Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Wiscosin Madison tuyên bố đã chế tạo thành công chip máy tính từ gỗ.
Theo đó, các nhà khoa học sử dụng những miếng nano cellulose ( CNF ) tạo ra từ gỗ, sau đó phủ lên một lớp epoxy nhằm cố định, chống ẩm và tạo thành lớp nền để đặt các vi mạch khác lên đó. Họ hy vọng rằng kỹ thuật này sẽ được tiếp tục phát triển nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái chế và hạn chế lãng phí.
Khác với những sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ vốn đang được sử dụng rộng rãi để chế tạo đế cho những con chip máy tính hiện nay, gỗ là một nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Tuy nhiên, nó vẫn mắc phải nhược điểm là dễ bị thoái hóa sau thời gian sử dụng.
Người dẫn đầu nghiên cứu Zhenqiang Ma cho biết: "Phần lớn các vật liệu trong một con chip đều mang tính hỗ trợ. Trong khi chúng ta chỉ sử dụng vài micro mét cho tất cả mọi thứ. Bằng công nghệ này, chúng ta có thể bỏ những con chip trong rừng hoặc bất cứ nơi nào khác và nấm mốc, vi khuẩn sẽ giải quyết phần còn lại. Chip máy tính giờ đây sẽ an toàn như phân bón vậy."
Nghiên cứu được nhóm thực hiện từ năm 2009 và mới đây, họ đã đạt được bước tiến hết sức khả quan. Đầu tiên, họ "chẻ" gỗ ra thành những đơn vị nhỏ hơn ở kích thước nano (bé hơn dạng sợi thường được dùng trong quy trình sản xuất giấy) nhằm tạo ra các miếng CNF với đặc tính bền, dẻo, trong suốt.
Tiếp theo, họ phủ thêm một lớp keo epoxy nhằm ngăn chặn độ ẩm khiến miếng gỗ nở ra, đồng thời tạo độ nhám để đặt các vi mạch khác lên đó. Sản phẩm cuối cùng là con chip máy tính có "bệ đỡ" làm từ gỗ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là một ý tưởng đầy hứa hẹn và sẽ chính thức được thương mại hóa trong vài năm tới. Trước giờ, cộng đồng luôn xem các sản phẩm điện tử như một loại hàng hóa dùng 1 lần rồi vứt. Thật vậy, nếu như chai thủy tinh có thể tái chế hoặc thức ăn vứt đi sẽ tự phân hủy, nếu bạn vứt một chiếc laptop vào thùng rác, nó vẫn sẽ còn ở đó.
Hàng năm tại Mỹ có 3,2 triệu tấn rác điện tử phát sinh. Nhiều tổ chức đã cố gắng tìm cách tái chế chúng, tận dụng lại những vật liệu giá trị cao như vàng, bạch kim,… nhưng hàng tấn rác thải vẫn còn đó. Do đó, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng giải pháp sử dụng gỗ trong quy trình sản xuất chip của họ sẽ có thể giải quyết được phần nào lượng rác thải điện tử khổng lồ nói trên.