Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
1. Cử tri cho rằng chế độ chính sách đối với giáo viên còn nhiều bất cập; số lượng đội ngũ giáo viên, còn thừa thiếu cục bộ ở các khối học; mức lương giáo viên thấp, nhất là giáo viên bậc học mầm non; chế độ chính sách đối với giáo viên còn nhiều bất cập, mức lương giáo viên thấp, nhất là giáo viên bậc học mầm non:
(i) Chế độ chính sách đối với giáo viên còn nhiều bất cập, mức lương giáo viên thấp, nhất là giáo viên bậc học mầm non: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ban hành các chế độ, chính sách tương đối phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục, cụ thể: Giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, có chính sách riêng giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy lớp ghép, giáo viên đặc thù...
Tuy nhiên, trong thực tế, những chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập như lương giáo viên (nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học) còn thấp, hệ thống chính sách, văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa đủ nguồn lực bố trí cho các chính sách, chậm và chưa bảo đảm các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt.
Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4332/QĐ-BGDĐT ngày 15/10/2018 Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nhằm triển khai nhiệm vụ đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm đối với viên chức ngành giáo dục và đào tạo
(ii) Số lượng đội ngũ giáo viên, còn thừa thiếu cục bộ ở các khối học.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, tình trạng thừa/thiếu giáo viên ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo thẩm quyền đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp,…
Ngoài ra, theo chức năng quản lý của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp; thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên; chỉ đạo các địa phương tăng cường các giải pháp nhằm không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học; nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh sát với nhu cầu sử dụng; rà soát, qui hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cho phù hợp với yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ trong thời gian tới.
Đầu năm học 2018-2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ nội vụ rà soát tổng thể vấn đề biên chế, hợp đồng giáo viên. Theo đó, Bộ Nội vụ (chủ trì) đã báo cáo đề xuất với Chính phủ giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở 17 tỉnh tăng trưởng cơ học về dân số và 5 tỉnh Tây Nguyên (tổng số biên chế đề nghị giao thêm là 26.726 biên chế).
Về vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học, nhất là tại những vùng miền núi, vùng sâu, vùng có điều kiện khó khăn, theo báo cáo của các địa phương, hiện tại cả nước vẫn còn thiếu khoảng 5616 giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học. Để chuẩn bị giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên từ những năm trước tiến hành đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn cho các địa phương tuyển dụng giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học.
Tuy nhiên, để bố trí đủ giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cần tính toán cụ thể nhu cầu số lượng giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học ở từng trường; tiếp tục bố trí sắp xếp lại đội ngũ giáo viên nhằm cân đối giáo viên giữa các môn học, bảo đảm phù hợp theo định mức quy định để bố trí giáo viên cho môn ngoại ngữ; ưu tiên biên chế được giao của địa phương để tuyển dụng giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học ở một số địa phương còn nhiều khó khăn. Đề nghị Nhà nước quan tâm, có chính sách phù hợp:
Việc đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục thuộc trách nhiệm trước hết của các địa phương. Để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường thêm cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình, Đề án hỗ trợ cơ sở vật chất như: Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 27/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn gia đoạn 2016-2020; Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025,…
Các Chương trình, Đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để các địa phương huy động nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, theo đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Đảm bảo ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ. Khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và cả nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng,…) để góp phần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
3. Cử tri cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi nâng định mức chi cho sự nghiệp giáo dục:
Hiện nay, định mức phân bổ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp giáo dục được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trong đó đã quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục đối với ngân sách địa phương tính theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1-18 tuổi như sau: Vùng đô thị là 2.148.100 đồng/ngườidân/năm; vùng đồng bằng là 2.527.200 đồng/người dân/năm; miền núi-vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 3.538.100 đồng/người dân/năm; vùng cao-hải đảo là 5.054.400 đồng/người dân/năm.
Do Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/20016/QĐ-TTg, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ghi nhận ý kiến của Đại biểu và sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ nâng định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp giáo dục cùng với thời điểm xây dựng báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo