Chè Gay – Miền ký ức yêu thương

GD&TĐ - Chiều nay, khi bất chợt nghe bài hát “Nơi ấy quê mình" của nhạc sĩ Mạnh Chiến... “Quê tôi nắng đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non. Quê tôi gừng cay muối mặn níu bao đời câu hát buồn vui… Ngọt đắng… Gốc đa sân đình, đò chiều mẹ đợi, chè xanh mời gọi thơm cả làng ta…”. Câu hát buông trôi gọi tôi về ký ức tuổi thơ.

Chè Gay – Miền ký ức yêu thương

“Nơi ấy” quê tôi nổi tiếng với đặc sản Chè Gay. Bà ngoại tôi là người rất thích thậm chí có thể nói là nghiện uống chè xanh. Ngày nào đi chợ, bà cũng mua một bó chè xanh để uống trong hai ba ngày, một ngày thường om hai ba lần chè. Bà bảo rằng: Bó chè ngon lá thường nhỏ, dày, hơi vàng, nhánh chè không quá dài, thân không phải màu xanh mà là màu nâu. Còn loại chè lá to xanh mướt, mềm uột, thân cành to màu xanh không phải là thứ chè Gay của ta đâu nhé.

Mỗi lần mở bó chè ra, bà thường vặt phần đầu nhánh chè, bỏ những lá úa vàng và dập nát rồi sắp xếp chúng thành từng bó nhỏ, buộc lại bằng lá chuối, sau đó lấy lá chuối bó lại với nhau. Việc chọn và sắp xếp chè của bà có lúc mất cả tiếng đồng hồ. Vì thế nên chè thường tươi rất lâu.

Bà thường dặn tôi: “Chỉ cần sót lại một, hai lá chè dập nát thì ấm chè đã nghe mùi ôi, không ngon rồi. Làm gì cũng thế cháu ạ. Mới đầu chịu khó một tý, cẩn thận một tý thì sau mới khoẻ cho mình được mà cái mình làm mới tốt, mới ưng”. Khi rửa chè, bà dặn tôi: “Không được rửa chè nhiều lần, làm dập nát lá chè mà phải rủ nhẹ cho sạch bụi hoặc những lá cành vụn vương vào nhánh chè, chứ chè trên đồi núi cao thì sạch sẽ không có bùn đất lấm vào đâu”.

Khi cho chè vào ấm, bà còn chọn vài chiếc lá làm nút nén chặt đầu ấm để chè kín hơi khi bỏ nước vào. Nước để om chè tuyệt đối bà dùng nước giếng làng hoặc nước mưa chứ không dùng nước giếng khoan. Khi đun bếp củi, bà chọn những thanh to và đượm lửa chứ không dùng giấy hay lá vì có khói ám vào là chè mất vị, mất hương đặc trưng của nó. Những lá chè trước khi bỏ vào ấm, bà thường vò nhẹ để khi đổ nước vào, chè nhanh ngấm hơn, nước ra có màu vàng sánh như mật ong. Đến cả việc bỏ nước vào ấm, bà cũng làm một cách tỉ mỉ. Bà đổ nước vừa mới sôi rưới đều lên khắp mặt lá và đổ đầy khoảng 1/3 ấm, sau đó đổ nước ấy ra. Thao tác này, bà lặp lại hai lần.

Bà giải thích: Bước một là bước tráng ấm chè cho nóng và thử xem nước ra có bị tắc ở chỗ vòi ấm không để chỉnh lại cho thông. Bước hai là để nước bắt đầu ngấm vào chè và đổ những cặn bụi còn sót lại trong ấm ra ngoài. Cuối cùng, bà mới đổ nước vào đầy ấm và ủ ấm chè trong một cái giỏ mây khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ (thời gian ủ tuỳ thuộc vào trời nóng hay lạnh). Một ấm chè như thế hãm được hai lần nước nhưng lần sau nước có nhạt hơn lần thứ nhất. Vị chè ra từ từ rất đậm đà, mới đầu uống có vị hơi chát, sau đó ngấm dần vào đầu lưỡi và cuống lưỡi với vị ngọt đằm. Chè phải om mới ngon, thơm, ngọt và có màu vàng ươm còn nếu đem nấu thì nước chè trở nên đậm đặc, hơi chát và có màu vàng đậm, không có mùi thơm dịu nhẹ của lá chè tươi.

Bà thường nói: “Đun chè là kiểu ăn xổi ở thì, nhanh ra nước nhưng không ra vị chè xanh cháu ạ”. Ngày đó, tôi nghe bà nói cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, đôi khi còn thảng qua trong đầu: “Ôi, có việc om chè thôi mà. Sao phải rắc rối vậy. Cứ vặt chè rửa rồi cho vào ấm, đổ nước sôi vào là xong”.

Lần đầu tiên, tôi om chè rất tệ. Mặc dù được bà dặn dò kỹ càng nhưng chè tôi rửa cứ nát nhàu, cái nút chè thì bị bung bét ra chứ không tròn khéo như bà làm, đã vậy nước cho vào ấm, tôi chỉ đổ một lần, khỏi hai ba lần lằng nhằng, mất thời gian. Bà cầm cốc nước lắc đầu: “Cháu om a ri, lá nát mà chè còn sống cháu ạ, con gái chè Gay mà làm mất thương hiệu chè Gay là không được đâu nhá!”. Bà nghiêm khắc bảo tôi: “ Tý nữa cháu đổ ấm này ra để dùng tắm rửa, om ấm khác đi để uống”. Lúc ấy, tôi bực mình lắm, vừa làm vừa vùng vằng khó chịu. Nhưng nhờ đó, tôi lại biết om ấm chè thật ngon cho đúng vị quê mình.

Mỗi lần, bố tôi về, việc om chè lại càng tỉ mẩn hơn. Mặc dù, bố tôi là con rể nhưng bà quý như con trai. Từ khi làm rể xứ Gay, bố cũng nghiện uống chè xanh. Bà biết vậy nên khi nghe tin bố tôi về, bà đều giục mẹ hoặc tôi om một ấm chè xanh thật ngon cho bố. Ăn xong bữa cơm, cả nhà lại quây quần bên bàn chè xanh ấm nóng, thơm ngát, chát ngọt, sánh vàng.

Càng ngày tôi càng cảm thấy thấm thía những lời bà dạy bảo mặc dù giờ đây bà đã đi thật xa…

Và tôi đã lớn lên từ việc om chè ngày ấy! 

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.