng giá niêm yết, kinh doanh du lịch, lữ hành trái phép, lừa đảo, trục lợi, chèo kéo, nài ép khách du lịch vào dịp cao điểm. 

Tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” quan trọng để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Một trong những “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số là vấn đề chia sẻ dữ liệu.

Để tiếp tục phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Trong đó cần lưu ý việc triển khai Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) phải thiết thực, hiệu quả, bền vững. Thời hạn hoàn thành tháng 6 năm 2022.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm; triển khai theo kế hoạch hàng năm sử dụng hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc bảo đảm trung tâm dữ liệu và nền tảng, dịch vụ điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số, chính quyền số tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp….

24 dịch vụ công trực tuyến cần sớm được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, có 24 dịch vụ công trực tuyến cần sớm được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia như: Xác nhận thông tin về cư trú; đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; đăng ký biến động quyền sử dụng đất; thanh toán viện phí trực tuyến…

Cơ chế hỗ trợ dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia

Cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia được quy định cụ thể tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ.

Về nguyên tắc quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị định quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện; thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất hoặc theo thời hạn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 10 Nghị định này; tăng cường huy động vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân.

Ưu tiên sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ thực hiện các dự án, kế hoạch phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; các dự án, mô hình thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay hỗ trợ nhà ở không quá 40 triệu đồng/hộ

Ngày 26/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm: Hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ (đối với cho vay hỗ trợ đất ở), 40 triệu đồng/hộ (đối với cho vay hỗ trợ nhà ở).

Hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến 10 triệu đồng/học sinh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Quyết định nêu rõ, học sinh, sinh viên đáp ứng các điều kiện vay vốn được vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Trường mầm non, tiểu học dân lập được vay vốn lãi suất 3,3%/năm để duy trì hoạt động

Ngày 27/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo đó, mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.

Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Đồng tiền cho vay và trả nợ bằng đồng Việt Nam. Lãi suất cho vay 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Mức giảm giá cước dịch vụ bưu chính không vượt quá 50% giá cước gần nhất

Ngày 12/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.

Trong đó, Nghị định bổ sung Điều 15đ về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính. Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.

Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.

Điều kiện, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tại 4 tỉnh, thành phố

Ngày 6/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Cần Thơ tại các Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm là phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…

Đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tài chính, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Theo đó, Bộ Y tế khẩn trương công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức tập huấn chuyên môn về xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định.

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách bảo đảm 100% phòng y tế tại các cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện là cơ sở xác định tình trạng nghiện.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ