Chênh lệch giới tính khi sinh lan rộng

GD&TĐ - Cùng với tốc độ già hóa dân số, chênh lệch giới tính khi sinh không còn là chuyện của mỗi gia đình mà dần ảnh hưởng đến toàn xã hội. 

Chênh lệch giới tính khi sinh lan rộng

Chênh lệch giới tính khi sinh được cảnh báo từ vài năm nay và kèm theo đó là các biện pháp để hạn chế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chênh lệch giới tính khi sinh dường như chưa có dấu hiệu chậm lại, thậm chí có nơi còn gia tăng.

Lan rộng

5 tháng đầu năm, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn Hà Nội giảm khá mạnh trong khi tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức 114,4 bé trai/100 bé gái.

Theo nhận định của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra phức tạp bởi tỷ số này luôn cao hơn trung bình cả nước. Ngay cả năm 2015, khi Hà Nội khống chế được tỷ số giới tính xuống mức thấp nhất trong gần chục năm qua, đạt 114/100 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức bình quân cả nước (112,7/100).

Còn theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng và ngày càng lan rộng. Khảo sát cho thấy tốc độ tăng tại khu vực nông thôn là 0,6 điểm/năm, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng cả nước (0,4 điểm/năm). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện tại cả 6/6 vùng kinh tế xã hội của cả nước.

Năm 2016, chỉ tiêu khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh là dưới 0,4 điểm phần trăm. Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong 3 tháng đầu năm 2016, số trẻ nam là 116.897 trẻ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015; số trẻ nữ là 103.079 trẻ, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính 6 tháng đầu năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng so với năm 2015 (128,5/100). Với diễn biến như hiện nay, năm 2016, chỉ tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh khó đạt kế hoạch.

Nhu cầu người dân vẫn cao

5 tháng đầu năm, tổng số trẻ được sinh ra trên địa bàn Hà Nội là 37.715 trẻ, giảm 1.518 trẻ so với cùng kỳ năm 2015. Theo ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, điều này cho thấy người dân Thủ đô đang có xu hướng sinh ít con hơn. Dù vậy, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên của thành phố vẫn ở mức khá cao, chiếm đến 7,53%. Rất nhiều trường hợp sinh con thứ ba trở lên vì mong muốn sinh được con trai, đây cũng là một nguyên nhân khiến cho mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội được dự báo có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng cuối năm nay.

Cũng theo ông Lân, mặc dù thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp để kiểm soát tình trạng này song hiệu quả đạt được còn hạn chế. Nguyên nhân do nếu cha mẹ có nhu cầu sinh con trai sẽ tìm đủ cách để biết giới tính thai nhi. Người có điều kiện thì đi bắt mạch, làm xét nghiệm máu hoặc chăm chỉ siêu âm và biết cách hỏi, bác sĩ sẽ cho biết thai nhi là trai hay gái dù không nói thẳng.

Bên cạnh sự giúp đỡ của khoa học kỹ thuật, bác sĩ, ngày nay, trên các trang mạng, thông tin, bí quyết ăn uống, sinh hoạt vợ chồng để có con trai, mẹo phát hiện giới tính thai nhi cũng được thông tin công khai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nhu cầu có nên người dân sẽ bằng mọi cách để biết giới tính thai nhi. Phòng khám này không nói họ sẽ sang phòng khám khác, thậm chí ra nước ngoài. Với hệ thống dày đặc các phòng khám sản phụ khoa như hiện nay không có lực lượng thanh tra nào kiểm soát nổi.

Hơn nữa, quy định chỉ xử phạt khi giấy trắng mực đen nhưng trên thực tế bác sĩ - bệnh nhân chỉ nói chuyện hoặc ám hiệu chứ chẳng có phiếu siêu âm nào ghi giới tính thai nhi. Nói vậy để thấy rằng, để hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi là truyền thông thay đổi tư duy, quan niệm của người dân về sinh con trai, con gái.

“Bao giờ quan niệm của người dân còn cho rằng sinh con trai để có người nối dõi thì việc lựa chọn giới tính thai nhi còn tiếp diễn và cơ quan quản lý sẽ gặp khó trong việc xử lý”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ