Chỉ có ở Việt Nam: Đẽo sọ người chết thành đồng xu

Sọ người chết sẽ được đẽo thành những đồng xu nhỏ để nhập vào phiến đá trong các khu mộ, với quan niệm người chết sẽ được bất tử theo thời gian.

Người Chăm ở Ninh Thuận.
Người Chăm ở Ninh Thuận.
Quan niệm con người bất tử

Ninh Thuận là địa bàn sinh sống của đông đảo người Chăm. Có tới hơn 60 ngàn người chủ yếu tập trung ở hai huyện Ninh Hải và Ninh Phước; bao gồm hai hệ phái Chăm Bàni (theo đạo Hồi) và Chăm Bàlamôn (theo đạo Bàlamôn). 

Trong đó, cộng đồng Chăm Bàlamôn (trong bài này gọi tắt là người Chăm) có tục hỏa táng người chết rất đặc biệt, dễ khiến người ngoài “nổi da gà” trong lần đầu biết đến.

Các cụ già Chăm cho biết, cộng đồng họ quan niệm cái chết không làm đứt quãng mối quan hệ giữa người chết và người sống. Con người chết đi chỉ là sự chuyển đổi từ thế giới này sang thế giới khác, và có thể mang đến điều tốt đẹp hay tai vạ cho người đang sống. 

Để tiếp tục tham gia vào công việc hàng ngày tại “nơi ở” mới, linh hồn người chết cần được siêu thoát. Tục đẽo sọ người khi hỏa táng bắt nguồn từ quan niệm trên.

Tục hỏa táng có nhiều nghi lễ phức tạp, có sự phân biệt giữa các tầng lớp trong xã hội. Tài liệu nghiên cứu về văn hóa Chăm giải thích điều này do một phần ảnh hưởng của tàn dư chế độ đẳng cấp Bàlamôn ở Ấn Độ, phân biệt người giàu, người nghèo…
Tục cũng quy định người chết dưới 15 tuổi chỉ chôn, không được thiêu. Với người từ 15 tuổi trở lên, người Chăm chia thành hai trường hợp: Chết bình thường (vì bệnh, vì già cả) sẽ được thiêu tươi; và chết không bình thường (vì tai nạn xe cộ, vì thú dữ, chết vào ngày hết trăng, mùng một) sẽ được thiêu khô.
Trường hợp thiêu khô còn bao gồm lí do khác như: Gia đình người chết không có tiền bạc, họ chôn tạm, chờ khi có tiền, chọn ngày lành tháng tốt để hỏa thiêu. Ngoài ra, trường hợp khi hấp hối có sự chứng kiến của người thân được xem là “chết tốt”, ngược lại là “chết xấu”.
Gửi xương vào đá để vĩnh hằng
Tài liệu nghiên cứu về văn hóa Chăm cho thấy, trước đây trong lễ hỏa thiêu, thân nhân đều cạo trọc đầu để thể hiện sự thương nhớ đến người quá cố. Tuy nhiên tục lệ đã thay đổi theo thời gian.
Hiện nay, người thân chở thi hài đến điểm hỏa táng, đưa lên đống củi, rồi im lặng để cho người chết ra đi trong yên ả. Tiếp đến, thầy cúng tay cầm mồi lửa cháy to, châm vào các mồi sáp đặt vào đống củi để ngọn lửa bừng lên. Khi đám cháy đã khá lớn, thầy cúng mới rút gậy ra. Lửa bén vào quần áo, chăn màn, nồi, ché rồi đến thi hài.
Nửa giờ sau, thầy cúng cùng với người con cả của người chết (hoặc một họ hàng thân thích) cầm cây rựa, cuốc và cái hộp đựng đầu, lấy rựa chặt đầu thi hài rời khỏi cổ, sau đó móc hộp sọ.
Những người khéo tay sẽ đem hộp sọ gọt giũa thành chín mảnh xương đối với nữ, bảy mảnh đối với nam. Hình thù mỗi mảnh nhỏ bằng đồng xu, được cất giữ trong một cái hộp để thờ tự. Sau khoảng thời gian 5 - 10 năm, hoặc chờ đủ 15 - 20 năm sẽ đem làm lễ nhập Kut bên tộc họ mẹ.
Kut là nơi thờ cúng chung của dòng họ theo chế độ mẫu hệ, mỗi người Chăm từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều mang tâm niệm phải trở về yên nghỉ bên mảnh đất của dòng họ mẹ, được làm lễ nhập Kut và hóa kiếp với tổ tiên dòng họ.
Người Chăm ở Ninh Thuận vẫn giữ tục hỏa táng.
Người Chăm ở Ninh Thuận vẫn giữ tục hỏa táng.
Do đó Kut là nơi linh thiêng, quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Chăm. Các nghĩa địa Kut thường nằm ở những nơi đồng không mông quạnh, vắng người qua lại và đều được quét màu sơn sặc sỡ, mang lại cảm giác ấm áp.
Các Kút được xếp hàng ngang hướng về phía Bắc, vị trí ở giữa thường của người sáng lập ra dòng họ, bên phải là tượng Kut của nữ giới, bên trái là tượng Kut của đàn đông.

Sau lễ cúng bái, cầu nguyện, lễ nhập Kut sẽ được tổ chức vào buổi chiều do thầy cúng đảm nhận. Lúc này những đồng xu hộp sọ đã được tẩy trần bằng nước mưa tinh khiết, bằng rượu nồng thơm tho. 

Trước sự chứng kiến của gia đình, những già làng, các vị chức sắc và đông đảo người dân, thầy cúng sẽ gom các hộp chứa các mảnh xương, chôn xuống dưới tượng Kut khoảng nửa mét.

Ông Đạo Học Trò (người Chăm, ngụ huyện Ninh Hải) cho biết: “Người Chăm cho rằng những mảnh xương sọ theo thời gian sẽ bị mục nát, nếu được làm lễ và nhập Kut mới tồn tại. Đó là quan niệm về sự vĩnh hằng và bất tử của linh khí con người”.

Trải qua hàng trăm năm, người Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận vẫn giữ tục lệ cổ xưa, coi đó là nghĩa vụ, là cách thể hiện sự kính trọng đối với người đã khuất. 

Để các nghi thức trở nên nhẹ nhàng hơn, hiện nay, mỗi hộp sọ người chết chỉ chọn lấy một mảnh xương trán, đẽo thành một đồng xu duy nhất, còn tất cả những phần xương cốt khác đều được đem hỏa thiêu. 

Họ tin rằng ngọn lửa thiêu chỉ làm cháy phần xác, phần hồn vẫn còn, nếu được nhập Kut sẽ trở nên bất tử.

Theo Theo Báo Pháp luật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ