Chỉ dẫn địa lý Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột: Đã có tín hiệu tích cực

GD&TĐ - Ngày 9/8, ĐH Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức Hội thảo Chỉ dẫn địa lý Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột.

Hội thảo Chỉ dẫn địa lí Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột tại điểm cầu Đà Nẵng
Hội thảo Chỉ dẫn địa lí Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột tại điểm cầu Đà Nẵng

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 2 điểm cầu Đà Nẵng và Đắk Lắk.

Chương trình có sự tham gia của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê tại thành phố Buôn Ma Thuột, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từ Viện AIIT, Nhật Bản, khoa Thực phẩm và Viện Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Nguyên ĐH Đông Á.

Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong 3 sản phẩm được phê duyệt dự án đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 cùng với vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận. Trong đó, đến nay, cà phê Buôn Ma Thuột là sản phẩm vẫn chưa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản do sự khác biệt về quy định pháp luật và quy trình xét nghiệm của Nhật Bản.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu hàng nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu hàng nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã đăng ký và được bảo hộ ở nước ngoài tại 32 quốc gia dưới 3 hình thức: chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa và nhãn hiệu tập thể. Nhật Bản là thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều sản phẩm cà phê từ Việt Nam, đặc biệt từ Buôn Ma Thuột. Trong 2 năm gần đây, xuất khẩu cà phê nhân Buôn Ma Thuột sang Nhật xấp xỉ 30 ngàn tấn/năm với kim ngạch gần 50 triệu USD/năm.

Năm 2013, cùng với việc đăng ký bảo hộ tại 17 thị trường quốc tế, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sang Nhật dưới hình thức “Nhãn hiệu tập thể”. Sau 3 tháng xét duyệt, đơn đăng ký tạm thời bị từ chối do nhãn hiệu không có khả năng phân biệt sản phẩm và còn phải chứng minh “Buon Ma Thuot Coffee” nổi tiếng với người tiêu dùng Nhật Bản.

Đến năm 2019, trong chương trình hợp tác song phương về Sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Nhật, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đưa vào danh mục đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Tháng 4/2019, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp tại Nhật nộp tới Bộ Nông Lâm Nghiệp Nhật (MAFF). Lần này hồ sơ đăng ký cũng được yêu cầu phải bổ sung nhiều nội dung tạm thời nằm ngoài khả năng đáp ứng của chủ đơn đăng ký là Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột.

“Do đó chúng tôi tạm dừng theo đuổi đơn và đang tìm nguồn lực xúc tiến một số nghiên cứu khoa học để bổ sung hồ sơ. Dự án hợp tác song phương về Sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam với Nhật Bản đã kết thúc cuối năm 2021, do đó chúng tôi đang gặp một số khó khăn trong việc tìm nguồn lực để tiếp tục công việc đã nêu” - ông Trịnh Đức Minh cho biết.

Theo GS. Azusa Uehara – thành viên Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) thì số lượng đăng ký chỉ dẫn địa lý (GI) ở Nhật Bản chỉ là 111, ít hơn so với các nước châu Âu và Mỹ.

Với dự án “Tăng cường năng lực thương hiệu và nhận diện sản phẩm nông nghiệp thông qua đăng ký chỉ dẫn địa lý Nhật Bản”, GS. Azusa Uehara kỳ vọng không chỉ thúc đẩy các tổ chức sản xuất ở nước ngoài có chỉ dẫn địa lý tại Nhật có thể thâm nhập thị trường Nhật với sức mạnh thương hiệu được nâng cao, đồng thời cũng nhằm giúp người tiêu dùng Nhật Bản hiểu biết sâu sắc hơn về các sản phẩm ở nước ngoài và mua được các sản phẩm chất lượng, an toàn với giá cả phải chăng".

Tại Hội thảo, GS. Azusa Uehara cũng trình bày quy trình hướng dẫn đăng ký chỉ dẫn địa lý Nhật Bản đối với cà phê Buôn Ma Thuột. Theo đó, Viện AIIT sẽ đồng hành cùng các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã có chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam trong quá trình thực hiện hồ sơ để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Phiên thảo luận của hội thảo là diễn đàn trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sôi nổi từ các nhà sản xuất cà phê tại Buôn Ma Thuột với các chuyên gia từ Viện AIIT, Nhật Bản, qua đó đề xuất các giải pháp phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đặc biệt là chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, giúp bảo vệ, nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ