Chế độ mẫu hệ ở một số dân tộc đương đại

Chế độ mẫu hệ ở một số dân tộc đương đại

(GD&TĐ) - Khi nói đến Ngày Quốc tế Phụ nữ, một số người hay gọi vui “Ngày Phụ nữ Vùng lên”. Theo cách nghĩ, dường như từ xưa đến nay phụ nữ luôn là những người bị đàn ông áp bức, chiếm hữu…

Thế nhưng, khác suy nghĩ của nhiều người, lịch sử cho thấy, trước đây chế độ mẫu hệ phổ biến ở hầu hết các dân tộc trên thế giới. Đây là hình thái tổ chức xã hội mà phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, con cái mang tên thị tộc mẹ, quyền lực và tài sản được truyền từ mẹ cho con gái.

Bên nhà gái làm lễ cưới chồng cho con và con sinh ra mang họ mẹ. Người phụ nữ có địa vị cao hơn đàn ông, được tôn kính trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này là do đặc điểm xã hội loài người khi còn sống hoang dã, con cái chỉ biết đến người mẹ, không biết bố là ai.

Mặc dù loài người hiện đại đã xuất hiện từ khoảng 250.000 năm trước, nhưng nam giới mới giành được quyền chi phối xã hội trong vài ngàn năm trở lại đây. Hiện nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn được duy trì ở không ít nơi trên thế giới:

Người Minangkabau, Indonesia

Ở Indonesia, có dân tộc Minangkabau vẫn còn chế độ mẫu hệ. Người Minangkabau sinh sống ở tỉnh Tây Sumatra. Theo truyền thống của người dân nơi đây, phụ nữ Minangkabau là những người chủ chốt trong gia đình và trong xã hội. Từ xa xưa, dân tộc Minangkabau đã có tục thờ nữ thần Đất và bộ phận tử cung của người phụ nữ. Trong xã hội Minangkabau, chỉ có phụ nữ mới được hưởng quyền thừa kế. Khi qua đời, người mẹ sẽ giao lại quyền thừa kế cho con gái. Theo phong tục của người Minangkabau, khi lấy vợ, người đàn ông sẽ chỉ được đến ân ái với vợ mình vào ban đêm và phải trở về nhà mẹ đẻ của mình vào sáng sớm để làm việc giúp mẹ. Nếu một người chồng đối xử tệ với vợ, người đàn ông đó sẽ bị các thành viên trong cộng đồng tẩy chay và đuổi khỏi nhà vợ.

Sau khi đạo Hồi được truyền bá vào Indonesia vào khoảng thế kỷ thứ 14, người Minangkabau trở thành những tín đồ Hồi giáo, nhưng vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ. Phụ nữ Minangkabau ngày nay thường có tính cách độc lập và luôn tự hào về vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Họ thường có học vấn cao hơn phụ nữ ở bất cứ nơi nào khác ở Indonesia. Nhiều phụ nữ Minangkabau đã trở thành những doanh nhân thành đạt trong kinh doanh tại các thành phố lớn, và một số người đã được tham gia vào chính phủ Indonesia.

Người Mosou ở Trung Quốc

Theo truyền thống, phụ nữ Mosuo tại tỉnh Vân Nam, Trung quốc, là người điều hành xã hội. Theo truyền thống của người Mosou, các con trai sống với mẹ. Trên thực tế, trong ngôn ngữ của người Mosou, từ "cha" không tồn tại. Phụ nữ Mosou lo toan cho toàn bộ gia đình, và chỉ có phụ nữ mới được hưởng thừa kế.

Trong cộng đồng dân cư Mosou, hôn nhân được tiến hành dưới hình thức mang tên "hôn nhân dạo chơi". Theo đó, người đàn ông có thể tới ân ái với tình nhân vào ban đêm và phải trở về nhà mẹ đẻ của mình trước khi trời sáng. Không hề có khuôn mẫu nào ràng buộc các cặp tình nhân với nhau. Phụ nữ có thể chọn axia (tình nhân) bất cứ khi nào cần. Dù nàng có thể gặp chàng không chỉ một lần, và thậm chí có thai nhưng nàng không phải là “vợ” cũng như chàng không phải là “chồng”.

Trong các cuộc "hôn nhân dạo chơi", người đàn ông phải vào nhà gái bằng cổng hậu hoặc phải trèo qua cửa sổ. Sau đó phải treo lên một chiếc nón ngoài cửa sổ để báo cho mọi người biết là trong nhà đang có một chàng trai. Chàng không bao giờ được sống chung với nàng và chỉ được phép ngủ với nàng một tuần vài lần cho đến khi nàng chán và chọn người khác.

Lối sống của cộng đồng người Mosou đã được mô tả trong Tây Du Ký ở phần nói về Vương quốc Đàn bà.

Ở Việt Nam

Ở Việt Nam cũng vậy, chế độ mẫu hệ đã được ghi nhận ở nước ta từ thời Bà Trưng, Bà Triệu. Dấu vết của chế độ mẫu hệ vẫn còn được tìm thấy rõ nét trong ngôn ngữ ngày nay, như từ “Cái” (tức là mẹ) mang nghĩa “chính yếu”, “quan trọng nhất”… trong những câu, từ như “Đường cái”, “Nhà cái”, ...

Hiện nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại ở những dân tộc vùng cao Tây Nguyên như các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai… và một số dân tộc vùng Tây Bắc.

Những dân tộc hiếm hoi trên thế giới đến nay vẫn còn duy trì chế độ mẫu hệ đang hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học và du khách tìm đến để tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống và cơ cấu xã hội độc đáo của mình.

Vũ Anh Tuấn (St)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.