Chèo thuyền tìm chữ

Chèo thuyền tìm chữ

(GD&TĐ) - Những chiếc thuyền nan nhỏ tưởng chỉ để người lớn dùng làm phương tiện sinh hoạt gần các bờ sông, nhưng ở xã Xuân Thái, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) thuyền không còn xa lạ với các em học sinh nơi đây, bởi đó là phương tiện mà hàng ngày các em tới trường để mong học chữ.

Nhọc nhằn tới lớp

Các em chèo thuyền về nhà sau giờ tan học
Các em chèo thuyền về nhà sau giờ tan học

Trường THCS Xuân Thái thuộc làng Lúng, xã Xuân Thái – một trong những xã khó khăn nhất của huyện Như Thanh. Nhiều em học sinh ở đây ngày nào cũng tự chèo thuyền qua hồ Sông Mực để tới trường. Việc chèo thuyền đã trở thành quen thuộc với các em từ những ngày nhỏ.

Chúng tôi đến bến đỗ tại thôn Ao Ràng, nơi hàng ngày nhiều em học sinh vẫn chèo thuyền vượt sông tới trường. Xin các em được quá rang sang bên kia bờ, chúng tôi thấp thỏm không khỏi lo sợ khi nhìn những chiếc thuyền nan đang bập bềnh dưới nước. Không quen với sông nước nên loay hoay mãi tôi mới lên được thuyền. Chiếc thuyền nhỏ chòng chành rồi từ từ di chuyển.

Em Bùi Thị Trang, học sinh lớp 9B, Trường THCS Xuân Thái, thấy vẻ mặt hơi căng thẳng của tôi liền trấn an: Nhà em ở thôn Ao Ràng, ngay từ khi học tiểu học em đã đi học bằng thuyền. Hôm thì được bố mẹ đưa đi, có những hôm bố mẹ bận đi làm em lại đi cùng các anh chị học lớp lớn. Lên lớp 6 là em đã tự đi thuyền tới trường. Ngày nào cũng đi thuyền bập bềnh trên nước, các em cũng quen rồi. Bây giờ, em đã trở thành một tay chèo cừ khôi. Rồi các em đều cười vang.

Dưới ánh nắng sớm mai gió nhè nhẹ, thời tiết có vẻ thuận lợi nhưng trên lưng Trang vẫn ướt đẫm mồ hôi. Em nói: Những bạn đi thuyền chủ yếu là nhà ở ven hồ Sông Mực (thuộc làng Ba Bái, Ao Ràng và làng Lúng), từ nhà tới trường qua khoảng 2km trên mặt hồ. Các bạn ở gần nhà nhau thì rủ nhau cùng đi, thường thì trên thuyền khoảng từ 4 - 5 bạn. 

Em Quách Văn Tình, học sinh lớp 6A, Trường THCS Xuân Thái nói: Những hôm trời mưa hoặc có gió, việc chèo thuyền vất vả hơn, chiếc thuyền cứ xoay tròn khiến các em phải đánh vật với nó, nên cũng thường xuyên phải tới lớp muộn.

Các em cho biết, những chiếc thuyền nan này được gia đình tự đan bằng tre nứa. Ở ven hồ Sông Mực, nhà nào cũng có thuyền để tiện việc đi lại. Trên những chiếc thuyền mỏng manh, các em học sinh nơi đây vẫn hàng ngày thử thách với sóng gió để mong tới trường học chữ.

Hơn 30 phút sau, thuyền chúng tôi mới “cập bến” làng Lúng, các em thoăn thoắt lên bờ buộc thuyền cố định vào một gốc cây. Không để ý đến đôi chân vẫn còn lấm lem bùn đất, các em lại vội vàng đến trường cũng vừa lúc trống trường vang lên. 

Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu phó Trường THCS Xuân Thái tâm sự: Các em học sinh ở đây đi học rất vất vả. Trước đây, hầu hết các em đi học bằng thuyền. Gần đây, nhà trường có được hỗ trợ xây một khu nhà bán trú dân nuôi. Tuy nhiên, nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn, không thể chu cấp chi phí cho các em ở lại nên các em vẫn phải đi lại hàng ngày bằng thuyền. Thầy cô giáo ở đây rất lo lắng cho các em, nhất là những hôm thời tiết thay đổi, việc đi lại trên sông nước rất nguy hiểm, những tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mong ước giảm bớt những khó khăn cho học sinh

Những con thuyền nhỏ nhoi hơn giữa sóng nước mênh mông. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Những con thuyền nhỏ nhoi hơn giữa sóng nước mênh mông. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Trường THCS Xuân Thái có tất cả 192 học sinh, trong đó có 96 học sinh đang ở lại bán trú. Khu bán trú có 10 phòng, nhưng vì điều kiện là xã khó khăn của huyện, dân cũng nghèo nên chỉ mới 3 phòng là có giường cho các em ngủ, còn lại các em phải trải chiếu dưới đất để ngủ và sinh hoạt. 

Chúng tôi ghé thăm khu bán trú của Trường THCS Xuân Thái, nhiều em đang ăn vội bữa cơm trưa (chỉ cơm và bát muối bột canh) rồi lại tranh thủ nằm dài xuống chiếu ôn lại bài cho buổi học chiều. Nhìn những căn phòng trống tênh, không giường, chiếu, bàn học … chỉ có vài cuốn sách vở đặt ở góc phòng và vài cái nồi nhỏ đã cũ để nấu cơm. Cô Hà cũng là người phụ trách khu bán trú tâm sự: Nhà các em nghèo, nên cũng không có tiền để cho các em mua thức ăn. Thương các em, cứ mỗi tháng thầy cô giáo ở đây lại góp 20.000 đồng để nấu cải thiện một bữa cho các em.   

Ông Hàn Văn Huyên, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thái cho biết: Hiện tại nhà trường và UBND xã đã gửi văn bản lên UBND huyện Như Thanh và ngành chức năng xin thành lập Trường PTDT bán trú THCS Xuân Thái, để các em học sinh ở đây đỡ khó khăn, vất vả hơn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 85/2010/TTg và Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT - BGDĐT-BTC-BKHĐT của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông bán trú, thì học sinh bán trú phải cách trường từ 7 km trở lên và trường PTDT bán trú THCS phải có 50% trở lên số học sinh ở bán trú.

Nhưng, Thông tư cũng nêu rõ: “Đối với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Học sinh đi học phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá, tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh) quy định cụ thể số km và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày cho từng cấp học”.

Vì vậy, Trường THCS Xuân Thái chỉ có hơn 60 học sinh đi học xa từ 7 km trở lên và có 30 học sinh cách trường dưới 7 km nhưng phải đi qua sông và suối nguy hiểm đến tính mạng của các em, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét sớm có quyết định thành lập Trường THPT bán trú THCS Xuân Thái để các em học sinh Xuân Thái giảm bớt những vất vả khi đến trường. 

Cô Nguyễn Thị Hà cho biết thêm, nếu Trường THCS Xuân Thái được chuyển đổi thành Trường PTDT bán trú THCS Xuân Thái, các em học sinh sẽ được chăm sóc tốt hơn, việc ăn ở, sinh hoạt cũng đỡ vất vả. Những em đi thuyền tới trường cũng không còn phải thấp thỏm, lo âu mỗi khi trời bất chợt nổi gió, mưa to…   

Chúng tôi ra về cũng là lúc các em học sinh tan học. Đã hơn 11h trưa, gió thổi mạnh hơn khiến những chiếc thuyền nan càng trở nên mong manh. Có lẽ đã đói bụng nên những tay chèo cũng nặng nhọc hơn. Thuyền của các em dần xa bờ, những con thuyền như nhỏ nhoi hơn giữa sóng nước mênh mông.

 Nguyễn Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.