Chưa biết khi nào có vaccine
Các trạm y tế tại huyện Hoài Đức đã hết vaccine 5 trong 1 từ nhiều tháng nay. Tại một số trạm, vaccine DPT phòng Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván cũng không còn.
Chị Đ.T.H. (29 tuổi, Hoài Đức) cho biết, theo đúng lịch, sáng nay chị đưa con tới trạm y tế để tiêm vaccine sởi và DPT. Tuy nhiên, nhân viên y tế cho biết, vaccine đã hết và không biết khi nào mới có.
"Tôi đang rất lo lắng vì trong khi nhiều dịch bệnh đang vào mùa như hiện nay, việc tiêm chậm vaccine thế này liệu có làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con hay không”, chị H. nói.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức cho biết, từ tháng 2, vaccine 5 trong 1 có trên địa bàn huyện đã được sử dụng hết và chưa được bổ sung. Việc này sẽ ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của trẻ và cả về độ tuổi tiêm cho trẻ.
“Để đảm bảo trẻ được tiêm đúng lịch, cán bộ y tế cũng đã gọi điện nhắc lịch tiêm và hướng dẫn gia đình đưa trẻ đi tiêm dịch vụ nếu có điều kiện. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tiêm dịch vụ”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Tại các quận, huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội như quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, huyện Đan Phượng cũng đều ghi nhận tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình TCMR như phản ánh.
Ghi nhận trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho thấy, tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 đã diễn ra trong nhiều ngày qua. Điều đó khiến không ít trẻ trên địa bàn chưa được tiêm loại vaccine này. Trong khi đó, một số loại vaccine khác có trong Chương trình TCMR cũng có khả năng sẽ hết trong thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chương - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, thiếu vaccine 5 trong 1 đang là tình trạng chung của Hà Nội từ tháng 4 đến nay.
"Trong khoảng 3 tháng tới đây, một số loại vaccine khác như vaccine phòng lao, phòng sởi, bạch hầu cũng sẽ tiếp tục thiếu nếu không có nguồn cung kịp thời. Hiện chúng tôi vẫn tổ chức tiêm cho trẻ trên địa bàn vào 2 buổi tiêm/tháng với các vaccine đang còn”, bác sĩ Chương nói.
Theo bác sĩ Chương, đối với trẻ có nhu cầu tiêm loại vaccine đang thiếu, hiện tại, nhân viên y tế tại trạm y tế các phường cũng đã tư vấn cho bố mẹ trẻ chuyển sang tiêm dịch vụ để đảm bảo không bị chậm, muộn lịch tiêm, ảnh hưởng đến miễn dịch phòng bệnh.
Đa số các phụ huynh cũng đồng thuận. Mặc dù vậy, theo thống kê sơ bộ, trong số các trẻ đang chờ vaccine, chỉ khoảng 50% trẻ có nhu cầu tiêm dịch vụ còn lại gia đình vẫn chờ vaccine trong Chương trình TCMR. Trung tâm cũng đã dự trù, báo cáo lên thành phố để đề xuất phân bổ vaccine về, kế hoạch phân bổ.
Kế hoạch đặt hàng và phân bổ vaccine
Từ năm 2023, chuyển đổi chương trình mục tiêu y tế dân số trở về thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, trong đó có bố trí ngân sách để mua vaccine. Theo đó, thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và theo phân cấp, các địa phương phải bố trí ngân sách đảm bảo để mua vaccine. Như vậy, cơ chế mua sắm tập trung của Bộ Y tế khi không được giao ngân sách sẽ có vướng mắc.
Để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã có kế hoạch đặt hàng và phân bổ vaccine.
TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng TCMR quốc gia cho biết, qua khảo sát, đến thời điểm hiện tại không tỉnh nào còn vaccine 5 trong 1.
Đối với các loại vaccine khác trong Chương trình TCMR như vaccine DPT cũng bắt đầu hết; vaccine BCG (phòng bệnh lao), sởi, rubella còn dùng được đến tháng 7, tháng 8; vaccine phòng bại liệt bOPV (dạng uống) sẽ thiếu trong vài tháng tới; vaccine uốn ván có thể dùng đến hết năm 2023. Riêng vaccine bại liệt dạng tiêm còn dồi dào và hạn sử dụng đến hết tháng 8.
“Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ tình trạng này. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ trình lên Chính phủ để tiếp tục được cung ứng tập trung vaccine. Dự kiến trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng vaccine. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phải nỗ lực nắm được con số chính xác ở mức tối đa nhất để tránh tình trạng thừa hoặc thiếu so với số lượng đề xuất”, TS Hồng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, không chỉ các phụ huynh rơi vào tình trạng bàng hoàng khi con em mình không được tiêm chủng đúng lịch, mà các nhân viên y tế cũng đang rất lo lắng trước nguy cơ xuất hiện lỗ hổng miễn dịch nếu việc thiếu vaccine này tiếp tục kéo dài.
Bác sĩ Trần Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay, đến hiện tại, vaccine vẫn đang là biện pháp tốt nhất để phòng chống lại những căn bệnh nguy hiểm.
"Có những bệnh chúng ta đã loại bỏ được nhờ có vaccine. Trong khi đó, một vài bệnh khác, vaccine có tác dụng giúp giảm bớt tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ biến chứng rất tốt. Thế nhưng, nhiều loại vaccine chỉ tiêm đúng giai đoạn, đúng thời hạn mới có tác dụng”, bác sĩ Trang nói.
Đơn cử, vaccine phòng bệnh sởi chỉ phát huy tác dụng vào khoảng trẻ ở độ tuổi từ 9 - 12 tháng. Nếu quá lứa tuổi đó, vaccine không còn tác dụng. Bởi vậy, theo bác sĩ Trang, việc có vaccine để đáp ứng tiêm cho trẻ là vô cùng quan trọng.
“Không chỉ phụ huynh mà các nhân viên y tế cũng rất lo lắng trước tình trạng đang diễn ra hiện nay. Nếu tình trạng thiếu vaccine vẫn còn tiếp diễn thì nguy cơ xuất hiện lỗ hổng miễn dịch là rất lớn. Đáng tiếc là hiện nay chúng ta đang có tỷ lệ miễn dịch đối với nhiều loại dịch bệnh ở mức rất cao”, bác sĩ Trang cho biết.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng thiếu vaccine, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, giai đoạn từ năm 2023 trở về trước, Bộ Y tế được giao kinh phí để thực hiện mua vaccine tập trung trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.
Đối với các vaccine thuộc chương trình TCMR và được ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Y tế, Bộ thực hiện mua sắm tập trung cho các địa phương.
Trong giai đoạn này, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc. Để có lộ trình chuyển đổi phù hợp từ mua sắm bằng ngân sách Trung ương chuyển sang địa phương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129 năm 2020 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.
Theo đó, Bộ Y tế vẫn được giao dự toán từ nguồn ngân sách Trung ương để mua tập trung và cung ứng cho cả nước nên chưa xảy ra thiếu vaccine. Trong giai đoạn này, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương lập nhu cầu và bố trí ngân sách để mua vaccine.