Ngày 14/7, IBM công bố tập đoàn này sẽ đầu tư 3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới vào hai chương trình nghiên cứu và phát triển để “phá vỡ các giới hạn hiện tại” của công nghệ chip bán dẫn, đáp ứng nhu cầu mới của các hệ thống điện toán đám mây và dữ liệu lớn.
Chương trình thứ nhất được gọi là "7 nanomet và nhỏ hơn”, tập trung vào việc phát triển công nghệ bán dẫn silicon nhằm giảm kích thước chip hiện tại xuống còn tối đa là 7 nanomet (1 nanomet bằng 1 phần tỉ mét).
Chương trình thứ hai là tìm kiếm các công nghệ của kỷ nguyên hậu bán dẫn để thay thế cho các chip bán dẫn, sử dụng những cách tiếp cận hoàn toàn khác mà theo các nhà khoa học của IBM và các chuyên gia khác là cần thiết để vượt qua những giới hạn vật lý của công nghệ bán dẫn sử dụng vật liệu silicon truyền thống.
Thực tế cho thấy các ứng dụng điện toán đám mây và dữ liệu lớn đang tạo ra những thách thức mới đối với các hệ thống. Ngoài thách thức giới hạn mở rộng về mặt vật lý của công nghệ chip hiện nay, băng thông kết nối với bộ nhớ, truyền thông tốc độ cao và mức tiêu thụ điện năng của thiết bị đang ngày càng trở thành những thách thức lớn.
Đội ngũ nghiên cứu này sẽ bao gồm các nhà khoa học thuộc Bộ phận Nghiên cứu IBM (IBM Research) và các kỹ sư từ Albany và Yorktown, New York, Almaden, California (Mỹ) và Zurich (Thụy Sĩ).
IBM sẽ tăng cường tuyển dụng các chuyên gia trong những lĩnh vực nghiên cứu mới đang được triển khai tại IBM, như điện tử nano, carbon, quang điện tử silicon, các công nghệ mới về bộ nhớ và kiến trúc để hỗ trợ điện toán lượng tử, điện toán biết nhận thức.
Ngoài ra, IBM tiếp tục đầu tư vào khoa học nano và điện toán lượng tử - hai lĩnh vực khoa học cơ bản IBM đã luôn đi tiên phong trong suốt ba thập kỷ qua.
Các nhà nghiên cứu của IBM và các chuyên gia khác về công nghệ bán dẫn dự báo rằng, mặc dù còn có nhiều thách thức, công nghệ bán dẫn vẫn có tiềm năng để tiếp tục thu nhỏ, từ 24 nanomet hiện nay xuống còn 14 và sau đó là 10 nanomet trong vòng vài năm tới. Tuy nhiên, để có thể thu nhỏ xuống 7 nanomet và thậm chí là nhỏ hơn nữa vào cuối thập kỷ này, cần đầu tư và sáng tạo rất nhiều vào các kiến trúc bán dẫn, phát minh ra những công cụ và kỹ thuật sản xuất mới.
"Câu hỏi ở đây không phải là liệu chúng ta có thể đưa được công nghệ 7 nanomet vào sản xuất hay không, mà là sản xuất như thế nào, khi nào và chi phí là bao nhiêu?" ông John Kelly, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Bộ phận Nghiên cứu IBM nói, đồng thời nhấn mạnh các kỹ sư và nhà khoa học IBM cùng với các đối tác của IBM đã sẵn sàng cho việc giải quyết những thách thức này.