Rằng vui thì thật là vui…
Cũng như nhiều kỳ cuộc liên hoan khác, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 diễn ra ở Bắc Giang hồi cuối tháng 9 vừa qua được đánh giá là kỳ lễ hội đến hẹn lại lên vô cùng… tưng bừng.
Với giới nghệ sĩ, còn gì vui hơn khi đây là cuộc hội ngộ 3 năm một lần của cả nghìn người: Đạo diễn, họa sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên… Bao người bạn lâu rồi mới gặp rủ rỉ chuyện đời, chuyện nghề. Những người bạn mới quen được kết nối trong những dự án mới.
Và đây cũng là cơ hội để mỗi người khoe nghề với bạn bè, đồng thời nếu suôn sẻ thì sẽ có thêm những tấm huy chương vàng, bạc… bổ sung vào tập hồ sơ thành tích hoạt động nghệ thuật của mình để sau đó là điều kiện để Nhà nước xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Đó là 26 đêm diễn với 26 tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật trau chuốt đem tới liên hoan. Theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, mỗi vở chèo có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.
Từ nội dung tư tưởng ấy, các tác giả thể hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo thể tài chính kịch tâm lý xã hội, sinh hoạt tả thực, anh hùng ca và cả bi kịch, bi hài kịch lẫn luận đề trong kết cấu tự sự - kịch tính - trữ tình - có hậu của truyền thống với những lớp trò nối tiếp lớp trò bằng thủ pháp ước lệ - cách điệu - tượng trưng theo mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách đặc định…
Đặc biệt, liên hoan chèo lần này được đánh giá là thắng lợi khi tất cả các suất diễn khán giả phủ kín ghế ngồi. Cũng bởi lẽ đây là cơ hội để người dân Bắc Giang (phần lớn là những người lớn tuổi) được thưởng thức miễn phí 26 vở chèo trong suốt nửa tháng trời.
Chính vì vậy, các buổi diễn khán giả đã đến xem luôn chật kín cả lối đi, thậm chí có những buổi diễn khán giả còn phải đứng phía ngoài hội trường chỉ để… nghe tiếng hát chèo vọng ra!
Sau mỗi suất diễn, bà con lại được luận bàn về chuyện xưa, chuyện nay từ ngợi ca những con người nghĩa cử có trí có nhân đến phê phán những thói nhỏ nhen, ích kỷ... mà mỗi vở chèo dẫn dụ.
Dẫn chứng thêm về chuyện này, nhà viết kịch Lê Quý Hiền chia sẻ: Lần đầu chứng kiến cảnh khán giả mang bánh mỳ, cơm nắm đến điểm diễn từ 18 giờ (trước giờ mở màn 2 giờ) để giữ chỗ.
Đêm diễn nào cũng chật lối đi, khán giả tràn sát hai bên cánh gà sân khấu. “Giám khảo phải đến trước giờ diễn 30 - 40 phút, không thì không thể vào tới bàn giám khảo vì... hết lối đi” – ông Lê Quý Hiền dí dỏm nói.
Mà sao vẫn… khát?
Vui mừng khi khán giả vẫn say sưa với chèo nhưng PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 không khỏi băn khoăn về những “nỗi khát” của sân khấu chèo hôm nay. Chẳng phải sao, trong 26 vở diễn tham gia liên hoan chỉ có 2 vở diễn được dàn dựng từ đề tài hiện đại (“Điều còn lại” và “Rồng Phượng”) còn 24 vở diễn đều mang xu hướng hoài cổ, dàn dựng đề tài quá khứ, tích dân gian.
Chính vì thế theo ông Trắc, việc đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ nên các vở diễn hiếm tích hay, trò lạ làm ngỡ ngàng khán giả. “Dù rằng đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa ngang tầm đòi hỏi của khán giả” – PGS.TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh.
Góp thêm vào câu chuyện này, tác giả Lê Quý Hiền nêu chi tiết: Có vở khán giả thích nhưng lạc đề sang sân khấu lễ hội chứ không phải sân khấu chèo. Có vở rất chèo nhưng là của các cụ giống như đường quốc lộ có sẵn, rải thêm tí nhựa đường rồi thành của mình và lập trạm BOT.
Trong khi đó, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lý giải, sân khấu chèo thiếu tích hay, trò lạ cũng vì quy chế của liên hoan chấp nhận những tác phẩm phục dựng, vì thế nhiều đơn vị nghệ thuật nương theo đó mà chọn vở diễn đã được dàn dựng trước đó để dự thi.
Nhưng nguyên nhân căn bản nhất vẫn là thiếu những kịch bản hiện đại hay, thiếu đội ngũ sáng tác trẻ. Tuy nhiên, thực tế này lại thể hiện nghịch lý hàng năm hội vẫn thường xuyên mở các trại sáng tác và trao thưởng cho những kịch bản văn học xuất sắc, trong đó có nhiều kịch bản hiện đại, vậy mà sao thiếu vắng những vở diễn được dàn dựng từ những kịch bản này?
Cùng với câu chuyện khát tích hay, trò lạ, tác giả Hoàng Thanh Du còn băn khoăn chuyện kịch hóa chèo. Tác giả cho rằng có gì đó sai sai khi xem những vở diễn không còn là sân khấu chèo. “Xem các vở mới nhớ cụ Tào Mạc, cụ viết chèo theo tích sử nhưng vẫn thấy chèo.
Giờ chỉ khi hát mới biết đấy là chèo. Tôi nhớ vở nào cụ cũng dùng hề để tương tác cái cũ và cái mới rất đặc thù của chèo. Giờ hầu như không thấy nữa. Đây cũng là sự bế tắc của sân khấu chèo hiện nay, mới thì không ra mà cũ bị gọi là nhai lại. Khó, rất khó sân chơi này bỏ ngỏ đợi chờ các tác giả…” – ông Hoàng Thanh Du ngẫm ngợi.